- Các công trình của các tác giả được điểm luận trên đây chưa đặt nhiều sự quan tâm đến kinh tạng khi nghiên cứu GTĐĐ của Phật giáo Đây chính là công
2.2.3. Nội dung kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy văn hệ Pàl
Có một thực tế là, dù quan điểm phương Đông hay phương Tây, dù là các học giả xuất phát từ các truyền thống Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Phát triển thì đều có chung một nhận định, kinh tạng Phật giáo được chép trong các tạng Pàli, các bộ A - hàm là những tinh hoa tốt đẹp nhất và nguyên thủy nhất của lời Phật dạy [18, tr.13] .
Theo TS. Thích Trung Định (người có bề dày và nghiên cứu một cách hệ thống về Phật giáo Nguyên thủy, làm nghiên cứu sinh Phật học tại Đại học Gautam Buddha, Ấn Độ) cho rằng, theo truyền thống Phật giáo, có hai tạng kinh tồn tại song hành, đó là kinh tạng Nikàya được ghi chép bằng ngôn ngữ Pali, và kinh tạng A - hàm, được ghi lại bằng ngôn ngữ Sankrit. Ông dẫn lời nhà nghiên cứu Bodhi và khẳng định: “Kinh tạng Pàli là những văn bản cổ xưa nhất về lời dạy của Đức Phật mà chúng ta có được. Đó là những gì gần gũi nhất với bài giảng của Đức Phật lịch sử - Tất Đạt Đa” [62, tr.11]. Thích Trung Định cũng cho rằng, những lời dạy của Thích Ca được tìm thấy trong kinh tạng Pàli là đầu nguồn của những dòng chảy tiến hóa của giáo lý thực hành trong đạo Phật, qua nhiều thế kỷ. Vì lý do đó, những bài kinh Pàli tạo thành một di sản chung cho tất cả mọi truyền thống của Phật giáo.
Kinh tạng Phật giáo văn hệ Pàli chia thành năm bộ, còn gọi là ngũ bộ Nikàya. Năm bộ kinh Nikàya gồm:
Kinh Trường bộ (Dìgha - Nikàya), Kinh Trung bộ (Majjhima - Nikàya), Kinh Tương ưng bộ (Samyutta - Nikàya), Kinh Tăng chi bộ (Angttara - Nikàya), Kinh Tiểu bộ (Khuddaka - Nikàya).
Khái quát về bố cục và nội dung của năm bộ kinh này như sau:
Kinh Trường bộ (Dìgha - Nikàya), là bộ sưu tập 34 bài kinh dài (nên
gọi là Trường bộ) ghi lại lời dạy của Thích Ca, chia thành 3 phẩm: phẩm Giới uẩn, phẩm Lớn, phẩm Ba-lê-tử. Trong đó, phẩm Giới uẩn gồm 13 bài kinh nói về giới luật, giới cho bậc tu hành cao (đại giới) và giới cho mọi người có thể tu tập (tiểu giới). Phẩm Lớn (hay còn gọi là Đại phẩm), gồm 10 bài kinh dài và quan trọng về lịch sử cũng như về giáo lý, như kinh Đại bát Niết bàn, kinh
Đại bổn, kinh Đại duyên, kinh Tứ niệm xứ, là những giáo lý cơ bản của Phật giáo. Phẩm Ba-lê-tử (Ba-lê-tử là tên một tu sỹ ngoại đạo, người này cật vấn những vấn đề khác nhau với giáo đoàn của Thích Ca, Thích Ca nhân đó mà thuyết pháp), gồm 11 bài kinh, trong đó ghi lại lời của Thích Ca bàn về
các vấn đề khác nhau, như thế giới quan, vấn đề sinh ra, biến đổi của vạn vận trong vũ trụ; vấn đề bổn phận công dân trong xã hội; vấn đề tu khổ hạnh của các giáo phái ngoại đạo. Trên cơ sở đó Thích Ca tuyên thuyết những lời dạy của ông. Kinh Trường bộ có những kinh quan trọng như: Kinh Phạm võng, nói về các quan điểm triết học và siêu hình thời Phật giáo sơ khai; Kinh Sa- môn quả, nói về giáo lý của sáu đạo sư ngoại đạo thời Phật giáo sơ khai và về kết quả của đời sống Sa-môn; Kinh Đại bổn, là tích truyện về sáu vị Phật đã ra đời trước vị Phật lịch sử; Kinh Đại duyên, luận giảng về giáo lý Duyên khởi;
Kinh Đại Bát-niết-bàn, kể lại những ngày tháng cuối cùng trước khi Phật Thích-ca nhập diệt; Kinh Giáo Thọ Thi-ca-la-việt, đặc biệt quan trọng cho giới cư sĩ, nhắc nhở bổn phận của cha mẹ, thầy dạy, học trò. Trong bản Việt dịch, 34 bài kinh trong Kinh Trường bộ được chia thành 2 tập, Kinh Trường bộ tập 1 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 1) gồm 16 kinh, Kinh Trường bộ tập 2 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 2) gồm18 kinh.
Kinh Trung bộ (Majjhima - Nikàya), là bộ sưu tập 152 bài kinh có độ
dài trung bình (nên gọi là Trung bộ), ghi lại những lời thuyết giảng của Thích Ca, cùng những bài thuyết giảng thể hiện sự chứng đạt giáo lý của các đệ tử của Thích Ca. Bản Việt dịch được chia thành 3 tập, Kinh Trung bộ tập 1 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 3) gồm 50 kinh; Kinh Trung bộ tập 2 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 4) gồm 50 kinh; Kinh Trung bộ
tập 3 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 5) gồm 52 kinh. Các học giả cho rằng Kinh Trung bộ là bộ kinh quan trọng nhất, chứa đựng những tinh hoa và các pháp môn căn bản trong giáo lý Phật giáo. Bộ kinh còn tái hiện cho người đọc thấy được các sinh hoạt hàng ngày của một Đức Phật lịch sử (chứ không phải huyền thoại) cùng tăng đoàn của ngài trong suốt 49 năm truyền đạo. Nghiên cứu 152 bài kinh trong Kinh Trung bộ sẽ thấy nội dung đề cập rất phong phú, đối tượng mà Thích Ca thuyết giảng cũng gồm nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, từ các bậc vua chúa, vương giả, chư thiên, đến các bậc chân tu khổ hạnh, từ các học giả, các nhà hùng biện, cho đến những
thương gia, nông dân, từ người chăn ngựa, chăn bò đến tướng cướp, gái làng chơi... Qua những lời thuyết pháp, những đối thoại được ghi lại trong kinh, các pháp môn quan trọng của Phật giáo được diễn giải, như: Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Vô ngã, Niết bàn, Thập nhị nhân duyên, Nghiệp hành, Tái sinh, các tầng thiền, các pháp quán niệm, các quả vị giải thoát, các thế giới luân hồi... Trong kinh, những chuẩn mực về ứng xử, đạo đức ứng với mỗi bổn phận con người trong xã hội, con đường tu tập để đạt sự thanh lọc trong tâm hồn cho người tại gia, và quả vị chứng đắc, giải thoát với người xuất gia đều được chỉ rõ. Một điều đặc biệt, Kinh Trung bộ không chỉ kết tập những bài kinh do Thích Ca giảng thuyết, mà còn ghi chép nhiều bài kinh do các đại đồ đệ của ông tuyên thuyết cho thính chúng, dưới sự chứng minh của Thích Ca Mâu Ni. Cụ thể, có 9 bài kinh của Xá-lợi-phất (Sariputra); 7 bài kinh của A- nan-đà (Ananda); 4 bài kinh của Đại Ca-chiên-diên (Maha Kaccana); 2 bài của Đại Mục-kiền-liên (Maha Moggallana); 1 bài của Ni sư Dhammadinna được Thích Ca khen ngợi là bậc đại trí tuệ. Điều này thể hiện mấy ý nghĩa.
Thứ nhất, giáo pháp của Thích Ca không chỉ mình Thích Ca chứng đắc, mà cho những người khác có thể chứng đắc. Thứ hai, không phải đợi đến một thời vị lai xa xôi, các đồ đệ của Thích Ca đã chứng đắc ngay khi Thích Ca còn tại thế. Thứ ba, bất kể là ai thuyết giảng, chỉ cần những nội dung thuyết giảng đó đúng với bản ý của Thích Ca và có thể giúp người khác tu tập đạt được sự thanh lọc trong tâm hồn, hay cao hơn là chứng đắc các quả vị tu tập thì đều được coi là Pháp - tức giáo lý Phật giáo. Thứ tư, ngay tại thời Thích Ca còn sống, đệ tử của ông đã chứng đạt giáo lý, thì những người đệ tử đó hoàn toàn đủ phẩm hạnh và sự chứng đạt để tuyên thuyết, truyền bá, ghi chép lại lời dạy của Thích Ca một cách chính xác, kể cả sau khi Thích Ca nhập diệt, vẫn được coi là chính pháp, đúng với lời thuyết dạy của Thích Ca. Đây là y cứ quan trọng của việc kết tập kinh điển sau khi Thích Ca nhập diệt mà vẫn được xác định là chính pháp do Thích Ca tuyên diễn.
Kinh Tương ưng bộ (Samyutta - Nikàya), là tập hợp những bài kinh có
khối lượng không dài, tổng cộng 2.889 bài kinh, với nhiều nội dung phong phú và diễn giải sâu sắc về giáo lý Phật giáo. Trong đó, từ các pháp môn tu
tập, từ những giáp lý căn bản về tính Không, Vô thường, Vô ngã, Duyên khởi, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Ngũ căn, Ngũ lực, Lục thức, Lục xúc, Bảy giác chi, Bát chính đạo.... đến quả vị tu tập giải thoát, từ những giới điều răn cấm đến cảnh giới an lạc, Niết bàn, từ những ví dụ rắn độc, tổ chim, đến núi lớn, sông Hằng, từ phẩm hạnh của bậc sa môn đến phẩm hạnh của vị quân vương, từ việc tài sản đến sinh con... đều được thuyết giảng với lời lẽ sâu sắc, dễ hiểu và toát lên thâm ý của Thích Ca về con đường rèn luyện đạo đức (đối với người tại gia) và tu tập đạt thánh quả (đối với người xuất gia). Trong bản Việt dịch, Kinh Tương ưng bộ được chia thành 5 tập với 56 tương ưng (chữ
Samyutta trong ngôn ngữ Pàli được dịch là Tương ưng, nghĩa là cặp, là ràng buộc, là sự liên quan chặt chẽ): Kinh Tương ưng bộ tập 1 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 6) gồm 11 tương ưng; Kinh Tương ưng bộ tập 2 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 7) gồm 10 tương ưng; Kinh Tương ưng bộ tập 3 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 8) gồm 13 tương ưng;
Kinh Tương ưng bộ tập 4 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 9) gồm 10 tương ưng; Kinh Tương ưng bộ tập 5 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 10) gồm 12 tương ưng.
Kinh Tăng chi bộ (Angttara - Nikàya), là tập hợp những bài kinh ngắn,
mà nội dung của chúng được sắp xếp theo tiêu đề của kinh liên quan đến sự tăng dần của số gắn với khái niệm pháp (gọi là pháp số), như: Một pháp, hai pháp, ba pháp.... Vì vậy gọi là Tăng chi. Kinh Tăng chi bộ bản Việt dịch được chia thành 4 tập với 11 chương, tương đương với 11 pháp (bao gồm 2,308 bài kinh, nhưng con số này không thống nhất vì số kinh phân biệt không được rõ ràng, và có học giả tính theo số đoạn, tổng cộng là 7,557): Kinh Tăng chi bộ
tập 1 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 11) nội dung từ Một pháp đến phần đầu của Bốn pháp ; Kinh Tăng chi bộ tập 2 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 12) nội dung từ phần sau của Bốn pháp đến hết phần Năm pháp;
Kinh Tăng chi bộ tập 3 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 13) nội dung từ Sáu pháp đến Tám pháp; Kinh Tăng chi bộ tập 4 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 14) nội dung từ Chín pháp đến Mười một pháp. Nội dung của Kinh Tăng chi bộ đề cập vô cùng phong phú, với nội dung pháp
số là căn bản và triển khai rốt ráo nhưng sinh động, giáo lý của Phật giáo ứng dụng trong đời sống từ tu tập của các tỷ kheo đến cuộc sống và bổn phận của mọi người trong xã hội. Kinh Tăng chi bộ có một vị trí đặc biệt trong toàn bộ kinh tạng Phật giáo, vì nó là phần quan trọng nhất cấu thành quan điểm về tâm lý học và đạo đức Phật giáo. Chính trong bộ kinh này, Thích Ca đã chỉ bày những bổn phận phải làm, những đức hạnh phải tu tập, những chuẩn mực đạo đức phải ứng xử gắn với mỗi hạng người trong xã hội. Có thể thấy hai con đường, hai vị trí chứng đạt của hai đối tượng khác nhau khi cùng hành trì một giáo lý Phật giáo thống nhất, đó là, với người xuất gia thì mục đích đạt tới giải thoát, an lạc, Niết bàn; còn đối với người tại gia, dù giữ vị trí nào trong xã hội, đó là một đời sống lành mạnh, thanh tịnh, đạo đức và phạm hạnh mẫu mực. Cũng chính vì vậy, Kinh Tăng chi bộ có thể được coi là đạo đức luận Phật giáo. Đây là phần văn bản sẽ thu hút nhiều sự nghiên cứu, tìm tòi của nghiên cứu sinh để chỉ ra những biểu hiện của giá trị đạo đức.
Kinh Tiểu bộ (Khuddaka - Nikàya) là tập hợp những bài kinh ngắn, nhỏ
lẻ, đôi khi không liên quan với nhau về chủ đề, vì thế gọi là Tiểu bộ. Nội dung của kinh ghi chép từ những giáo lý cơ bản của Phật giáo, đến những bài thi kệ (thơ), từ đời sống của các tỷ kheo trong giáo đoàn Phật giáo đến chuyện thiên cung, ngạ quỷ, từ lịch sử Thích Ca đến những tiền thân của Phật. Nội dung này được cho là ghi chép về sau hơn so với 4 bộ kinh nên trên. Vì là phản ánh nội dung phong phú, nên, qua nội dung kinh văn có thể thấy được từ thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo, đến lịch sử, văn hóa, phong tục, đời sống tâm linh thời Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Các nội dung giáo lý hoặc lịch sử, văn hóa trong kinh cơ bản được trình bày thành những câu văn vần, dễ đọc tụng. Trong bản Việt dịch, Kinh Tiểu bộ được chia thành 10 tập: Kinh Tiểu bộ tập 1(tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 15); Kinh Tiểu bộ tập 2 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 16); Kinh Tiểu bộ tập 3 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 17); Kinh Tiểu bộ tập 4 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 18); Kinh Tiểu bộ tập 5 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 19); Kinh Tiểu bộ tập 6 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 20);
Kinh Tiểu bộ tập 8 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 22); Kinh Tiểu bộ tập 9 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 23); Kinh Tiểu bộ tập 10 (tương đương Đại tạng kinh Việt Nam tập 24).
Có thể nói, năm bộ kinh Nikàya được giới học giả nghiên cứu Phật học trên thế giới xem là căn cứ văn bản khả tín nhất, được định bản sớm nhất và ghi chép gần như nguyên vẹn lời dạy của Thích Ca Mâu Ni. Năm bộ kinh này không chỉ trình bày một cách hệ thống, đầy đủ những giáo lý cơ bản của Phật giáo, mà nó còn phản ánh cả bối cảnh lịch sử, văn hóa, chính trị, phong tục tập quán, tôn giáo của xã hội Ấn Độ cổ thời Thích Ca Mâu Ni. Như đã nêu ở trên, năm bộ Nikàya không chỉ bao chứa các pháp môn, con đường tu tập giúp bậc hành giả (người xuất gia theo Phật) chứng đắc từng quả vị, để cuối cùng đạt được an lạc, Niết bàn, giải thoát, mà nó còn là một bộ cẩm nang chi tiết, cụ thể và hệ thống để giúp cho những con người bình thường (những Phật tử tại gia) có thể rèn luyện đạo đức, nhân phẩm để xây dựng một đời sống phạm hạnh, toàn thiện. Vì vậy, vượt ra ngoài khuổn khổ tôn giáo, vượt ra ngoài cộng đồng chức sắc, tín đồ, Phật tử, những lời dạy của Thích Ca trở thành những bài học đạo đức thực tiễn đầy sâu sắc và có ý nghĩa xã hội. Trải qua hơn hai nghìn năm trăm năm, kể từ khi Phật giáo ra đời, và hơn hai nghìn năm, kể từ khi giáo lý Phật giáo được kết tập thành kinh điển, năm bộ kinh Nikàya vẫn không ngừng được các học giả trên khắp thế giới phiên dịch sang các thứ tiếng, không ngừng được hiệu đính, chú giảng, diễn giải, để làm cho tư tưởng, giáo lý, giá trị xã hội, nhất là giá trị đạo đức trong kinh tạng Phật giáo trở nên sống động, thiết thực và có ích cho toàn nhân loại.