BLDS không quy định rõ những ràng buộc giữa các bên trong quan hệ nghĩa vụ có được duy trì khi thế quyền xảy ra hay không. Theo pháp luật trọng tài, “khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận
trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” (khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20-3-2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Điều này là hoàn toàn phù hợp vì trong thế quyền chỉ có sự thay đổi chủ thể quyền còn nội dung, bản chất và đối tượng của nghĩa vụ là không thay đổi nên những ràng buộc trước đây vẫn được duy trì giữa người có nghĩa vụ và người có quyền mới (người thế quyền).
Trong pháp luật nước ngoài, việc duy trì ràng buộc giữa các bên đã được ghi nhận, như “Ở Pháp, khi có chuyển giao quyền yêu cầu phát sinh từ nghĩa vụ thì “không chỉ quyền yêu cầu được chuyển giao mà cả các yếu tố phụ cũng được chuyển giao theo như biện pháp bảo đảm, quyền khởi kiện, các quyền ưu tiên””42. Điều này là hợp lý, bởi vì như đã trình bày ở phần trên một khi bên thực hiện thay nghĩa vụ “đứng trên đôi giày” hay vị trí của người có quyền thì họ sẽ có các quyền năng cũng như những ràng buộc mà người có quyền ban đầu đã có.
Tuy BLDS chưa quy định rõ về vấn đề này, nhưng “người có nghĩa vụ có thể viện dẫn những ràng buộc mà người có quyền phải gánh chịu (nếu không có chuyển giao quyền yêu cầu) để ràng buộc người thế quyền và ngược lại, người thế quyền cũng được viện dẫn những ràng buộc đã tồn tại giữa người có nghĩa vụ và người có quyền trước đây để ràng buộc người có nghĩa vụ”43. Như đã đề cập, người thế quyền có vị trí tương đương người có quyền ban đầu nên các ràng buộc mà người có quyền được áp dụng thì người thế quyền cũng có thể được áp dụng. Thực tế, trong Bản án số 125/2010/KDTM-PT ngày 14/7/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã trình bày, Tòa án cho phép duy trì các ràng buộc khi xét rằng: “theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005 thì “thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hai năm, kể từ ngày phát sinh tranh chấp”. Do quan hệ pháp luật của vụ án trên có liên quan hợp đồng bảo hiểm hàng hải, cho nên việc Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 257 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005 để xác định thời hiệu khởi kiện vụ án là đúng”. Quy định về thời hiệu này vốn liên quan mối quan hệ hợp đồng vận tải đường biển (mối quan hệ giữa người có nghĩa vụ với người có quyền ban đầu). Tòa án đã theo hướng thời hiệu ràng buộc các bên trước đây vẫn được duy trì khi thế quyền xảy ra.
42 Đỗ Văn Đại (2020), tlđd (4), tr.381.
Mở rộng ra, trong mối quan hệ giữa ba chủ thể (bên có quyền, bên có nghĩa vụ, bên thế quyền) có thể thấy những tình huống khá phức tạp như nội dung Bản án số 1650/2011/DS-PT ngày 29/12/2011 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh44 sau đây. Theo đó, ông Phương – bà Linh có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền thế chân hợp đồng thuê nhà đã nhận của bà Hạnh. Bà Hạnh chuyển quyền yêu cầu đối với nghĩa vụ hoàn trả số tiền thế chân nói trên cho ông Hảo. Trong quan hệ chuyển giao quyền yêu cầu này thì bà Hạnh là người có quyền ban đầu, ông Phương – bà Linh là người có nghĩa vụ, ông Hảo là người thế quyền. Ngoài ra, trong vụ việc thì bà Hạnh cũng có nghĩa vụ phải bồi thường một khoản tiền cho ông Phương – bà Linh. Vấn đề đặt ra là liệu ông Phương – bà Linh có thể viện dẫn mối quan hệ này với bà Hạnh để đối kháng với ông Hảo (người thế quyền bà Hạnh) hay không. Và Tòa án đã đưa ra phán quyết: “Do xuất phát từ quan hệ hợp đồng thuê nên đối với yêu cầu bồi thường của phía bị đơn thì bà Hạnh là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Còn số tiền thế chân bà Hạnh đã chuyển quyền yêu cầu cho ông Hảo nên phía bị đơn phải trả cho ông Hảo số tiền là 800.000.000đ, vì thế không thể cấn trừ”. Như vậy, Tòa án đã không cho phép người có nghĩa vụ được viện dẫn mối quan hệ của mình với người có quyền ban đầu để đối kháng với người thế quyền.
BLDS hiện chưa có quy định áp dụng cho tình huống trên. Trong pháp luật nước ngoài, chẳng hạn như pháp luật Pháp đã theo hướng: “người có nghĩa vụ được viện dẫn những đối kháng gắn liền với nghĩa vụ mà quyền yêu cầu được chuyển giao như điều khoản miễn trách nhiệm, bù trừ nghĩa vụ tiến hành trước khi chuyển giao, thời hiệu, vô hiệu”45. Về mặt lý luận, trong chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền thay vào vị trí của người có quyền ban đầu trong mối quan hệ với người có nghĩa vụ nên người có quyền ban đầu có những ràng buộc gì thì người thế quyền cũng có những ràng buộc đó. Trở lại với vụ việc đã đề cập, nếu không có sự chuyển giao quyền yêu cầu từ bà Hạnh cho ông Hảo thì ông Phương – bà Linh có thể yêu cầu bù trừ nghĩa vụ hoàn trả tiền thế chân với nghĩa vụ bồi thường. Khả năng bù trừ nghĩa vụ này có trước khi việc chuyển giao quyền yêu cầu xảy ra, cho nên sẽ hoàn toàn phù hợp nếu ông Phương – bà Linh được viện dẫn việc bù trừ nói trên khi thế quyền xảy ra.
44 Đỗ Văn Đại (2020), tlđd (4), tr.364-366.