Biện pháp bảo lĩnh trong Bộ luật tố tụng hình sự Liên Bang Nga

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 30 - 33)

BLTTHS của Liên Bang Nga được Duma thông qua ngày 22/11/2001 và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2002 thay thế cho BLTTHS năm 1960 thời Xô Viết. Biện pháp bảo lĩnh là một trong bảy BPNC được quy định trong BLTTHS 2001 Liên Bang Nga tại Điều 97, 98, 99, 103 và 105 do Điều tra viên, Dự Thẩm viên, Kiểm sát Viên và

19

Thẩm phán trong phạm vi thẩm quyền được giao áp dụng đối với người bị tình nghi, bị can trong những trường hợp luật định. Tại Khoản 1 Điều 103 BLTTHS Liên Bang Nga nêu rõ:“Bảo lĩnh của cá nhân thể hiện ở nghĩa vụ của người nhận bảo lĩnh cam đoan bằng văn bản là họ sẽ bảo đảm người bị tình nghi, bị can mà họ nhận bảo lĩnh có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền và không cản trở hoạt động tố tụng đối với vụ án bằng những hình thức khác.”

Về căn cứ áp dụng, BLTTHS Liên Bang Nga quy định căn cứ chung dành cho tất cả các BPNC tại Khoản 1 Điều 97 và Điều 99 BLTTHS 2001 cụ thể như sau:

Khoản 1 Điều 97 BLTTHS Liên Bang Nga quy định:

“Điều tra Viên, Dự Thẩm Viên, Kiểm sát Viên và Thẩm phán trong phạm vi thẩm quyền được giao, có quyền áp dụng một trong những BPNC quy định tại Bộ luật này nếu có đủ căn cứ để cho rằng người bị tình nghi, bị can:

1. Trốn tránh việc điều tra ban đầu, điều tra dự thẩm hoặc xét xử; 2. Có thể tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội;

3. Có thể đe dọa người làm chứng, những người khác tham gia TTHS, tiêu hủy chứng cứ, cũng như có những hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng đối với vụ án.”16

Điều 99 BLTTHS 2001 quy định:“Khi quyết định việc lựa chọn BPNC để áp dụng đối với người có hành vi phạm tội là người bị tình nghi, bị can khi có những căn cứ quy định tại Điều 97 Bộ luật này thì cần phải xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân người bị tình nghi hoặc bị can, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp và những tình tiết khác”17

Trên cơ sở các quy định này, có thể hiểu rằng, các căn cứ tại Điều 97 là điều kiện cần và các yếu tố như: tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, nhân thân người bị tình nghi hoặc bị can, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp và những tình tiết khác được quy định tại Điều 99 được coi là điều kiện đủ để các cơ quan THTT đánh giá, xem xét áp dụng BPNC nói chung, biện pháp bảo

16 Khoản 1 Điều 97 Bộ luật tố tụng hình sự Liên Bang Nga,

https://www.imolin.org/doc/amlid/Russian_Federation_Criminal_Code.pdf, truy cập ngày 01/06/2020 17Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự Liên Bang Nga,

20

lĩnh nói riêng. So với nước ta thì luật pháp của Liên Bang Nga đã cho thấy sự tiến bộ hơn khi cụ thể hóa các yếu tố về nhân thân của đối tượng được bảo lĩnh – là một trong những căn cứ mạnh để các cơ quan THTT khi giải quyết VAHS có thể dựa vào xem xét áp dụng. Điều này giúp giải quyết được tình trạng lúng túng trong việc cân nhắc sử dụng đúng BPNC phù hợp. Đây được xem là điểm sáng mà nước ta nên tham khảo và học hỏi để hoàn thiện pháp luật quốc gia.

Về chủ thể có thẩm quyền áp dụng. BLTTHS Liên Bang Nga trao thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh cho những người giữ chức vụ tham gia quá trình giải quyết, thụ lý VAHS tại Điều 101, cụ thể thẩm quyền này thuộc về: Điều tra viên, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và TA. Dự thẩm viên được hiểu là những người có chức vụ, quyền hạn, có quyền tiến hành điều tra dự thẩm đối với vụ án trong phạm vi thẩm quyền như: khởi tố VAHS, tiếp nhận VAHS để điều tra hoặc chuyển đến CQĐT dự thẩm nơi có thẩm quyền điều tra, tự mình tiến hành các bước điều tra, quyết định tiến hành các hoạt động điều tra và các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền.

Thứ ba, về chủ thể nhận bảo lĩnh. Khoản 2 Điều 103 BLTTHS Liên Bang Nga quy định một người hoặc một số người nhận bảo lĩnh phải có văn bản đề nghị bảo lĩnh và phải có đồng ý của người bị tình nghi, bị cáo. Pháp luật TTHS Nga không ghi nhận hình thức bảo lĩnh của cơ quan, tổ chức và chỉ nêu chung chung “một số người” được nhận bảo lĩnh chứ không quy định cụ thể số lượng tối đa là bao nhiêu.

Về đối tượng áp dụng. Đối tượng áp dụng biện pháp bảo lĩnh bao gồm: người bị tình nghi và hai là bị can. Cụ thể hơn, căn cứ theo quy định tại Điều 46, Điều 47 BLTTHS Liên Bang Nga thì người bị tình nghi là người đã khởi tố VAHS theo những căn cứ và thủ tục luật định; bị bắt giữ theo quy định tại Điều 100 của Bộ luật và bị can là người bị tống đạt quyết định khởi tố bị can; bị tống đạt cáo trạng; bị tống đạt bản cáo trạng (bị can đưa ra xét xử được gọi là bị cáo, bị can đã có bản án tuyên là có tội được gọi là người bị kết án). Bên cạnh đó, pháp luật TTHS Liên Bang Nga quy định bắt buộc bảo lĩnh phải có sự đồng ý của người được bảo lĩnh. Điều này cho thấy sự đề cao và tôn trọng ý chí, nguyện vọng của chủ thể này. Đây cũng là một điểm quy định mà nước ta nên học hỏi để hoàn thiện hơn pháp luật tố tụng hiện hành.

Thứ năm, về thủ tục bảo lĩnh. BLTTHS Liên Bang Nga quy định người nhận bảo lĩnh thì phải cam đoan bằng văn bản bảo đảm người bị tình nghi hoặc bị can phải thực hiện các nghĩa vụ sau: có mặt theo giấy triệu tập của Điều tra Viên, Dự thẩm viên,

21

Kiểm sát viên, Thẩm phán đúng thời gian quy định; không cản trở hoạt động tố tụng đối với vụ án bằng những hình thức khác. Quy định rõ tại thời điểm “khi làm giấy cam đoan” thì người nhận bảo lĩnh được giải thích liên quan đến việc thực hiện bảo lĩnh của cá nhân tại Khoản 3 Điều 103 BLTTHS 2001.

Thứ sáu, về trách nhiệm pháp lý. Tại Khoản 4 Điều 103 BLTTHS Liên Bang Nga quy định cụ thể nếu người nhận bảo lĩnh không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam đoan thì họ có thể bị phạt một khoản tiền tối đa 10.000 rúp theo thủ tục được quy định tại Điều 118 Bộ luật. Và trong trường hợp này, người bị tình nghi hoặc bị can có thể bị áp dụng BPNC nghiêm khắc hơn biện pháp bảo lĩnh.

Như vậy, qua việc nghiên cứu pháp luật TTHS Liên Bang Nga, có thể nhận thấy rằng, xuất phát từ việc cùng hệ thống pháp luật XHCN cũng như Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ pháp luật Liên Xô cũ nên BLTTHS 2015 của nước ta đang có nhiều điểm tương đồng với BLTTHS của Liên Bang Nga. Tuy nhiên, pháp luật TTHS nước Nga có nhiều điểm quy định tiến bộ mà Việt Nam nên học hỏi để hoàn thiện hơn pháp luật quốc gia. Đây là kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong việc nghiên cứu, tiếp thu để sửa đổi, bổ sung BLTTHS phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần tăng tính khả thi của các BPNC và đạt hiệu quả cao trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 30 - 33)