- Các công trình của các tác giả được điểm luận trên đây chưa đặt nhiều sự quan tâm đến kinh tạng khi nghiên cứu GTĐĐ của Phật giáo Đây chính là công
3.1.2. Bình đẳng và trọng sinh
Trọng sinh (coi trọng sinh mạng mọi loài): Đây là GTĐĐ quan trọng nhất được Phật giáo nhắc đến và có tính phổ quát trong tất cả các hệ phái, thường phái Phật giáo. Nội dung này cũng chính là một giá trị của thiện được nhắc đến trên đây (không sát sinh là thiện). Coi trọng sinh mạng chính là không sát sinh với bất ký lý do nào. GTĐĐ này xuất phát từ nguyên lý, nhân sinh quan của Phật giáo, đó là tinh thần bình đẳng của mọi chúng sinh và việc khẳng định thân người là khó đạt được. Con người cho đến chúng sinh mọi loài đều tham sống, sợ chết, và sự sinh sôi, phát triển là quy luật được tạo hóa sinh ra và hàm dưỡng. Vì vậy, bất luận vì lý do gì, không được giết chóc, cho đến làm tổn thương sinh mạng của các loài. Đặc biệt, sinh mạng con người là cao quý và cần phải được trân trọng. Không sát sinh không chỉ là không chém giết, không làm tổn hại đến sinh mệnh con người và các loài khác mà còn bao gồm cả việc ân dưỡng, chăm sóc, giúp cho các loài được bảo toàn thân mạng, phát triển thân mạng, chăm sóc và bảo vệ thân mạng của mọi loài.
Bình đẳng: Đây là một trong những GTĐĐ phổ quát không chỉ riêng của Phật giáo mà là sự hướng đến của mọi xã hội. Bình đẳng là sự không phân biệt cao - thấp trong xuất thân và vị thế xã hội, bình đẳng là việc coi trọng và tạo điều kiện cho mỗi con người cùng phát huy giá trị tích cực và tiếp cận đến những giá trị và lợi ích ngang nhau. Bình đẳng còn thể hiện thân mạng của mọi loài là quý giá như nhau và không có quyền hy sinh thân mạng của loài này cho sự sống của loài kia. Vì bình đẳng nên không sát sinh. Bình đẳng nên cần chăm lo và tạo điều kiện cho mọi loài cùng phát triển trong sự hài hòa. Cũng cần nhắc lại rằng, Phật giáo ra đời trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ có sự phân biệt đẳng cấp khắt khe. Các đẳng cấp trên giữ đặc quyền đặc lợi. Các đẳng cấp thấp phụ thuộc và chịu thiệt thòi, phải trở thành nô lệ, tôi tớ cho đẳng cấp trên. Chính những người cai trị, giai cấp cầm quyền muốn duy trì chế độ đẳng cấp và ngày càng muốn ranh giới, khoảng cách giữa các đẳng cấp ấy càng rõ rệt. Chính Thích Ca cũng xuất thân từ đẳng cấp vua quan, cai trị xã hội. Trong bối cảnh đó, Thích Ca lại tuyên thuyết về sự bình đẳng, tuyên bố không có khoảng cách giữa những con người khác nhau trong xã hội. Trong bối cảnh xã hội Ấn Độ cổ, đó là một tư tưởng đại cách mạng về giai cấp, một tư tưởng mang giá trị nhân văn và đề cao giá trị con người.
Việc bình đẳng phải được thể hiện từ điều kiện phát huy cá nhân, cơ hội và vị thế xã hội, đến việc ghi nhận sự nỗ lực đóng góp và cả tinh thần tu tập. Thích Ca đã chỉ dạy các học trò và lời dạy của ông đã được các học trò ghi nhớ và mang đến chỉ bày cho những người khác. Đó là không có sự phân biệt trong những con người có cùng màu da, cùng màu máu, cùng vị mồ hôi. Những chuẩn mực về tính thiện, bất thiện (ác), tốt, xấu… cần được mọi người trong mọi thành phần xã hội tôn trọng và cùng thực hiện. Đặc biệt, với GTĐĐ về sự bình đằng, Thích Ca đã tin tưởng rằng, mọi con người đều mang trong mình một hạt giống tốt, hạt giống cho việc gặt hái những điều thiện. Điều này được Phật giáo nhắc đến như một tuyên ngôn về nhân phẩm con người, nghĩa là tất thảy chúng sinh đều có hạt giống Phật tính tiềm tàng có thể nảy nở thành cây giác ngộ. Hạt giống ấy có từ người giác ngộ cho đến kẻ sơ cơ mới tu tập,
có từ vị vua thuộc đẳng cấp quý tộc đến người đánh xe, thậm chí Thích Ca còn cho rằng, hạt giống tốt đó vẫn thường trực và ẩn khuất bên trong những kẻ ăn cướp hay gái làng chơi. Khi được phát khởi nó sẽ thúc đẩy con người trở nên tốt đẹp, thuần thiện.
Về quan hệ và đẳng cấp xã hội, khi Vàsettha, một vị xuất thân từ Bà la môn đi theo giáo đoàn của Thích Ca, ông đã bị gia đình và đẳng cấp quý tộc của mình chửi rủa, phỉ báng:
Bà la môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt. Chỉ có giai cấp Bà la môn là da trắng, giai cấp khác là da đen. Chỉ có Bà la môn là thuần túy, các giai cấp phi Bà la môn không phải như vậy. Chỉ có Bà la môn là con chính tông của Phạm Thiên, sinh từ miệng Phạm Thiên, do Phạm Thiên sinh, do Phạm Thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm Thiên. Các ngươi đã từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiện, giai cấp các Sa môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân. Làm vậy thật là không tốt, làm vậy thật là không hợp, khi các ngươi từ bỏ giai cấp tối thượng, cúi mình vào giai cấp hạ tiện, giai cấp các Sa môn trọc đầu, đê tiện, đen đủi, giòng giống thuộc bàn chân [29, tr.389].
Đoạn kinh này phản ánh cái nhìn bất bình đẳng của xã hội Ấn Độ cổ. Sự bất bình đẳng không chỉ được khẳng định bằng vai trò xã hội và cơ hội được thụ hưởng các điều kiện, giá trị khác nhau của những hạng người khác nhau trong cuộc sống. Nó còn bó chặt và thôi thúc sự cam chịu từ trong tinh thần con người bằng việc hợp thức sự bất công, bất bình đẳng ấy bằng truyền thuyết tạo sinh loài người trong thần thoại Ấn Độ với nhân vật Phạm Thiên. Trong bối cảnh chế độ xã hội phân cấp hà khắc như thế, càng thấy tinh thần cách mạng, tiến bộ vượt bậc và ý nghĩa nhân văn trong quan điểm của Thích Ca, khi ông cho rằng, không có sự khác biệt nào đối với từng loại người trong xã hội. Sự khác nhau trong vai trò xã hội thuần túy chỉ là sự phân công lao động. Và việc phân công lao động ấy không tỷ lệ thuận với sự thuần thiện, đạo đức trong mỗi con người ở các giai tầng xã hội cao thấp khác nhau.
Thích Ca đã khẳng định không có giai cấp nào cao, giai cấp nào thấp, không có giai cấp sang trọng hay giai cấp hạ tiện trong những con người nước mắt cùng mặn và máu cùng đỏ. Đây là quan điểm về sự bình đẳng giữa con người với con người. Xóa bỏ những quan điểm truyền thống trong xã hội Ấn Độ cổ về việc phân biệt con người cao thấp do đẳng cấp xã hội. Thích Ca đưa ra một quan điểm nhân văn khác, rằng sự cao thấp giữa những con người trong xã hội, nếu có, đó là sự cao thấp trong nhân phẩm, trong đạo đức, trong những phẩm chất người đã được rèn luyện là thành tựu. Mà các phẩm vị đạo đức thì có thể rèn luyện và tu tập theo các chuẩn mực và những điều thiện. Thích Ca cho rằng, các giai cấp của xã hội Ấn Độ (cổ) đều có người tốt và có người xấu. Những người tốt đó là do thực hiện những điều thiện, người xấu là do thực hiện các điều bất thiện:
Này Vàsettha, có người trong bốn giai cấp: Sát đế lỵ, Bà la môn, Phệ xá và Thủ đà la sát sinh, lấy của không cho (ăn trộm), có tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi (trắng thành đen, đen thằng trắng), nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến. Những pháp ấy là bất thiện, là có tội, là không nên hành trì và những pháp ấy bị quở trách [29, tr.390-391].
Này Vàsettha, có người Sát đế lỵ, có người Bà la môn, có người Phệ xá, có người Thủ đà la không sát sinh, không lấy của không cho (ăn trộm - NCS), không có tà hạnh, không nói láo, không nói hai lưỡi (trắng thành đen, đen thằng trắng - NCS), không nói ác khẩu, không nói lời phù phiếm, không có tâm tham, không có tâm sân, có chính kiến. Những pháp ấy là thiện, nên hành trì và được tán thán [29, tr.391].
Thích Ca cho rằng, dù xã hội Ấn Độ lúc đó có phân chia giai tầng thành bốn hạng loại người khác nhau, nhưng không có căn cứ để cho rằng một người ở đẳng cấp cao thì tư cách đạo đức và nhân phẩm cao, đáng được trân trọng, và cũng không có căn cứ để cho rằng một người ở đẳng cấp thấp thì tư cách đạo đức, nhân phẩm đáng bị chê trách. Và thực tế, một người ở đẳng cấp
cao, dù là dòng dõi Bà la môn hay Sát đế lị thì khi sát sinh, ăn trộm, nói láo, tà hạnh đều là vô đạo đức và là bất thiện, đáng bị chê trách. Ngược lại, những con người dù ở đẳng cấp thấp, ví như Phệ xá hay Thủ đà la nếu rèn tập theo điều thiện hành, sống, làm việc bằng nghề nghiệp liêm chính, không sát sinh, không ăn trộm, không nói dối, không vướng mắc vào dục lạc và những tà hạnh, thì người Phệ xá hay Thủ đà la đó là thiện nhân, là đạo đức, là đáng được tán thán và trở thành biểu tượng tốt đẹp của xã hội, cho người khác noi theo. Và một điều tích cực mà Thích Ca khẳng định, phải luôn nhìn nhận vạn vật, nhất là con người trong cái nhìn biện chứng, luôn vận động (vô thường) để biết rằng một người lúc này tốt, lúc sau có thể không tốt, lúc trước không tốt, nhưng lúc này có thể trở nên tốt đẹp.
Như vậy, giá trị đạo đức mà Thích Ca đưa ra trong lời dạy của ông là: Trân trọng cuộc sống mọi loài;
Trân trọng cuộc sống con người; Trân trọng nhân phẩm con người; Con người là bình đẳng;
Con người có hạt giống tốt đẹp về đạo đức;
Con người có thể thay đổi tích cực từ xấu thành tốt.