Thỏa thuận chuyển quyền bồi hoàn

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 55 - 58)

Trong Bản án số 1013/2017/DS-PT ngày 15/11/2017 về “V/v Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề cập ở trên, Tòa án đã viện dẫn quy định tại các Điều 309, Điều 577 BLDS 2005 và Điều 17, Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 để xét rằng: “căn cứ để cơ quan bảo hiểm đòi người thứ ba phải trả tiền bảo hiểm là: Người thứ ba là người có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc là người có hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại cho người được bảo hiểm; Công ty bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm; Người được bảo hiểm đã có văn bản thế quyền, chuyển quyền bồi hoàn cho công ty bảo hiểm. Hồ sơ thể hiện, Bảo hiểm B đã chi trả số tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm và bên được bảo hiểm cũng đã chuyển quyền yêu

cầu đối với S và Công ty T cho Bảo hiểm B. Vấn đề cần xem xét là bên thứ ba có hành vi trái pháp luật hay không…”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu thiếu điều kiện “người được bảo hiểm đã có văn bản thế quyền, chuyển quyền bồi hoàn cho công ty bảo hiểm” (không có thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu) thì người bảo hiểm sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm có được thế quyền người được bảo hiểm để đòi bên thứ ba bồi hoàn không?

Tại Bản án số 125/2010/KDTM-PT ngày 14/7/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội:

Công ty ximăng Chinfon Hải Phòng có hợp đồng vận chuyển với Công ty Hải Phòng và trong quá trình vận chuyển thì tài sản của Công ty ximăng Chinfon Hải Phòng đã bị thiệt hại. Trong bản án này, vấn đề đặt ra là nếu các bên không có thỏa thuận cụ thể về việc chuyển quyền yêu cầu thì bên bảo hiểm có được trực tiếp yêu cầu bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ bồi thường hay không. Và câu trả lởi của Tòa phúc thẩm là: “Theo quy định tại Điều 247 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005, khoản 1 Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005 và khoản 1 Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm thì việc Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam thế quyền của Công ty ximăng Chinfon Hải Phòng để kiện Công ty Hải Phòng với yêu cầu buộc Công ty Hải Phòng (bên thứ ba) phải bồi thường theo phạm vi số tiền đã trả cho Công ty ximăng Chinfon Hải Phòng, với tư cách thực hiện quyền này theo quy định của người được bảo hiểm là Công ty ximăng Chinfon Hải Phòng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật của vụ án là “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải” là đúng”51. Với các căn cứ vừa nêu, Tòa án đã chấp nhận việc Bảo Việt thế quyền theo pháp luật vào công ty ximăng Chinfon Hải Phòng để yêu cầu công ty Hải Phòng bồi thường.

Với cùng các căn cứ pháp lý (Điều 577 BLDS 2005, Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000) nhưng các Tòa án đã có những nhận định khác nhau về điều kiện thế quyền sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm (cần có hay không thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu). Liên quan vấn đề này, theo một tác giả Mỹ:

“Thế quyền theo pháp luật được đề cập diễn ra bất kể nghĩa vụ có nguồn gốc từ hợp đồng hay nghĩa vụ xuất phát từ các nguồn giống nhau hay khác nhau đối với mỗi người có nghĩa vụ ràng buộc với người khác hay đối

với người khác. Do đó, một khi xét rằng hai người do lỗi của họ gây ra thiệt hại cho người khác phải chịu trách nhiệm liên đới đối với người bị hại, thì người trả toàn bộ sẽ được hưởng thế quyền theo pháp luật do sự chi trả mà anh ta có quyền thu hồi từ người kia.

Một câu hỏi đặt ra là liệu công ty bảo hiểm có được thế quyền theo pháp luật đối với các quyền của người được bảo hiểm hoặc nạn nhân trong trường hợp không có thế quyền theo thỏa thuận hay không. Trong một thời gian dài, án lệ Louisiana đã đưa ra câu trả lời phủ nhận. Tuy nhiên, gần đây, các tòa án của Louisiana đã có câu trả lời chấp nhận. Do đó, trong một vụ án liên quan đến người bảo hiểm đã trả tiền cho người được bảo hiểm thiệt hại do hỏa hoạn, tòa án đã khẳng định rõ ràng rằng người bảo hiểm được thế quyền theo pháp luật vào quyền của chủ sở hữu đối với tài sản bị thiệt hại, mặc dù thế quyền theo thỏa thuận thường bị chủ sở hữu từ chối cho người bảo hiểm tại thời điểm thanh toán tổn thất được thực hiện. Câu trả lời chấp nhận chắc chắn là câu trả lời đúng, vì cả người bảo hiểm và người có lỗi gây thiệt hại đều ràng buộc cùng người kia đối với nạn nhân, người mà nghĩa vụ bồi thường hình thành do tổn thất của anh ta, do đó đáp ứng yêu cầu cho sự tồn tại của thế quyền theo pháp luật được thảo luận ở đây, mặc dù người bảo hiểm bị ràng buộc bởi một hợp đồng trong khi người có lỗi gây thiệt hại bị ràng buộc bởi pháp luật”52.

Theo pháp luật bang Louisiana, thế quyền xảy ra trong trường hợp một người có nghĩa vụ ràng buộc cùng những người khác và đã thực hiện thay những người này. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 1829 BLDS bang Louisiana (2019) quy định thế quyền theo pháp luật xảy ra khi “người trả món nợ mà anh ta đã nợ cùng những người khác hoặc trả thay cho người khác và người có quyền đòi lại những người khác do khoản thanh toán đó”. Luật không đề cập ràng buộc nói trên được tạo ra từ hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Có thể tham khảo quy định nói trên trong việc hoàn thiện quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ bảo hiểm, theo hướng loại bỏ các điều kiện để thế quyền đòi bồi hoàn như “có thỏa thuận chuyển quyền bồi hoàn” đã đề cập.

Kiến nghị:

Như kiến nghị ở nội dung trên, cần xây dựng quy định về trường hợp thế quyền theo pháp luật sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm trong BLDS theo hướng

khái quát hơn, không có các điều kiện giống như quy định của pháp luật bảo hiểm đã phân tích. Có như vậy người thực hiện thay nghĩa vụ sẽ không bị hạn chế trong khả năng thế quyền để đòi người có nghĩa vụ bồi hoàn những gì mình đã bỏ ra.

Một phần của tài liệu Thế quyền sau khi thực hiện thay nghĩa vụ (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)