Liên quan yếu tố lỗi

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 50 - 55)

Điều 577 BLDS 2005 (Điều 581 BLDS 1995) đã ghi nhận “trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mình đã trả”. Theo quy định của pháp luật bảo hiểm, “trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm” (khoản 1 Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000). Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, trong quy định về “chuyển quyền đòi bồi thường” cũng ghi nhận: “Khi đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm, người bảo hiểm được quyền truy đòi người có lỗi gây ra tổn thất đó (sau đây gọi là người thứ ba) trong phạm vi số tiền đã trả. Người bảo hiểm thực hiện quyền này theo quy định đối với người được bảo hiểm” (Điều 326). Các quy định trên đều yêu cầu phải có “lỗi” của “người thứ ba” trong việc gây thiệt hại (tổn thất) cho người được bảo hiểm thì bên bảo hiểm mới được chuyển quyền yêu

cầu. Nói cách khác, quyền thế quyền của bên bảo hiểm chỉ xảy ra khi có “lỗi” của bên thứ ba đã gây ra thiệt hại thông qua sự kiện bảo hiểm.

Xem xét Bản án số 1013/2017/DS-PT ngày 15/11/2017 về “V/v Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh:

Tổng công ty Bảo hiểm B giao kết hợp đồng bảo hiểm với công ty TNHH Xuất nhập khẩu gạo M. Sau đó đã xảy ra vụ cháy tại tổng kho S nơi chứa hàng hóa của công ty M (phát sinh sự kiện bảo hiểm). Tổng công ty Bảo hiểm B đã chi trả tiền bảo hiểm cho công ty M và công ty M đã ký giấy chuyển toàn bộ quyền và lợi ích của M truy đòi trách nhiệm từ S (chủ kho) và công ty T (đơn vị thuê kho của S và cho M thuê lại). Trong vụ án này, Bảo hiểm B cho rằng theo quy định tại Điều 623 BLDS 2005 thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi. Do Bảo hiểm B đã bồi thường cho công ty M (người mua bảo hiểm) và công ty M đã chuyển quyền yêu cầu lại cho Bảo hiểm B nên Bảo hiểm B yêu cầu bên thứ ba là S và công ty T trả lại số tiền bảo hiểm đã chi trả cho công ty M. Phía S và công ty T không chấp nhận yêu cầu của Bảo hiểm B vì cho rằng sự cố hỏa hoạn xảy ra là do khách quan, hệ thống tải điện từ ban đầu cho đến khi xảy ra sự việc cháy đều đảm bảo an toàn theo quy định.

Tòa án đã xét rằng: “Tổng công ty Bảo hiểm B là đơn vị kinh doanh bảo hiểm. Theo quy định tại Điều 309, Điều 577 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điểm e Khoản 1 Điều 17, Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì căn cứ để cơ quan bảo hiểm đòi người thứ ba phải trả tiền bảo hiểm là: Người thứ ba là người có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc là người có hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại cho người được bảo hiểm; Công ty bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm; Người được bảo hiểm đã có văn bản thế quyền, chuyển quyền bồi hoàn cho công ty bảo hiểm. Hồ sơ thể hiện, Bảo hiểm B đã chi trả số tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm và bên được bảo hiểm cũng đã chuyển quyền yêu cầu đối với S và Công ty T cho Bảo hiểm B. Vấn đề cần xem xét là bên thứ ba có hành vi trái pháp luật hay không… Qua các chứng cứ trên cho thấy, S đã thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn, phòng cháy chữa cháy. Sự cố hỏa hoạn xảy ra ngày 12/4/2013 là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được vì S đã áp dụng đầy đủ các biện pháp về an toàn đối với hệ thống điện theo quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cũng không xuất trình được chứng cứ nào khác để chứng minh vụ hỏa hoạn là do lỗi của bị đơn. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Bảo hiểm B là có căn cứ”.

Như vậy, nếu muốn áp dụng quy định của pháp luật về bảo hiểm trong trường hợp này thì cần phải xác định được bên thứ ba “có lỗi gây thiệt hại” hay không, dù bên bảo hiểm đã hoàn thành việc bồi thường cũng như được người mua bảo hiểm chuyển quyền yêu cầu. Hướng như trên là không thực sự thuyết phục. Có thể thấy, trong trường hợp bên bảo hiểm yêu cầu người thứ ba bồi hoàn thì bên bảo hiểm thực hiện quyền của người được bảo hiểm. Vì vậy, quan hệ giữa bên bảo hiểm với người thứ ba lúc này cũng giống như quan hệ giữa người được bảo hiểm với người thứ ba. Hay nói cách khác, quyền yêu cầu của người được bảo hiểm (người bị thiệt hại) đối với người thứ ba (người chịu trách nhiệm bồi thường) như thế nào thì quyền yêu cầu của bên bảo hiểm đối với người thứ ba cũng như vậy. Trở lại với vụ việc nói trên, thực tế S là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, cụ thể là hệ thống tải điện tại nhà kho, nơi có dây dẫn điện bị chập làm phát sinh đám cháy (gây ra sự kiện bảo hiểm). Căn cứ theo Điều 623 của BLDS 2005 (Điều 601 BLDS 2015) thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi. Điều này có nghĩa là công ty M là người bị thiệt hại (cũng là người được bảo hiểm) có quyền yêu cầu công ty S (chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) bồi thường mà không phụ thuộc yếu tố lỗi. Như đã phân tích ở trên, thực ra quyền yêu cầu bồi hoàn của bên bảo hiểm chính là quyền yêu cầu bồi thường của người được bảo hiểm nên nếu người được bảo hiểm được quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thiệt hại mà không cần yếu tố lỗi thì bên bảo hiểm cũng được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn mà không cần yếu tố lỗi này.

Có thể thấy, việc đề cập yếu tố lỗi của người thứ ba gây thiệt hại trong quy định của pháp luật về bảo hiểm đã làm hạn chế khả năng thế quyền đòi bồi hoàn của bên bảo hiểm trong trường hợp này. Bởi ở đây, dù người thứ ba không có lỗi gây thiệt hại nhưng họ vẫn có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại (người được bảo hiểm) vì là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Bên bảo hiểm lẽ ra phải được thế vào người được bảo hiểm để yêu cầu người thứ ba thực hiện nghĩa vụ bồi thường này. Như vậy thì quyền lợi của người đã thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm mới được bảo đảm. Cũng liên quan điều kiện về “lỗi” đề cập, trong thực tế có trường hợp Tòa án cho phép bên bảo hiểm sau khi bồi thường được đòi bồi hoàn từ bên thứ ba mà không xét đến yếu tố lỗi.

Tại Bản án số 221/2005/DSPT ngày 29/10/2005 về “V/v Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội:

Tòa xét rằng: “Đây là vụ án khởi kiện về chuyển yêu cầu bồi hoàn trong hợp đồng bảo hiểm theo khoản 1 Điều 581 Bộ luật dân sự, nên bảo hiểm đã trả tiền bảo

hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mình đã trả. Do vậy, việc Tòa án sơ thẩm tính lỗi để buộc công ty TNHH Amoro phải chịu 1/3 lỗi, công ty kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải chịu 2/3 lỗi. Theo đó công ty TNHH Amoro phải chịu 361.881.000 đồng, công ty kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải chịu 723.763.300 đồng là không có cơ sở. Cần buộc công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải bồi hoàn toàn bộ thiệt hại mà bảo hiểm Việt Nam đã trả cho công ty TNHH Amoro Việt Nam có giá trị là 1.085.643.307 đồng”.

Theo Tòa phúc thẩm, công ty bảo hiểm đã bồi thường thì được đòi bồi hoàn, bồi thường bao nhiêu thì đòi bồi hoàn bấy nhiêu mà không đề cập yếu tố lỗi. Lỗi sẽ được xét đến trong một quan hệ khác, vụ án dân sự khác. Cụ thể, Tòa đã lập luận rằng: “Bảo hiểm Việt Nam khởi kiện buộc Công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải bồi hoàn theo hợp đồng bảo hiểm giữa Bảo Việt Việt Nam với công ty TNHH Amoro Việt Nam. Chứ không phải công ty TNHH Amoro Việt Nam khởi kiện công ty TNHH kết cấu thép và xây dựng Trần Sơn phải bồi thường thiệt hại, nên việc đánh giá lỗi trong vụ án này không đặt ra”.

Trong phán quyết này Tòa án đã bỏ qua yếu tố lỗi với lý do Bảo Việt kiện đòi Trần Sơn bồi hoàn theo hợp đồng bảo hiểm giữa Bảo Việt với Amoro. Cụ thể, theo Tòa thì “đây là vụ án khởi kiện về chuyển yêu cầu bồi hoàn trong hợp đồng bảo hiểm theo khoản 1 Điều 581 Bộ luật dân sự, nên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mình đã trả”. Hướng xử lý của Tòa là thuyết phục, theo hướng ngày yếu tố lỗi trong yêu cầu bồi hoàn bảo hiểm không được đặt ra. Tuy nhiên, với quy định của pháp luật về bảo hiểm đã đề cập thì để việc thế quyền xảy ra vẫn cần có điều kiện về lỗi của người thứ ba gây thiệt hại. Do đó, thực tiễn đặt ra nhu cầu sửa đổi, hoàn thiện quy định của pháp luật về thế quyền trong trường hợp này.

Tham khảo pháp luật nước ngoài, BLDS Nga đã ghi nhận thế quyền theo pháp luật trong trường hợp bảo hiểm bên cạnh trường hợp bão lãnh và các trường hợp khác. Cụ thể, quyền của người có quyền trong một nghĩa vụ sẽ được chuyển giao cho người khác theo pháp luật trong trường hợp: “bên bảo hiểm thế quyền của người có quyền đối với người có nghĩa vụ, người chịu trách nhiệm về việc xảy ra sự cố được bảo hiểm” (khoản 1 Điều 387 BLDS Nga). Quy định này nói rõ bên bảo hiểm được thế vào quyền của người có quyền đối với người “chịu trách nhiệm” về

việc xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trách nhiệm này, thực tế trong một số trường hợp không phát sinh do lỗi của người thứ ba. Ví dụ BLDS Nga quy định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, theo đó: “Các pháp nhân và cá nhân có hoạt động liên quan đến nguy cơ cao cho những người xung quanh (việc sử dụng các phương tiện vận chuyển, cơ giới, điện cao thế, năng lượng nguyên tử, chất nổ, chất độc mạnh, v.v.; xây dựng và các hoạt động liên quan khác, v.v.) phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra... Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại sẽ được đặt ra đối với pháp nhân hoặc cá nhân có nguồn nguy hiểm cao độ bằng quyền sở hữu, quyền kinh tế hoặc quyền quản lý hoặc trên bất kỳ cơ sở hợp pháp nào khác (bằng quyền cho thuê, bằng cách viện quyền điều khiển phương tiện vận tải, theo quyết định của cơ quan tương ứng về việc điều chuyển nguồn nguy hiểm cao độ, v.v.)” (khoản 1 Điều 1079 BLDS Nga). Pháp luật Nga đã quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và cũng không đề cập yếu tố lỗi gây ra thiệt hại.

Liên quan vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu nói trên, theo một tác giả:

Trong pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp, do chế độ trách nhiệm dân sự không dựa trên lỗi: “một người phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do (…) những vật mà mình coi giữ gây ra” (Điều 1384 BLDS Pháp) nên nội dung nguồn nguy hiểm cao độ không được đề cập. Rõ ràng, không phụ thuộc vào vật có tính chất của nguồn nguy hiểm cao độ mà quan trọng là người có trách nhiệm trông giữ vật nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường tất cả những thiệt hại do vật đó gây ra49.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường ở đây không phụ thuộc vào lỗi của chủ sở hữu hay nói cách khác người bị thiệt hại có quyền yêu cầu chủ sở hữu bồi thường cho mình mà không cần yếu tố lỗi. Tại khoản 3 Điều 1251 BLDS Pháp (trước năm 2016) quy định thế quyền diễn ra theo pháp luật “vì lợi ích chính đáng của người trả món nợ mà anh ta nợ cùng những người khác hoặc trả thay cho những người khác”. Với tư duy quy định này, sau khi bồi thường cho người bị thiệt hại thì người bồi thường thay (bên bảo hiểm) được thế vào vị trí của người bị thiệt hại (người được bảo hiểm) nên có quyền yêu cầu chủ sở hữu.

49 Nguyễn Xuân Đang, “Bổ sung khái niệm “nguồn nguy hiểm cao độ””, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp,

Quyền yêu cầu của bên bảo hiểm lúc này giống như quyền yêu cầu của người bị thiệt hại nên nếu người bị thiệt hại được quyền yêu cầu chủ sở hữu mà không cần yếu tố lỗi thì bên bảo hiểm cũng được yêu cầu chủ sở hữu bồi hoàn mà không cần yếu tố lỗi. Thực tế, “căn cứ vào Điều (1251) này, án lệ Pháp cho rằng các công ty bảo hiểm chỉ có thể được thay thế quyền của người được bảo hiểm nếu tiền bồi thường bảo hiểm được chi trả”50.

Trong các quy định của pháp luật nước ngoài nói trên đều không thấy việc đặt ra yếu tố “lỗi” và đây là hướng có thể tham khảo để bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo hiểm. Bên cạnh đó có thể xây dựng quy định về thế quyền đương nhiên theo hướng quy định bảo hiểm như một trường hợp bên cạnh các trường hợp khác như bảo lãnh giống BLDS Nga hoặc một quy định khái quát về thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ để áp dụng chung cho nhiều trường hợp (trong đó có trường hợp bảo hiểm) như BLDS Pháp.

Kiến nghị:

Với những lý do vừa nêu, tác giả kiến nghị xây dựng quy định về trường hợp thế quyền theo pháp luật sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm trong BLDS, quy định này không đề cập yếu tố lỗi như quy định tại Điều 577 BLDS 2005 trước đây. Như vậy sẽ giúp cho những phán quyết như đã trình bày ở trên có căn cứ thuyết phục hơn, và việc thế quyền của người bảo hiểm sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm sẽ tiện lợi hơn khi không phụ thuộc vào yếu tố lỗi của người thứ ba gây thiệt hại.

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)