Phạm vi thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 43 - 50)

Theo Điều 367 BLDS 2005, “khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh”. Như vậy, nghĩa vụ của bên được bảo lãnh giới hạn trong “phạm vi bảo lãnh” hay quyền yêu cầu của bên bảo lãnh cũng giới hạn trong “phạm vi bảo lãnh” này. Điều 340 BLDS 2015 tiếp tục quy định rằng “bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện”. Với nội dung quy định này thì phạm vi trách nhiệm của người được bảo lãnh đối với người bảo lãnh giới hạn lại trong phần “đã thực hiện”. Nói cách khác, phạm vi quyền yêu cầu của bên bảo lãnh sau khi thực hiện thay nghĩa vụ sẽ tương ứng với phần nghĩa vụ đã thực hiện. Ví dụ như người bảo lãnh đứng ra bảo lãnh với phạm vi bảo lãnh là 10.000.000đ và đã trả thay 5.000.000đ thì quyền yêu cầu tương ứng với phạm vi nghĩa vụ đã thực hiện đó là 5.000.000đ. Tuy nhiên, trong một số vụ việc ngoài nợ gốc mà người bảo lãnh trả cho người có quyền thì còn có lãi suất. Vấn đề đặt ra là khi lãi suất các bên thỏa thuận cao hơn sự cho phép của pháp luật và người bảo lãnh đã thực hiện thay cả phần lãi quá cao đó thì người bảo lãnh có được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán lại đầy đủ số tiền (bao gồm cả phần lãi suất vượt mức cho phép) hay không.

Trong vụ việc tại Bản án số 497/2008/DS-PT ngày 21/5/2008 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày ở phần trên, bà Hạnh bảo lãnh cho bà Thanh vay bà Đức số tiền 190.000.000đ với lãi suất 5%/tháng. Sau khi bà Hạnh đứng ra thanh toán số tiền lãi và gốc cho bà Đức với tư cách là người bảo lãnh, bà Hạnh đã yêu cầu bà Thanh (người được bảo lãnh) thực hiện nghĩa vụ với mình. Cụ thể, bà Hạnh đã thanh toán số tiền gốc là 190.000.000đ và số tiền lãi của ba tháng 8, 9, 10 năm 2006 là 28.500.000đ (lãi suất 5%/tháng). Tuy nhiên, Tòa án đã “buộc bà Thanh phải thanh toán cho bà Hạnh số tiền vốn gốc là 190.000.000đ và số tiền lãi của 3 tháng (tháng 8, tháng 9, tháng 10-2006) là 5.878.125đ”. Như vậy, mặc dù người bảo lãnh đã thanh toán số tiền lãi đến 28.500.000đ nhưng Tòa chỉ cho phép nhận lại từ người được bảo lãnh khoản tiền 5.878.125đ cho phần lãi. Ở đây, Tòa án đã xét rằng “việc bà Hạnh trả thay cho bà Thanh số tiền lãi 5% cho bà Đức không được sự chấp nhận của bà Thanh. Mặt khác việc trả tiền lãi này là 5% tháng là quá mức lãi suất mà pháp luật quy định. Nên án sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu đòi 28.500.000đ của bà Hạnh, chỉ chấp nhận trả cho bà Hạnh theo mức lãi suất ngân

hàng là có căn cứ và đúng pháp luật”. Với phán quyết này của Tòa phúc thẩm thì rõ ràng người bảo lãnh đã đứng ra thực hiện thay nghĩa vụ (trong phạm vi bảo lãnh của mình) không thể lấy lại đầy đủ những gì đã bỏ ra. Nói cách khác, phạm vi quyền yêu cầu của bên bảo lãnh trong trường hợp này không tương ứng với nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện. Đây là một trường hợp đặc biệt khi có liên quan đến quy định về lãi suất cho vay và Tòa án đã theo hướng các bên phải thực hiện theo hạn mức quy định. Điều này có thể lý giải trên cơ sở thế quyền, bởi vì người cho vay (người có quyền) không được yêu cầu lãi cao hơn mức cho phép nên khi người bảo lãnh thế vào vị trí của người có quyền thì cũng không được hưởng quyền nhiều hơn người có quyền (không được yêu cầu lãi cao hơn mức nói trên).

Tuy nhiên, hướng xử lý nói trên của Tòa án vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục, không đảm bảo quyền lợi của người thực hiện thay nghĩa vụ. Nên chăng có thể cho phép người bảo lãnh yêu cầu người có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ những gì đã thanh toán cho người có quyền. Sau đó, câu chuyện lãi suất vượt quá mức quy định sẽ là của người có nghĩa vụ (người vay) và người có quyền (người cho vay). Bởi sự vi phạm ở đây bắt nguồn từ quan hệ hợp đồng cho vay giữa hai chủ thể này, nên họ mới chính là những người nên chịu trách nhiệm chứ không phải người đứng ra bảo lãnh.

Ngoài ra, trong những trường hợp thực hiện thay nghĩa vụ khác như trả nợ thay (không có bảo lãnh), quyền yêu cầu cũng có phát sinh lãi suất. Quy định hiện tại chưa đề cập lãi suất có được chuyển giao cùng với quyền yêu cầu hay không. Trong thực tiễn đã có Tòa án theo hướng cho phép người trả nợ thay thế quyền bên cho vay đồng thời được hưởng lãi suất. Cụ thể, tại Quyết định số 88/2007/DS-GĐT ngày 29/3/2007 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, Tòa xét rằng: “Tòa án cấp sơ thẩm tuy đã buộc ông Giữ trả cho ông Ngon số tiền mà ông Ngon đã trả cho ngân hàng nhưng không buộc ông Giữ trả phần lãi suất đối với số tiền đó là chưa đảm bảo quyền lợi của ông Ngon”46. Khi thế quyền xảy ra, nghĩa vụ ban đầu vốn không thay đổi nên các yếu tố liên quan nghĩa vụ về cơ bản vẫn được duy trì. Thực tế, “lãi suất là bộ phận phụ của quyền yêu cầu nên khi quyền yêu cầu được chuyển giao thì lãi suất cũng được chuyển sang cho người thế quyền nếu các bên không thỏa thuận khác”47. Trong vụ việc này, giữa người vay tiền và ngân hàng có thỏa thuận “đến ngày 15/11/1995 ông Giữ mới phải trả hết số tiền vay… nếu không trả đúng hạn phải chịu lãi suất nợ

46 Đỗ Văn Đại (2017), Luật nghĩa vụ và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Việt Nam – Bản án và bình luận bản án

- Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, Hà Nội, tr.611.

quá hạn là 4,5%/tháng”. Dưới một góc độ khác, có thể thấy lãi suất phát sinh nói trên cũng là công cụ để thúc đẩy người có nghĩa vụ trả tiền không chậm hoàn thành nghĩa vụ hay nói cách khác, có tính chất như một biện pháp để bảo đảm nghĩa vụ được thực hiện đúng hạn. Có thể hiểu, ông Ngon được thế vào vị trí của ngân hàng nên được hưởng những gì mà ngân hàng được hưởng.

Trở lại với quy định về chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm. Theo nội dung Điều 577 BLDS 2005 (không còn duy trì ở BLDS 2015) thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả “khoản tiền mình đã trả”. Trong luật chuyên ngành, cụ thể tại Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”. Tương tự, theo Điều 326 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 thì “khi đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm, người bảo hiểm được quyền truy đòi người có lỗi gây ra tổn thất đó (sau đây gọi là người thứ ba) trong phạm vi số tiền đã trả”. Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được phép thế quyền trong phạm vi số tiền bảo hiểm mà mình đã đứng ra thực hiện thay cho bên thứ ba “có lỗi” trong việc gây ra thiệt hại cho bên được bảo hiểm. Từ nội dung các quy định này cũng có thể thấy là để bên bán bảo hiểm được thế quyền bên mua bảo hiểm thì còn cần phải có điều kiện người thứ ba “có lỗi” gây ra thiệt hại. Trong thực tế đã có Tòa án giới hạn quyền yêu cầu của bên bảo hiểm tương ứng với phần lỗi của người gây thiệt hại. Bên cạnh đó, cũng có Tòa án cho rằng bên bảo hiểm đã bồi thường bao nhiêu thì sẽ được yêu cầu bồi hoàn bấy nhiêu mà không phụ thuộc yếu tố lỗi này. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, có thể xem xét trường hợp thực tiễn sau đây.

Bản án số 221/2005/DSPT ngày 29/10/2005 về “V/v Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội:

Theo nội dung bản án, công ty Amoro thuê công ty Trần Sơn thi công nhà kho. Quá trình thi công đã xảy ra cháy lớn làm thiệt hại tài sản của công ty Amoro, trong đó có một phần tài sản đã được công ty Amoro mua bảo hiểm của công ty Bảo Việt. Bảo Việt đã bồi thường cho công ty Amoro phần thiệt hại tương ứng với số tài sản được bảo hiểm cho Amoro thực tế là 1.085.643.307 đồng. Công ty Amoro đã có văn bản chấp nhận và chuyển quyền khiếu nại người thứ ba gây thiệt hại là công ty

Trần Sơn cho Bảo Việt. Tuy nhiên, tại Bản án số 26/2005/DSST ngày 4.7.2005 của Tòa án nhân dân huyện Đông Anh xác định nguyên nhân gây cháy có cả lỗi của công ty Trần Sơn (2/3) và công ty Amoro (1/3) nên chỉ chấp nhận 2/3 yêu cầu đòi bồi hoàn của Bảo Việt. Tòa phúc thẩm không đồng tình với quyết định này và cho rằng: “Đây là vụ án khởi kiện về chuyển yêu cầu bồi hoàn trong hợp đồng bảo hiểm theo khoản 1 Điều 581 Bộ luật dân sự, nên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mình đã trả. Do vậy, việc Tòa án sơ thẩm tính lỗi để buộc công ty TNHH Amoro phải chịu 1/3 lỗi, công ty kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải chịu 2/3 lỗi. Theo đó công ty TNHH Amoro phải chịu 361.881.000 đồng, công ty kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải chịu 723.763.300 đồng là không có cơ sở. Cần buộc công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải bồi hoàn toàn bộ thiệt hại mà bảo hiểm Việt Nam đã trả cho công ty TNHH Amoro Việt Nam có giá trị là 1.085.643.307 đồng”. Tòa bỏ qua yếu tố lỗi với lập luận rằng: “Bảo hiểm Việt Nam khởi kiện buộc Công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải bồi hoàn theo hợp đồng bảo hiểm giữa Bảo Việt Việt Nam với công ty TNHH Amoro Việt Nam. Chứ không phải công ty TNHH Amoro Việt Nam khởi kiện công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải bồi thường thiệt hại, nên việc đánh giá lỗi trong vụ án này không đặt ra. Nếu công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn có yêu cầu đối với công ty TNHH Amoro Việt Nam trong vụ cháy kho ngày 4.11.2002 tại kho của công ty TNHH Amoro Việt Nam thì công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn có quyền đi khởi kiện thành một vụ án dân sự khác”.

Trong vụ việc trên, Tòa sơ thẩm chỉ chấp nhận 2/3 yêu cầu đòi bồi hoàn của Bảo Việt tương ứng với lỗi gây ra thiệt hại của công ty Trần Sơn (2/3). Với phán quyết như vậy thì phạm vi quyền yêu cầu của bên bảo hiểm đã bị giới hạn theo phần lỗi của người thứ ba, và nhỏ hơn những gì họ đã bỏ ra. Tòa phúc thẩm đã đưa ra hướng xử lý phù hợp và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thực hiện thay nghĩa vụ. Đó là, công ty bảo hiểm đã thực hiện trách nhiệm bồi thường thì được quyền yêu cầu bồi hoàn đầy đủ mà không phụ thuộc yếu tố lỗi. Lỗi sẽ được xét đến trong một quan hệ khác, vụ án dân sự khác.

Có thể thấy phạm vi của thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ được đề cập cụ thể trong pháp luật nước ngoài. Như pháp luật Mỹ, tại Điều 1830 BLDS bang Louisiana (2019) đã quy định: “Khi thế quyền theo pháp luật xảy ra, bên có

quyền mới chỉ có quyền yêu cầu đối với bên có nghĩa vụ trong phạm vi nghĩa vụ đã thực hiện cho bên có quyền ban đầu. Người có quyền mới không thể yêu cầu nhiều hơn bằng cách viện dẫn thế quyền theo thỏa thuận”48. Trong BLDS Pháp trước đây, tại Điều 1252 quy định: “Việc thay thế người có quyền theo quy định tại các điều trên liên quan đến người bảo lãnh và người có nghĩa vụ: việc thay thế không thể gây thiệt hại cho người có quyền nếu nghĩa vụ mới chỉ được thực hiện một phần. Trong trường hợp này, người có quyền vẫn thực hiện các quyền của mình đối với phần nghĩa vụ chưa được thực hiện”. Như vậy, phạm vi thế quyền của người bảo lãnh bị loại trừ đối với phần nghĩa vụ chưa được thực hiện. Hay trong BLDS Pháp gần đây nhất (2016), tại Điều 1346-4 quy định: “Quyền yêu cầu được chuyển giao cho người thụ hưởng, trong phạm vi nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện, quyền phát sinh từ nghĩa vụ và các phần phụ của nó, trừ các quyền chỉ thuộc về cá nhân chủ nợ”. Quy định này cũng đề cập vấn đề lãi suất trong chuyển giao quyền yêu cầu, cụ thể đã ghi nhận “người thế quyền chỉ được hưởng lãi suất theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm thông báo thực hiện, trừ khi người đó đã thỏa thuận một mức lãi suất mới với con nợ”. Nên chăng có thể tham khảo các quy định pháp luật nước ngoài nêu trên để phát triển một Điều luật chung về phạm vi thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (trong đó đề cập cụ thể các phần phụ được chuyển giao kèm theo quyền yêu cầu) để dễ dàng áp dụng thống nhất cho các trường hợp liên quan.

48 Art. 1830. Effects of legal subrogation

When subrogation takes place by operation of law, the new obligee may recover from the obligor only to the extent of the performance rendered to the original obligee. The new obligee may not recover more by invoking conventional subrogation.

Kết luận chương 1

Đối với thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ có những câu hỏi đặt ra, đó là: Khi nào thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ tồn tại? Và khi thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ tồn tại thì có những hệ quả pháp lý nào phát sinh? Để trả lời những câu hỏi này, các vấn đề pháp lý đã được phân tích cụ thể như sau:

- Điều kiện phát sinh thế quyền sau khi thực hiện thực hiện thay nghĩa vụ: + Có thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu: Trong trường hợp một người thực hiện nghĩa vụ của người khác để đáp ứng yêu cầu của người có quyền và người có quyền có thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu cho người thực hiện thay nghĩa vụ thì thế quyền sẽ xảy ra.

+ Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm: Sau khi bên bảo hiểm thanh toán cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại do người thứ ba gây ra thì bên bảo hiểm được thế quyền của người được bảo hiểm để yêu cầu người thứ ba thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

+ Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: Thực tiễn có những trường hợp Tòa án theo hướng người bảo lãnh sau khi thực hiện nghĩa vụ cho người có quyền (người nhận bảo lãnh) thì được thế quyền của người có quyền đối với người có nghĩa vụ (người được bảo lãnh). Thế quyền sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã từng được ghi nhận ở Việt Nam cũng như trong các hệ thống pháp luật nước ngoài.

+ Sau khi bồi thường thiệt hại: Thực tế có trường hợp Tòa án theo hướng cho phép pháp nhân sau khi bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại được thế vào vị trí của người bị thiệt hại để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường. Có thể thấy việc ghi nhận trường hợp thế quyền này trong pháp luật các quốc gia khác nhau.

+ Sau khi trả nợ thay: Trong một số trường hợp Tòa án đã theo hướng cho phép người trả nợ thay được thế vào vị trí của chủ nợ để yêu cầu con nợ thanh toán và do đó bảo đảm cho quyền lợi của người trả nợ thay (được

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 43 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)