Thực trạng trách nhiệm của Chủ tịch nước trong lĩnh vực lập pháp

Một phần của tài liệu Trách nhiệm của chủ tịch nước theo hiến pháp việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 54 - 58)

Như đã đề cập, Chủ tịch nước có nhiệm vụ công bố Hiến pháp, luật sau khi đã được Quốc hội thông qua. Không giống với các nước theo chính thể CHTT, khi mà NTQG có quyền phủ quyết một dự luật sau khi đã được Nghị viện thông qua. Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 2013 không có quyền đề nghị Quốc hội xem xét lại các dự luật. Liên quan đến thẩm quyền này của Chủ tịch nước, hiện nay có hai luồng quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng nên tiếp thu thẩm quyền của Tổng thống trong chính thể CHTT theo đó quy định thêm cho Chủ tịch nước thẩm quyền “phủ quyết mềm”, cụ thể hơn là Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội xem xét lại các dự luật sau khi đã được thông qua. Mục đích để đảm bảo chất lượng hơn của các dự luật khi mà hiện nay có nhiều dự luật thiếu chất lượng nhưng vẫn được thông qua54. Hơn nữa đây cũng không phải là quy định mới mà là sự kế thừa từ Hiến pháp năm 194655.

Quan điểm thứ hai, cho rằng vẫn giữ nguyên quy định hiện tại của Hiến pháp, bởi lẽ Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Chủ tịch nước là cơ quan được thành lập trên cơ sở của Quốc hội. Nếu quy định bổ sung thẩm quyền “phủ quyết mềm” sẽ làm phá vỡ nguyên tắc tập quyền đang được áp dụng ở nước ta, làm mất đi vị trí cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội. Xa hơn nữa là có thể làm thay đổi cả HTCT ở nước ta hiện nay vốn đang rất ổn định, gây ra những sự xáo trộn không cần thiết trong tổ chức BMNN.

54 Đơn cử là Bộ luật Hình sự năm 2015 có quá nhiều lỗi lập pháp như tại Điều 249 “Tội tàng trữ trái phép chất

ma túy”, Điều 250 “Tội vận chuyển trái phép chất ma túy” và Điều 252 “Tội chiếm đoạt chất ma túy”, ở các

Điều này tồn tại tình trạng cùng một tội danh nhưng quy định tại các khung hình phạt là như nhau. Gây ra sự lúng túng không biết áp dụng như thế nào và không thống nhất trong hoạt động xét xử. Sau đó bắt buộc Quốc hội phải ngay lập tức dời thời điểm áp dụng để tiến hành sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật lập pháp.

55Đây là quan điểm của PGS.TS Lê Thiên Hương trong bài viết “Hoàn thiện thiết chế chủ tịch nước nhằm đảm bảo vai trò nguyên thủ quốc gia” đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị, số 10 năm 2012.

Quan điểm của PGS.TS Bùi Xuân Đức trong bài viết “Phát huy những giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý của Hiến pháp 1946 trong sự nghiệp đổi mới hiện nay”, ấn phẩm đăng trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 29/12/2011.

Theo quan điểm của tác giả, vấn đề này là rất quan trọng bởi vì có thể ảnh hưởng to lớn đến sự ổn định của BMNN cũng như là sự ổn định của toàn xã hội. Vì vậy chúng ta cần phải xem xét vấn đề một cách kỹ lưỡng về nhiều mặt trước khi quyết định. Mặc dù nếu quy định cho Chủ tịch nước thẩm quyền “phủ quyết mềm” sẽ hạn chế được sự vội vàng của Quốc hội trong quá trình làm luật, cải thiện chất lượng của các dự luật sau này. Tuy nhiên không hẳn vì thế mà chúng ta sẽ phải bổ sung thẩm quyền này cho Chủ tịch nước. Theo quan điểm của tác giả đặt trong tình hình thực tế hiện nay ở nước ta, chúng ta không nên bổ sung thẩm quyền này cho Chủ tịch nước mà vẫn phải giữ nguyên quy định hiện tại của Hiến pháp. Theo đó Chủ tịch nước có quyền công bố luật nhưng không có quyền đề nghị Quốc hội xem xét lại các dự luật đã được thông qua. Bởi các lý do như sau:

Thứ nhất, chúng ta không nên áp dụng một cách “rập khuôn” thẩm quyền của NTQG trong chính thể CHTT vì cả Tổng thống và Nghị viện trong chính thể này đều do nhân dân trực tiếp bầu ra. Tổng thống có vai trò đối trọng lại với Nghị viện, nhằm kiểm soát và hạn chế sự lạm quyền của Nghị viện. Nhưng ở nước ta, Chủ tịch nước là cơ quan được thành lập trên cơ sở của Quốc hội, Quốc hội là cơ quan duy nhất trong BMNN được nhân dân trực tiếp bầu ra. Nếu có được thẩm quyền đề nghị Quốc hội xem xét lại các dự luật đã được thông qua thì vô tình Chủ tịch nước lại trở thành một thiết chế đối trọng lại với Quốc hội. Vì vậy Chủ tịch nước không thể có được thẩm quyền đề nghị Quốc hội xem xét lại các quyết định của mình. Hơn nữa ở nước ta, Chủ tịch nước là một thành viên của Quốc hội do đó sẽ có quyền tham gia vào quá trình lập pháp của Quốc hội. Trường hợp nếu phát hiện có sai sót, vi hiến Chủ tịch nước hoàn toàn có quyền cho ý kiến hoàn thiện đối với các dự luật trước khi được Quốc hội thông qua.

Thứ hai, sở dĩ Hiến pháp năm 1946 trao cho Chủ tịch nước thẩm quyền đề nghị Nghị viện xem xét lại các dự luật là xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Khi mà thành phần Nghị viện rất phức tạp, nhiều thành phần chống đối, phản động, chất lượng đại biểu còn nhiều hạn chế. Nên để đảm bảo chất lượng của luật thì Chủ tịch nước có quyền “kiến nghị xem xét lại” chứ không phải là quyền “phủ quyết”. Từ Hiến pháp năm 1959 trở đi, các Hiến pháp sau này đều không ghi nhận Chủ tịch nước có quyền “kiến nghị xem xét lại” luật do Quốc hội thông qua. Luật do Quốc hội thông

qua thì Chủ tịch nước không có quyền phủ quyết mà có nghĩa vụ phải công bố56. Vì vậy đặt trong bối cảnh hiện nay ở nước ta thiết nghĩ không nhất thiết phải bổ sung thêm thẩm quyền này của Chủ tịch nước.

Đối với thẩm quyền công bố nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH. Trước đây theo Hiến pháp năm 1992 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Chủ tịch nước là người có thẩm quyền công bố nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH. Tuy nhiên đến Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thẩm quyền này đã được quy định cho Tổng thư ký Quốc hội. Thiết nghĩ quy định thẩm quyền như vậy là chưa thật sự phù hợp bởi lẽ vẫn có một số nghị quyết như các nghị quyết liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, các nghị quyết liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh như tổng động viên hoặc động viên cục bộ, về ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương, nghị quyết về đại xá…. có thể nói đây đều là những nghị quyết mang tính chất vô cùng quan trọng, trong đó có nghị quyết có hiệu lực pháp lý như luật. Thiết nghĩ với vai trò như vậy các nghị quyết này phải nên thuộc thẩm quyền công bố của Chủ tịch nước – với tư cách là người đứng đầu nhà nước hơn là thẩm quyền của Tổng thư ký Quốc hội như hiện nay.

Liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội đối với Chủ tịch nước, Điều 80 Hiến pháp năm 2013 quy định: “đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước”. Tuy nhiên trên thực tế, thông qua các kỳ họp của Quốc hội hoặc trong quá trình công tác chưa từng có bất kỳ một đại biểu Quốc hội nào thực hiện quyền chất vấn Chủ tịch nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó mà Chủ tịch nước cũng chưa từng phải trả lời bất kỳ một câu hỏi chất vấn nào từ phía các đại biểu Quốc hội.

Theo quy định tại Điều 87 Hiến pháp năm 2013 “Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội”, đây là quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của Chủ tịch nước trước Quốc hội trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên hiện nay cụm từ “chịu trách nhiệm” phải được giải thích như thế nào hay nói cách khác cụm từ chịu trách nhiệm sẽ được hiểu theo nghĩa gì bởi lẽ cho đến nay chưa có bất kỳ một văn bản hay một quy định cụ thể nào giải thích rõ nội hàm nghĩa của cụm từ này. Đối với vấn đề báo cáo công tác trước Quốc hội, hiện nay trên thực tế Chủ tịch nước chỉ báo cáo công tác trước Quốc hội mỗi khi sắp kết

56 Lê Thị Hải Châu (2006), Chế định Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 và sự phát triển qua các Hiến

thúc nhiệm kỳ, được gọi là “báo cáo công tác nhiệm kỳ”. Hạn chế của việc này là đến gần cuối nhiệm kỳ Chủ tịch nước mới phải báo cáo công tác của mình, chưa tạo được sự giám sát thường xuyên và liên tục của Quốc hội đối với các hoạt động của Chủ tịch nước. Hơn nữa Chủ tịch nước sẽ không còn cơ hội để có thể khắc phục được những hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi đã đến cuối nhiệm kỳ.

Trong mối quan hệ với UBTVQH, theo quy định Chủ tịch nước có quyền trình dự án pháp lệnh ra trước UBTVQH. Đề nghị UBTVQH xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được UBTVQH biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất. Tương tự như việc trình dự án luật trước Quốc hội, trường hợp Chủ tịch nước trình dự án pháp lệnh hoặc đề nghị UBTVQH xem xét lại các pháp lệnh của mình trên thực tế là không có. Kể từ khi Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực cho đến nay, trải qua gần 30 năm Chủ tịch nước chưa từng trình bất kỳ một dự án pháp lệnh cũng như chưa từng đề nghị UBTVQH xem xét lại các pháp lệnh của mình một lần nào.

Điều 90 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của UBTVQH”. Theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, khoản 2 Điều 61 quy định “khi cần thiết, UBTVQH họp…. khi có đề nghị của Chủ tịch nước”. Ở đây có một số vấn đề cần phải làm rõ như sau: một là, có thể nói với quy định “khi cần thiết”

là rất tùy nghi, không có bất kỳ một quy định cụ thể nào giải thích rõ nội hàm của cụm từ “khi cần thiết” là gì do đó sẽ rất khó để có thể áp dụng trên thực tế. Hai là,

trường hợp nếu khi Chủ tịch nước yêu cầu mà UBTVQH xét thấy không cần thiết thì UBTVQH có bắt buộc phải họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước hay không. Ba là, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã có dấu hiệu “vượt mặt” Hiến pháp khi đã bổ sung cho Chủ tịch nước thẩm quyền đề nghị UBTVQH họp trong khi Hiến pháp chỉ quy định thẩm quyền tham dự phiên họp. Cho thấy sự không tương thích giữa các quy định có trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật dưới Hiến pháp liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực lập pháp này.

Theo quy định Chủ tịch nước có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức lệnh, quyết định, UBTVQH có quyền ban hành pháp lệnh, nghị quyết. Một bất cập hiện nay là chưa có bất kỳ một quy định nào để phân biệt hiệu lực pháp lý giữa văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước và văn bản quy phạm pháp luật của UBTVQH. Trường hợp nếu có sự mâu thuẫn giữa các văn bản này thì sẽ phải

xử lý như thế nào, mặc dù cho đến nay chưa từng ghi nhận có bất kỳ trường hợp nào xảy ra sự mâu thuẫn giữa văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước và văn bản quy phạm pháp luật của UBTVQH tuy nhiên không thể vì vậy mà chúng ta khẳng định là không có và cũng sẽ không có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra theo quy định tại khoản 10 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định trường hợp Quốc hội có quyền bãi bỏ văn bản của UBTVQH nếu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội – tất nhiên là Quốc hội phải ra nghị quyết bãi bỏ tại kỳ họp của Quốc hội. Vậy trường hợp nếu phát hiện văn bản của UBTVQH trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội giữa hai kỳ họp Quốc hội thì sẽ phải giải quyết như thế nào và chủ thể nào sẽ có thẩm quyền đối với các văn bản của UBTVQH. Do đó việc cần phải xác định rõ địa vị pháp lý giữa văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước với văn bản quy phạm pháp luật của UBTVQH sẽ là cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề nêu trên.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm của chủ tịch nước theo hiến pháp việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)