- Các công trình của các tác giả được điểm luận trên đây chưa đặt nhiều sự quan tâm đến kinh tạng khi nghiên cứu GTĐĐ của Phật giáo Đây chính là công
2.1.2. Khái lƣợc về Phật giáo Nguyên thủy
Thích Ca nhập diệt, ông đã trở thành một nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, giáo pháp của ông vẫn được hoằng truyền qua các thế hệ Thích tử, Thích tôn từ bấy cho đến nay. Căn cứ vào giai đoạn lịch sử, sự hoằng truyền giáo lý và sự pháp triển của giáo pháp mà các nhà nghiên cứu chia diễn trình Phật giáo thành các giai đoạn khác nhau. Có quan điểm chia lịch sử Phật giáo ra 3 thời kỳ, tiêu biểu như các tác giả Đại sư Thái Hư (Trung Hoa), Mộc Thôn Thái Hiền và Vũ Tỉnh Bá Thọ (Nhật Bản). Có quan điểm chia Phật giáo ra 4 thời kỳ như quan điểm của Long Sơn Chương Chính (Nhật Bản). Lại có quan điểm chia lịch sử Phật giáo thành 5 thời kỳ, như quan điểm của tác giả Ấn Thuận (Trung Hoa) [101,tr. 53-54].
Trong luận án này, chúng tôi kế thừa quan điểm của học giả Nalinaksha. Dutt trong cuốn Aspects of Mahayana Buddhism and Its Relation to Hinayana (Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa) chia lịch sử Phật giáo thành 3 thời kỳ.
Đây cũng chính là quan điểm được học giả, TS. Thích Minh Châu (người biên dịch toàn bộ kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy từ Pali ngữ sang Việt ngữ) thống nhất và được đông đảo các nhà Phật học hiện đại tán đồng. Ba giai đoạn phát triển của Phật giáo trong lịch sử, đó là: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái, Phật giáo Phát triển.
- Phật giáo Nguyên thủy: Thời kỳ Thích Ca còn tại thế và tuyên truyền giáo pháp của ông kéo dài đến khoảng gần 100 năm sau, khi những đệ tử kế tục trực tiếp truyền thừa tư tưởng của ông qua đời.
- Phật giáo Bộ phái: Giai đoạn Phật giáo này được tính từ sau khi Thích Ca nhập diệt khoảng 100 năm cho đến 500 năm. Đây là gia đoạn nở rộ của các trào lưu khác nhau, các phái bộ khác nhau phát triển cực đoan một hay một số giáo lý của Thích Ca. Sự phát triển này xuất phát từ cách hiểu và giải thích khác nhau của cùng một lời dạy của Thích Ca. Kết quả là, có hàng chục bộ phái Phật giáo khác nhau ở các vùng miền trên đất nước Ấn Độ cổ được hình thành. Đây chính là quá trình vận động và khẳng định vị thế của các bộ phái khác nhau trong Phật giáo. Và cuối cùng, những bộ phái nhỏ mất
dần đi, các bộ phái lớn có sự thống nhất nhất định hợp chung lại, thành ra hai hệ phái lớn: Phật giáo Thượng tọa bộ (Theravada) và Phật giáo Đại chúng bộ (Mahayana).
- Phật giáo Pháp triển: Giai đoạn này được gọi chung cho Phật giáo từ khoảng 500 năm sau khi Thích Ca nhập diệt cho đến nay. Trong đó, giai đoạn từ 500 năm đến khoảng 700 năm sau khi Thích Ca nhập diệt, được coi là giai đoạn đầu của Phật giáo Phát triển, hay còn gọi là Phật giáo Đại thừa.
Trong luận án này, chúng tôi sẽ cố gắng tránh nhắc đến thuật ngữ Tiểu thừa trong mối quan hệ với Đại thừa như cách gọi thông thường của các học giả các nước phương Đông và các Phật tử Đại thừa. Vì lẽ, các nhà Phật học cho rằng, Tiểu thừa và Đại thừa được cho là các danh từ được gán về sau bởi các nhà Bà La Môn giáo. Người ta không tìm thấy hai khái niệm này (Tiểu thừa và Đại thừa) trong ngũ bộ kinh tạng Pàli hay tứ bộ A-hàm của kinh điển Phật giáo Nguyên thủy. Theo TS. Thích Minh Châu, cách gọi Tiểu thừa có yếu tố không coi trọng, coi Tiểu thừa (cỗ xe nhỏ) là nhỏ hẹp. Ông cho rằng: “Thái độ của một số Phật tử Đại thừa xem những gì về Tiểu thừa là thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi, cũng là một thái độ nguy hiểm, nông nổi, nếu không muốn nói là ngây thơ, phản tri thức” [18, tr.13].
Trong giai đoạn Phật giáo Nguyên thủy, giai đoạn sơ khởi của Phật giáo, giáo lý Phật giáo thể hiện tinh thần giản dị, rõ ràng, chỉ là những ghi chép ghi lại lời nói, việc làm của Thích Ca khi còn tại thế và những lời nói, việc làm đã được Thích Ca chấp nhận của các đệ tử. Tổng thuật về đặc điểm giáo lý của Phật giáo Nguyên thủy, các nhà khoa học nghiên cứu về Phật giáo hệ Pàli tạng đều thống nhất một số nhận định sau:
Về không gian tồn tại và hoạt động của giáo đoàn Phât giáo: Phật giáo giáo đã xuất hiện tại các thành phố, làng mạc từ phía Đông sang phía Tây Ấn Độ thuộc thành Vương Xá (Kajangala, Campa, Rajagaha), thành Xá Vệ
(Gaya, Kasi, Nalanda, Pataliputta, Vesali, Savatthi) trong địa lý xã hội Ấn Độ cổ, và thêm một số ở vùng phụ cận phía Bắc (Maddarattha) và phía Nam (Patitthaha, Gandhara) Ấn Độ. Nghĩa là, Phật giáo đã chiếm lĩnh một không gian tương đối lớn trên phạm vi Ấn Độ cổ, vì tiếng tăm của Thích Ca và những ảnh hưởng tích cực từ giáo lý tôn giáo của ông đến xã hội.
Về sự tin theo của các vua chúa: Trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy có ghi chép, thời đức Phật còn tại thế và thời gian trong khoảng 100 năm sau khi ông qua đời, Phật giáo đã được nhiều vị vua chúa tin theo và thể hiện niềm mộ đạo của mình một cách mạnh mẽ tại các vương quốc mà họ trị vì. Các tài liệu lịch sử Phật giáo đã đề cập đến các vị vua thời trước của A-Dục (Asoka) như vua Tần-Bà-Ta-La (Bimbisara), vua A-Xà-Thế (Ajatasattu), vua Ba-Tư-Nặc xứ Kiều-Tát-La (Pasenadi Kosala), và đến cả những bộ lạc như: Canda Pajjota, Buli, Koliya, Vajji... Như vậy, với giáo lý bình đẳng, chống lại sự phân biệt giai cấp, Phật giáo không chỉ thu hút quần chúng nhân dân lao động mà mọi giai tầng trong xã hội, thậm chí cả những người Bà La Môn, các vua chúa, quý tộc.
Về vị trí, vai trò của hàng cư sỹ tại gia: Phật giáo Nguyên thủy mặc dù chưa xác lập vai trò của cư sỹ tại gia như thành phần tu tập của tăng đoàn, của giáo hội (khái niệm Tứ chúng: Tăng, Ni, Ưu-bà-tắc (nam Phật tử), Ưu-bà-di (nữ Phật tử) chỉ có sau này) nhưng đã khẳng định vai trò hộ pháp, ngoại hộ, trợ giúp đắc lực cho giáo đoàn do Thích Ca dẫn dắt của các Phật tử, cư sỹ tại gia. Các cư sỹ tại gia đã thụ nhận, hành trì giới luật tại gia, nghe thuyết giảng Phật pháp và thực hành nghi lễ Phật giáo, giữ gìn những phẩm hạnh đạo đức và phát huy nó trong đời sống xã hội hiện thực.
Về hình ảnh của Đức Phật: không bị huyền hóa như những quan điểm phát triển sau này. Đức Phật trong kinh điển Nguyên thủy chính là Thích Ca, một con người lịch sử, một con người bằng xương thịt, người thành lập, tổ chức, giáo huấn và dẫn dắt giáo đoàn Phật giáo. Ông chỉ khác người thường là chứng đắc được những tuệ giác, hiểu biết toàn tri, hiểu trọn vẹn những điều mà người thường không hiểu biết được. Phật Thích Ca trong kinh tạng Nguyên thủy là một con người hiếm có trong đời và phải qua rất nhiều kiếp mới có một vị xuất hiện. Đời sống và hành đạo của Thích Ca được ghi chép trong kinh tạng Phật giáo Nguyên thỷ chỉ thuần túy từ khi ông xuất gia, đến giai đoạn thành đạo, dẫn dắt giáo đoàn và hoằng truyền tư tưởng giáo lý tự ngộ, cho đến khi nhập diệt. Những nội dung về tiền thân Phật (nhiều đời trước) rất hiếm được nhắc đến trong kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy.
Về giáo lý và kinh điển: Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy cơ bản giới hạn trong Tam pháp ấn, Tứ diệu đế, lý Duyên khởi, Tam vô lậu học và Bát chính đạo. Những nội dung về các hạnh Ba-la-mật (các hạnh Bồ tát, vì chúng sinh) còn chưa thể hiện rõ trong những nội dung kinh điển này. Những giáo lý và nội dung trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy là những giáo lý thực hành, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, tránh việc diễn giảng những nghĩa lý sâu xa và lối diễn đạt bóng bẩy hay đầy tinh thần triết học “hình nhi thượng” như đề cập trong kinh điển Phật giáo Phát triển sau này.
Về mục đích của tu hành: Cấp bậc quả vị mà người tu hành trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, kể cả Thích Ca, cũng chỉ là đời sống và sự giác ngộ của một vị A-la-hán. Đây là quả vị cao nhất trong 4 quả vị tu hành mà một người tu theo Phật giáo đạt được. Bốn quả vị đó gồm: (1) Dự lưu, hay còn gọi là Tu-đà-hoàn (Sotapana - được dự vào vị trí tu tập đắc đạo, giống như quan điểm về người dự bị hay dự khuyết hiện nay); (2) Nhất lai, hay còn gọi là Tư-đà-hàm (Sakadagami - còn một lần phải tái sinh trong cõi đời); (3) Bất lai, hay còn gọi là A-na-hàm (Anagami - không còn phải tái sinh trầm luân trong cõi đời); (4) A-la-hán (Arahatta - quả vị tối thắng, cao nhất trong tu tập Phật giáo). Thích Ca trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy cũng chỉ chứng đạt quả vị này. Khái niệm quả vị Phật hay Bồ tát dưới góc nhìn của Phật giáo Phát triển chưa được thấy đề cập trong kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy, đó là sản phẩm của Phật giáo Phát triển sau này.
Về cảnh giới giải thoát: Phật giáo Nguyên thủy cho rằng, cảnh giới giải thoát cuối cùng và cao nhất người tu theo Phật giáo đạt được đó là Niết bàn. Niết bàn là một trạng thái, một cảnh giới về tinh thần mà người tu hành đạt được. Trong cảnh giới tinh thần đó người tu chứng đạt được trạng thái hoàn toàn an tịnh, cực lạc, diệt trừ hết mọi phiền não, đau khổ. Theo Phật giáo Nguyên thủy, Thích Ca là người chứng đạt cảnh giới này [18, tr. 17 - 19]. Niết bàn không bao gồm ý nghĩa về không gian, một cõi nước, không phải là “nước Phật” hay “Tây thiên” như một phần không ít các Phật tử và người nghiên cứu Phật học hiện nay hiểu. Niết bàn trong Phật giáo là một cảnh giới tinh thần an lạc, tự tại.