Chủ thể nhận bảo lĩnh

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 52 - 56)

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 121 BLTTHS 2015 thì chủ thể có thể nhận bảo lĩnh bao gồm cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, không phải phải cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng được nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo mà để được nhận bảo lĩnh thì những chủ thể này phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với chủ thể nhận bảo lĩnh là cá nhân

Nhận thức được tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của cá nhân nhận bảo lĩnh, với vai trò vừa là người “thay mặt” cơ quan THTT quản lý, trực tiếp giám sát người được bảo lĩnh, vừa là “đại diện” của bị can, bị cáo chịu trách nhiệm trước Nhà nước về những cam đoan trong thời gian được bảo lĩnh, BLTHHS 2015 đã kịp thời bổ sung các tiêu chuẩn về “năng lực” bắt buộc đối với chủ thể này để CQĐT, VKS, TA có thể xem xét áp dụng bảo lĩnh tại Khoản 2 Điều 121 như sau:

(i) Cá nhân nhận bảo lĩnh là người đủ 18 tuổi; (ii) Nhân thân tốt.

(iii) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;

(iv) Thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh. (v) Là người thân thích của bị can, bị cáo

Xét thấy, các điều kiện trên là hoàn toàn hợp lý. Cá nhân nhận bảo lĩnh bắt buộc phải là người đủ 18 tuổi - độ tuổi có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi, họ ý thức và nhận thức được vai trò của mình khi đăng ký nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo; có khả năng thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý liên quan đến việc bảo lĩnh cũng như tự chịu trách nhiệm trong trường hợp vi phạm quy định của luật. Việc cá nhân có nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật sẽ là tấm gương tốt để bị can, bị cáo noi theo và dễ “uốn nắn” lại khi đối tượng này có những suy nghĩ, tư tưởng “sai lệch” gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết VAHS. Bên cạnh đó, cá nhân này cần phải có thu nhập ổn định nhằm đảm bảo đủ chi phí và điều kiện để quản lý được thậm chí là quản lý tốt bị can, bị cáo trong thời gian được bảo lĩnh. Chi phí này bao gồm các chi phí về ăn uống, tư trang, khám chữa bệnh, học tập..v..v..còn điều kiện quản lý ở đây có thể hiểu là các điều kiện về: thời gian, không gian, sức khỏe, kinh tế, cơ sở vật chất, tinh thần..v..v..để giám sát, quản lý được bị can, bị cáo. Trong đó,

41

điều kiện về tinh thần đóng vai trò rất quan trọng, bởi nếu người nhận bảo lĩnh có những suy nghĩ tích cực, tinh thần thượng tôn pháp luật, lạc quan, vui vẻ cũng sẽ truyền năng lượng tích cực đến người được bảo lĩnh, giúp họ được củng cố mạnh mẽ về mặt tinh thần từ đó tạo ra môi trường lành mạnh giúp bị can, bị cáo chấp hành tốt quy định của luật. Còn ngược lại, nếu bị can, bị cáo được quản lý bởi những cá nhân có lối suy nghĩ và lối sống tiêu cực, không thường xuyên theo dõi sát sao, động viên người được bảo lĩnh thì khả năng cao họ sẽ thực hiện các hành vi bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, và người thân thích của những người này..v..v.. Bên cạnh các yêu cầu trên thì luật cũng đang quy định bắt buộc cá nhân nhận bảo lĩnh phải là người thân thích của bị can, bị cáo, và trong trường hợp này phải có ít nhất 02 người. Tại điểm e Khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 quy định rõ người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là những người có quan hệ sau:

- Là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;

- Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;

- Là cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột. Nhìn chung, người nhận bảo lĩnh và đối tượng được bảo lĩnh phải có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Họ có mối quan hệ khăng khít, gắn bó nên sẽ hiểu rõ tính cách, suy nghĩ của bị can, bị cáo hơn những chủ thể bên ngoài khác, có khả năng cao hơn cho việc đảm bảo bị can, bị cáo không vi phạm nghĩa vụ cam đoan. Hơn nữa, quy định số lượng tối thiểu nhận bảo lĩnh là 02 người giúp tăng hiệu quả của việc áp dụng BPNC này thay cho biện pháp tạm giam.

Tóm lại, mặc dù BLTTHS 2015 đã quy định về các điều kiện để cá nhân được nhận bảo lĩnh nhưng vẫn đang rất chung chung, quá mơ hồ. Điều này dẫn tới tồn tại nhiều cách hiểu và tranh cãi liên quan đến việc áp dụng trên thực tế như: các tiêu chí, tiêu chuẩn nào để được đánh giá là nhân thân tốt; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cụ thể là gì? mức thu nhập trung bình để được coi là ổn định là bao nhiêu, việc tính thu nhập ổn định này tính theo từng tháng hay trung bình từng năm, nhiều năm?..v..v.. Vì tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau như vậy nên những người, cơ quan có thẩm

42

quyền THTT xem xét các điều kiện này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, không có sự thống nhất giữa các địa phương trên phạm vi cả nước.

Thứ hai, với chủ thể nhận bảo lĩnh là cơ quan, tổ chức

Cùng với cá nhân, tổ chức thì BLTTHS 2015 tại Điều 121 bổ sung chủ thể “cơ quan” – nơi bị can, bị cáo học tập, làm việc được quyền đứng ra bảo lĩnh. Trong trường hợp này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ là người chịu trách nhiệm cam đoan trước CQTHTT để nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của cơ quan, tổ chức của mình, sau khi tham khảo ý kiến của tập thể tổ chức đó. Trong một số trường hợp thành viên của tổ chức đang thực hiện một công việc quan trọng liên quan đến chiến lược kinh doanh, tiến độ kinh doanh hoặc đang nghiên cứu một đề tài sáng chế, phát kiến làm lợi cho tổ chức, nhưng do vô ý, bất cẩn dẫn đến việc vi phạm pháp luật hình sự, mức độ tính chất gây nguy hại cho xã hội là không nguy hiểm lắm..v.v.. người đứng đầu tổ chức đó sẽ phải cân nhắc để nhận trách nhiệm bảo lĩnh cho thành viên đó, để họ có thể tiếp tục thực hiện công việc đang dở dang.

Mặc dù quy định bổ sung nhưng BLTTHS 2015 lại không đưa ra định nghĩa về cơ quan, tổ chức. Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015:

“Cơ quan, tổ chức bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.”28

Từ quy định này, có thể hiểu công ty, cơ quan nhà nước, mặt trận tổ quốc, hội liên hiệp hay những “đơn vị” được thành lập hợp pháp khác nơi bị can, bị cáo học tập, làm việc, công tác, là thành viên đều có thể được xem là chủ thể được quyền nhận bảo lĩnh.

Nếu như BLTTHS 2015 kịp thời bổ sung những điều kiện dành riêng cho chủ thể là cá nhân thì tiêu chuẩn, điều kiện và thủ tục đối với cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh lại không quy định và chưa được hướng dẫn cụ thể. Do vậy, việc có thể lựa chọn được một cơ quan, tổ chức có đủ tư cách, bảo đảm được việc thực hiện các nghĩa vụ đã cam đoan là điều rất khó bởi bản thân các cơ quan THTT không biết dựa vào những tiêu chuẩn nào để chấp nhận hay từ chối đơn xin nhận bảo lĩnh của các cơ quan, tổ chức. Đây là điểm thiếu sót lớn, do đó, tác giả cho rằng bổ sung quy định điều kiện

43

cụ thể nhận bảo lĩnh của các cơ quan tổ chức là việc hết sức cần thiết và cấp bách để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ khi nhận bảo lĩnh đồng thời tránh tình trạng lúng túng khi áp dụng trên thực tế.

Trách nhiệm pháp lý của chủ thể nhận bảo lĩnh

Đây là một trong những nội dung hoàn toàn mới BLTTHS 2015 khi ghi nhận rõ trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể nhận bảo lĩnh trong trường hợp vi phạm tại Khoản 6 Điều 121 như sau:“Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật”29. Như vậy, hình phạt mà chủ thể nhận bảo lĩnh phải gánh chịu cụ thể là phạt tiền.

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “vi phạm các quy định về việc chấp hành biện pháp ngăn chặn: bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm hoặc có các hành vi vi phạm các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của pháp luật”30. Như vậy, nếu bị can, bị cáo được bảo lĩnh thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm nghĩa vụ cam đoan tại Khoản 3 Điều 121 BLTTHS 2015 thì đương nhiên sẽ bị tạm giam và hình phạt áp dụng đối với các chủ thể nhận bảo lĩnh là “phạt tiền” dựa trên cơ sở là “tính chất” và “mức độ” của hành vi vi phạm, hiện tại không có quy định xử lý hình sự đối với trường hợp này. Việc quy định rõ hình thức xử phạt hành chính như trên là hoàn toàn thỏa đáng, thể hiện sự răn đe của Nhà nước đối với chủ thể này và phòng ngừa vi phạm có thể xảy ra. Tuy nhiên, mức xử phạt như trên được đánh giá là chưa đủ cân bằng với hậu quả do hành vi vi phạm của bị can, bị cáo và chủ thể nhận bảo lĩnh gây ra, vì thực tế nếu như đối tượng được bảo lĩnh tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm thì sẽ tổn thất lớn về nhiều mặt, gây thiệt hại cho xã hội, cản trở và làm kéo dài quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Do vậy, phải chăng nên nâng mức hình phạt trong trường hợp này hoặc quy định hình thức xử phạt khác nghiêm khắc hơn như xử lý hình sự

29 Khoản 6 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

30 Điểm a Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

44

để đảm bảo sự chấp hành BPNC này và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 52 - 56)