Thực trạng trách nhiệm của Chủ tịch nước trong lĩnh vực tư pháp

Một phần của tài liệu Trách nhiệm của chủ tịch nước theo hiến pháp việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 60 - 62)

Hiện nay Hiến pháp năm 2013 quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền “quyết định đặc xá”, để cụ thể hơn thẩm quyền này tại khoản 1 Điều 3 Luật đặc xá năm 2018 quy định: “đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”. Tuy nhiên hiện nay chưa có bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào về việc xác định sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nướchay những trường hợp nào là trường hợp đặc biệt. Mặc dù có thể hiểu việc không giải thích cụ thể sẽ tạo cho Chủ tịch nước có được sự linh động trong việc quyết định đặc xá nhưng ngược lại cũng không thể tránh khỏi được sự chủ quan, duy ý chí của người quyết định.

Thực tế cho thấy từ năm từ năm 2009-2021, Chủ tịch nước đã có đến 8 lần ban hành quyết định về đặc xá và tần suất của những lần đặc xá là hoàn toàn khác nhau, không theo một nguyên tắc nào cả. Năm 2009 có tới 2 lần Chủ tịch nước quyết định về đặc xá nhân ngày Quốc khánh 2/9 và Tết nguyên đán Kỷ Sửu. Đặc xá một lần vào các năm 2010, 2011, 2013, 2015, 2016 và 2021 nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9. Điều này đã dẫn đến sự không thống nhất và đồng đều về khoảng cách thời gian giữa các lần đặc xá với nhau, tạo nên sự ngẫu nhiên, số lượng các phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn ở mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch nước cách nhau là quá lớn.

Theo báo cáo tóm tắt công tác, chỉ trong nhiệm kỳ 2011-2016 Chủ tịch nước đã ban hành các quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 43.999 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam và 609 người đang được hoãn,

tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân ngày lễ lớn của đất nước. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 4.384 phạm nhân, trong đó có 4.180 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam58. Do đó phải chăng nên bổ sung quy định cụ thể về thời gian Chủ tịch nước sẽ quyết định đặc xá và khoảng cách thời gian giữa các lần đặc xá với nhau, tránh trường hợp có giai đoạn thì lại đặc xá quá nhiều (năm 2009 có đến 2 lần đặc xá), giai đoạn thì nhiều năm liền lại không có một lần đặc xá nào (giai đoạn từ 2017-2020).

Về thẩm quyền ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có dấu hiệu “vượt mặt” Hiến pháp khi ghi nhận bổ sung thẩm quyền ân giảm án tử hình cho Chủ tịch nước. Theo quy định tại khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 “trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”. Và Luât Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 tại khoản 4 Điều 27 quy định Chánh án TANDTC có nhiệm vụ “trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình”. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã quyết định bác đơn xin ân giảm của 295 bị án; quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 94 bị án, gửi trả 23 hồ sơ về TANDTC để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền vì người phạm tội không viết đơn xin ân giảm án tử hình mà chỉ viết đơn kêu oan, đơn xin thi hành án59. Cho thấy số lượng đơn xin ân giảm mà Chủ tịch nước phải xem xét trong mỗi nhiệm kỳ là rất lớn. Nhưng Hiến pháp hiện hành chưa ghi nhận thẩm quyền này cho Chủ tịch nước đồng thời cũng không có bất kỳ một quy định cụ thể nào về thời gian Chủ tịch nước phải xem xét đơn xin ân giảm của những người bị kết án tử hình. Ngoài ra cũng không có các các quy định cụ thể về các tiêu chí mà dựa vào đó Chủ tịch nước có thể làm căn cứ quyết định chấp nhận hoặc bác đơn xin ân giảm. Đối với các quy định về trình tự, thủ tục xem xét đơn xin ân giảm hiện nay cũng chưa được quy định tập trung trong bất kỳ một văn bản luật cụ thể nào mà lại nằm rải rác trong các văn bản luật khác nhau (chủ yếu là trong Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đối với thẩm quyền của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC).

58 “Nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao” https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nhiem-ky-2016-2021-chu-tich-nuoc-thuc-hien-hieu-qua-cac-nhiem- vu-quyen-han-duoc-giao-639256/, truy cập ngày 27/06/2021.

59 “Chủ tịch nước gửi báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cho Quốc hội”, https://plo.vn/thoi-su/chu-tich-nuoc-gui-bao- cao-tong-ket-nhiem-ky-cho-quoc-hoi-973866.html, truy cập ngày 27/06/2021.

Một vấn đề nữa cần phải được làm rõ là theo quy định của Hiến pháp năm 2013, trong thời gian Quốc hội không họp, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Chủ tịch nước. Với quy định này dường như có thể thấy được “sự chủ động” trong công tác báo cáo có phần nghiêng về phía Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC hơn là Chủ tịch nước. Bởi Hiến pháp quy định nghĩa vụ báo cáo công tác đối với hai chức danh nêu trên nhưng lại “quên”

ghi nhận thẩm quyền yêu cầu báo cáo của Chủ tịch nước đối với hai chức danh này. Do đó xảy ra trường hợp nếu Chủ tịch nước muốn yêu cầu Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC báo cáo về một vấn đề cụ thể liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc các vụ án lớn, nghiêm trọng trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến nhiều người, được sự quan tâm của đông đảo mọi người dân trong xã hội thì sẽ phải xử lý như thế nào khi mà Hiến pháp hoàn toàn không có quy định.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm của chủ tịch nước theo hiến pháp việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)