Hiện nay Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nghi thức tuyên thệ của Chủ tịch nước nói riêng và 03 chức danh lãnh đạo chủ chốt khác trong BMNN gồm có Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TANDTC. Đối với Chủ tịch nước quy định này đã góp phần làm sâu sắc hơn tính “biểu tượng” cho trung tâm chính trị, khối đại đoàn kết dân tộc, sự đồng thuận xã hội toàn thể dân tộc Việt Nam60. Tuy nhiên hiện nay Hiến pháp chỉ mới dừng lại ở việc quy định Chủ tịch nước phải thực hiện nghi thức tuyên thệ mà chưa có bất kỳ một quy định cụ thể nào khác như về lời tuyên thệ, về quy trình, thủ tục ra sao. Ngoài ra với tư cách là NTQG - người đứng đầu nhà nước thì việc tuyên thệ của Chủ tịch nước có khác gì so với việc tuyên thệ của của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TANDTC hay không khi vốn dĩ các chức danh này chỉ đứng đầu, lãnh đạo công tác của một cơ quan trong BMNN. Vì vậy tác giả thiết nghĩ nên cần phải có sự cụ thể hóa hơn nữa về nội dung của lời tuyên thệ, về cách thức, trình tự của các bước trong lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước khi tuyên thệ trước Quốc hội và trước nhân dân cả nước.
Liên quan đến thẩm quyền của Chủ tịch nước trong lĩnh vực quốc tịch, đây là thẩm quyền được Chủ tịch nước thường xuyên thực hiện trên thực tế. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã quyết định cho 1.598 người được nhập, trở lại quốc
60 Đỗ Minh Khôi (2012), Chế định Nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp trường, trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 90.
tịch Việt Nam, 24.370 công dân Việt Nam được thôi quốc tịch Việt Nam61. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung thêm cho Chủ tịch nước thẩm quyền “quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam”. Ở đây ta có thể thấy các thẩm quyền này của Chủ tịch nước đã được nêu ra dưới dạng liệt kê những thẩm quyền được quy định trong Luật Quốc tịch năm 2008. Tuy nhiên, sự liệt kê này lại không đầy đủ khi nếu đã bổ sung thêm thẩm quyền “quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam” thì không hiểu lý do gì mà Hiến pháp năm 2013 lại “quên” đi thẩm quyền “hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam” được quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Quốc tịch năm 2008.
Đối với lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Hiến pháp năm 2013 quy định Chủ tịch nước với vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Điều này có nghĩa Chủ tịch nước là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, thực thi quyền chỉ huy tối cao đối với các lực lượng vũ trang quốc gia. Tuy nhiên hiện nay có thể thấy trên thực tế vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và vai trò Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh của Chủ tịch nước còn khá mờ nhạt và hoạt động của Hội đồng vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa có quy định cụ thể về tổ chức và nguyên tắc hoạt động cũng như là các bộ phận giúp việc của Hội đồng.
Ngoài ra theo khoản 1 Điều 24 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: “lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Mà đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là chức danh Tổng Bí thư cũng đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, trong khi đó Chủ tịch nước chỉ giữ chức vụ Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương. Điều đó còn chưa kể đến vai trò của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an khi mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chỉ huy cao nhất trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ (đồng thời còn là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương) và Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong Công an nhân dân62, trong khi hai Bộ này lại đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đồng nghĩa việc thống lĩnh lực lượng vũ trang ở nước ta đã được “phân chia” cho 3 chủ thể khác nhau nắm giữ gồm có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an). Chính điều này dẫn đến một thực tế là mặc dù Chủ tịch nước được quy
61 “Chủ tịch nước thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp”, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chu-tich-nuoc-thuc-hien-hieu-qua-nhiem-vu-quyen-han-theo-quy-dinh-cua- hien-phap-1491875698, truy cập ngày 28/06/2021.
định là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhưng ai mới thật sự là người có “thực quyền” thật sự trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang trong cả nước thì cần phải được xem xét lại một cách kỹ lưỡng. Cụm từ “thống lĩnh” trong nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước xuất hiện lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 1959 và được duy trì qua các bản Hiến pháp năm 1980, năm 1992 và năm 2013 sau này. Tuy nhiên đến nay cũng chưa ai có thể giải thích được thế nào là “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân”, việc thống lĩnh này có khác biệt gì so với việc lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Chính phủ cũng như mục đích thật sự của việc thống lĩnh này là gì, cho đến nay đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp xác đáng.
Hiện nay thẩm quyền “quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương” thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và UBTVQH. Chủ tịch nước có nhiệm vụ “căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội để công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp”. Chỉ trong trường hợp UBTVQH không thể họp được thì Chủ tịch nước mới có thẩm quyền tự mình “công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”. Quy định như vậy tuy thể hiện được tinh thần phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhưng đã vô tình làm mất đi tính linh động, kịp thời, đặc biệt là các trường hợp có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Trong các trường hợp khẩn cấp như vậy phải đợi cho đến khi Quốc hội hoặc UBTVQH nhóm họp đủ số lượng quy định và ra các quyết định thì sẽ cần rất nhiều thời gian điều này sẽ làm mất đi sự kịp thời để ứng phó trong các trường hợp đòi hỏi cần phải có sự quyết định một cách nhanh chóng, kịp thời.
Luật Quốc phòng năm 2018 cũng đã có dấu hiệu “vượt mặt” Hiến pháp khi đã trao thêm thẩm quyền ra lệnh thiết quân luật cho Chủ tịch nước. Điều 21 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: “khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ”. Có thể hiểu mặc dù Hiến pháp chỉ quy định các vấn đề ở tầm khái quát nhất nhưng với phạm vi điều chỉnh rộng nhất thì các văn bản pháp luật khác được ban hành phải dựa trên các nguyên tắc, nền tảng đã được quy định trong Hiến pháp chứ
không phải “mở một lối đi riêng” hay “bổ sung cho Hiến pháp” vì các quy định trong văn bản pháp luật khác không thể thay thế cho quy định của Hiến pháp63.
Về vấn đề trách nhiệm của Chủ tịch nước theo nghĩa tiêu cực tức là tính chịu trách nhiệm, hậu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Hiện nay Hiến pháp chỉ có vỏn vẹn quy định: “Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội” được quy định tại Điều 87 Hiến pháp năm 2013. Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Chủ tịch nước là chế định được thành lập trên cơ sở của Quốc hội, các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước là do Quốc hội quy định. Cho nên tính tất yếu là khi thực hiện không đúng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao thì Chủ tịch nước sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Tuy nhiên một vấn đề cần phải đặt ra ở đây là Chủ tịch nước sẽ phải chịu trách nhiệm với các hình thức ra sao thì lại hoàn toàn không có bất kỳ một quy định cụ thể nào trong Hiến pháp. Do đó việc làm rõ vấn đề liên quan đến hình thức chịu trách nhiệm của Chủ tịch nước sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vai trò cũng như là trách nhiệm của Chủ tịch nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.