Trường hợp thế quyền đòi bồi hoàn trong bảo lãnh

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 61 - 64)

Như đã phân tích ở phần trên về bảo lãnh, người bảo lãnh sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ với mình theo quy định của Điều 367 BLDS 2005 (Điều 340 BLDS 2015). Bên cạnh đó, người bảo lãnh cũng được thế vào vị trí của người có quyền (người nhận bảo lãnh) để yêu cầu người có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) thực hiện nghĩa vụ đối với người bảo lãnh. Trường hợp thực tiễn sau đây cho thấy rõ hơn việc tồn tại song song của hai cơ chế này.

Xem xét Bản án số 37/2010/DS-ST ngày 01/6/2010 về “Tranh chấp về bảo lãnh” của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An:

Theo nội dung bản án, ông Liêm đứng ra bảo lãnh cho bà Nầy và đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên có quyền (nhận bảo lãnh), tức đã thực hiện thay cho bà Nầy. Sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, ông Liêm quay sang đòi bồi hoàn. Điều 367 BLDS năm 2005 (Điều 340 BLDS năm 2015) cho phép bên bảo lãnh khi hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh. Chiếu theo quy định này thì ông Liêm (người bảo

lãnh) chỉ có thể yêu cầu bà Nầy (người được bảo lãnh) bồi hoàn cho mình chứ không thể yêu cầu thêm chồng bà Nầy là ông Nguyễn Tài bởi vì ông Nguyễn Tài không phải là người được bảo lãnh. Về vấn đề này, Tòa án đã nhận định rằng: “Mặc dù, ông Nguyễn Tài không trực tiếp giao kết hợp đồng bảo lãnh, các chữ ký trong các hợp đồng bảo lãnh không phải là chữ ký của ông Nguyễn Tài nhưng trong quá trình chung sống, giữa ông Tài và bà Nầy không có thỏa thuận phân chia tài sản chung nên ông Tài phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ với bà Nầy theo quy định tại Điều 25 Luật hôn nhân và gia đình”.

Có thể thấy, nếu căn cứ theo nội dung quy định tại Điều 367 BLDS 2005 (Điều 340 BLDS 2015) thì việc Tòa án chấp nhận quyền yêu cầu của ông Liêm đối với ông Nguyễn Tài là chưa phù hợp vì ông Nguyễn Tài như đã phân tích ở trên không phải là bên được bảo lãnh. Nhưng nếu dựa trên tư duy thế quyền thì có thể giải thích được quyền yêu cầu trên. Cụ thể, bên cho vay (bên nhận bảo lãnh) có quyền yêu cầu bà Nầy và chồng là ông Nguyễn Tài liên đới trả nợ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên bảo lãnh là ông Liêm sau khi thanh toán cho bên nhận bảo lãnh (bên cho vay) thì được thế quyền của bên nhận bảo lãnh. Vì vậy, ông Liêm cũng có quyền yêu cầu bà Nầy và chồng là ông Nguyễn Tài liên đới trả tiền cho mình.

Qua phân tích trường hợp thực tiễn đặc biệt trên ta thấy Tòa án đã cho phép hai cơ chế song song cùng xảy ra, đó là bên cạnh việc bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện như quy định tại Điều 367 BLDS 2005 (Điều 340 BLDS 2015) thì người bảo lãnh còn được thế vào vị trí của người có quyền (người nhận bảo lãnh) để yêu cầu người có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) thực hiện nghĩa vụ đối với người bảo lãnh.

Thực tế, nếu người bảo lãnh sau khi thực hiện nghĩa vụ được thực hiện cả hai quyền nói trên thì rất có lợi. Cụ thể, với quyền yêu cầu do thế quyền thì người bảo lãnh được làm những gì người có quyền có thể làm với người có nghĩa vụ (như được hưởng biện pháp bảo đảm của người có quyền) và chịu những ràng buộc của người có quyền (như hết thời hiệu, chịu sự điều chỉnh của thỏa thuận trọng tài…). Còn với quyền yêu cầu theo quy định của Điều 367 BLDS 2005 (Điều 340 BLDS 2015) thì có ưu điểm là không chịu những ràng buộc nói trên nhưng người bảo lãnh lại không được hưởng những đặc quyền của người có quyền (như biện pháp bảo đảm).

Văn bản hiện nay không cho thấy việc cho phép thế quyền bên cạnh quyền yêu cầu trong quy định về bảo lãnh. Nói cách khác, chưa có sự ghi nhận thế quyền

trong bảo lãnh lẫn việc cho phép lựa chọn hay kết hợp thực hiện cả hai quyền đề cập. Về vấn đề này, theo một tác giả Pháp, “người bảo lãnh không có nghĩa vụ lựa chọn và có thể thực hiện hai quyền cùng một lúc, điều mà người bảo lãnh thường làm nhất”57. Với ưu điểm từ mỗi loại quyền nói trên thì việc được kết hợp thực hiện sẽ mang lại tiện lợi cho người bảo lãnh trong việc truy đòi người có nghĩa vụ.

Để người bảo lãnh có được những thuận lợi đã đề cập, trước tiên cần có quy định cụ thể ghi nhận quyền thế quyền sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trong trình bày ở phần trên, dưới góc nhìn của bồi thường thiệt hại, có thể thấy sự giống nhau giữa hai mối quan hệ bảo hiểm và bảo lãnh. Theo đó, cả hai quan hệ này đều bao gồm ba bên đó là: người gây thiệt hại, người bị thiệt hại, người có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại tức là người bảo hiểm thiệt hại. Cụ thể, “trong tình huống bảo lãnh, con nợ không trả được là người gây ra thiệt hại, chủ nợ là người bị thiệt hại, và người bảo lãnh là người bảo hiểm thiệt hại. Trong trường hợp thương tích cá nhân, người tạo ra thương tích là người gây thiệt hại, người bị thiệt hại là nguyên đơn đòi bồi thường, và người bảo hiểm thiệt hại là một công ty bảo hiểm y tế”58. Trong pháp luật bảo hiểm, sau khi doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người mua bảo hiểm đối với thiệt hại do người thứ ba gây ra thì doanh nghiệp bảo hiểm được thế quyền của người mua bảo hiểm để yêu cầu người thứ ba thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Từ tương quan mối quan hệ bảo hiểm và bảo lãnh, hoàn toàn có thể áp dụng tư duy thế quyền trong quy định về bảo hiểm cho trường hợp bảo lãnh. Ngoài ra, Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005, tại khoản 3 Điều 26 đã ghi nhận “sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, người bảo lãnh được tiếp nhận các quyền của người được bảo lãnh đối với những quyền liên quan, xử lý tài sản đảm bảo của người được bảo lãnh và có quyền yêu cầu người được bảo lãnh, người ký phát, người chấp nhận liên đới thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo lãnh đã thanh toán”59. Trên cơ sở các quy định nói trên có thể đưa ra kết quả tương tự cho bảo lãnh, đó là: Sau khi thực hiện nghĩa vụ cho người có quyền, người bảo lãnh được thay thế người có quyền về tất cả các quyền mà người này đã có đối với người có nghĩa vụ.

57 Đỗ Văn Đại (2021), tlđd (12), tr.578.

58 Maher B.S., Pathak R.A. (2008), tlđd (11), tr.54.

59 Đây là quy định trong trường hợp bảo lãnh hối phiếu đòi nợ, cũng như hối phiếu nhận nợ. Luật các công cụ

chuyển nhượng năm 2005 cũng đã định nghĩa “bảo lãnh hối phiếu đòi nợ là việc người thứ ba (sau đây gọi là người bảo lãnh) cam kết với người nhận bảo lãnh sẽ thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ nếu đã đến hạn thanh toán mà người được bảo lãnh không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ” (Điều 24). Như vậy, về bản chất thì đây cũng là một trường hợp bảo lãnh như quy định chung của BLDS.

BLDS Pháp (sửa đổi năm 2016) đã ghi nhận quyền thế quyền của người bảo lãnh tại Điều 2306 như sau: “người bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ được thay thế người có quyền về tất cả các quyền mà người này đã có đối với người có nghĩa vụ”. Bên cạnh đó, như đã trình bày, pháp luật Pháp cũng cho phép người bảo lãnh có thể thực hiện cả hai loại quyền của người bảo lãnh để yêu cầu người có nghĩa vụ để tận dụng tiện ích của mỗi loại quyền này. Có thể tham khảo từ BLDS Pháp để xây dựng một quy định về thế quyền trong trường hợp bảo lãnh. Đồng thời, phát triển án lệ trên cơ sở các bản án mà Tòa án đã cho phép người bảo lãnh thực hiện cả hai loại quyền yêu cầu như Bản án số 37/2010/DS-ST ngày 01/6/2010 về “Tranh chấp về bảo lãnh” của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Kiến nghị:

Cần bổ sung quy định về thế quyền theo pháp luật trong trường hợp bảo lãnh, theo đó người bảo lãnh sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh sẽ được thế vào người có quyền trong mối quan hệ với người có nghĩa vụ. Đồng thời có quy định cụ thể hoặc xây dựng án lệ cho phép người bảo lãnh được lựa chọn để sử dụng một trong hai quyền (quyền yêu cầu trực tiếp và quyền thế quyền) hoặc kết hợp cả hai quyền này. Có như vậy người thực hiện thay nghĩa vụ sẽ được thuận lợi trong việc lấy lại những gì mình đã bỏ ra khi được tận dụng ưu điểm của cả hai loại quyền nói trên trong việc truy đòi người có nghĩa vụ.

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)