Căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 40 - 43)

Để áp dụng biện pháp bảo lĩnh một cách đúng đắn, hiệu quả thì việc xác định rõ căn cứ một cách khách quan, chính xác đóng vai trò là nhân tố quyết định. Căn cứ áp dụng có thể hiểu là cơ sở pháp lý, tiền đề để các chủ thể có thẩm quyền THTT dựa vào, xem xét lựa chọn và đưa ra các quyết định tố tụng liên quan. Nói cách khác, các căn cứ áp dụng chính là đáp án cho câu hỏi: dựa vào đâu để có thể áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo. BLTTHS 2015 quy định căn cứ riêng để áp dụng biện pháp bảo lĩnh tại Khoản 1 Điều 121, cụ thể như sau:

Thứ nhất, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

Pháp luật hiện hành không có bất kỳ định nghĩa như thế nào là tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà hành vi nguy hiểm cho xã hội đang là nội dung thể hiện khái niệm về tội phạm được quy định tại Điều 8 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và đồng thời, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là căn cứ để phân chia tội phạm thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng

Theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 “tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”22 và “tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù”23. Hai loại tội phạm này đều là những tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi thấp, ít nguy hại và thiệt hại gây ra không quá lớn cho con người, xã hội. Trong quá trình giải quyết VAHS, đa phần các chủ thể có thẩm

22 Khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

29

quyền THTT sẽ áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với các đối tượng thuộc hai loại tội phạm trên và phạm tội lần đầu. Tuy nhiên, không phải tất cả các bị can, bị cáo thuộc những trường hợp này đều được áp dụng bảo lĩnh theo quy định, bởi nếu họ là những người: không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm..v..v.. thì lúc này, việc áp dụng bảo lĩnh là không phù hợp và không thể thực hiện được. Việc giao bị can, bị cáo cho địa phương hay gia đình, cơ quan, tổ chức quản lý trong thời gian bảo lĩnh sẽ mang rủi ro lớn vì rất khó để theo dõi hay quản lý sát sao các đối tượng, điều này làm cho quá trình giải quyết VAHS gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong những tình huống này cần phải dùng đến một BPNC ngăn chặn có tính chất nghiêm khắc hơn, đó là biện pháp tạm giam. Đây cũng chính là một trong những căn cứ áp dụng riêng đối với BPNC tạm giam được quy định tại Khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015.

- Về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của tội phạm nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015, “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù”24 và “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”25. Và theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 BLTTHS 2015, nếu bị can, bị cáo là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì người có thẩm quyền THTT có thể áp dụng biện pháp tạm giam ngay mà không cần bất kỳ căn cứ nào khác. Điều này cho thấy, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của bị can, bị cáo trên cho xã hội là rất lớn, nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đến mức mà hình phạt cao nhất tương ứng với hành vi phạm tội có thể là tử hình nhằm đảm bảo được tính răn đe của pháp luật cũng như yếu tố giáo dục. Do đó, nếu áp dụng biện pháp bảo lĩnh cho các đối tượng này sẽ không đạt được mục đích ngăn chặn mà phải

24 Khoản 3 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

30

cần áp dụng BPNC nghiêm khắc nhất để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội.

Thông thường, việc xem xét, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để có thể áp dụng biện pháp bảo lĩnh thể hiện qua những yếu tố như:

(i) Lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội; phương tiện phạm tội; thủ đoạn phạm tội; thời gian và địa điểm phạm tội; khách thể xâm hại… (ii) Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra bao gồm hậu quả thiệt hại về tính

mạng, sức khoẻ, tài sản và hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội).

(iii) Trong trường hợp nếu là có đồng phạm cần xem xét tính chất của đồng phạm có ít người hay có nhiều người tham gia; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người trong đồng phạm để cá thể hoá trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức cần xem xét, cân nhắc tính chất của tổ chức có ít người hay có nhiều người tham gia; mức độ cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm; xem xét, cân nhắc vị trí, vai trò của từng người khi thực hiện tội phạm để cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

Nhìn chung, đối với căn cứ thứ nhất “tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi” đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, xem xét kỹ càng hơn khi kết hợp với các căn cứ luật định còn lại để lựa chọn và sử dụng BPNC phù hợp. Pháp luật TTHS hiện hành chỉ quy định căn cứ này một cách rất chung chung, không đưa ra hướng dẫn căn cứ đang được đề cập cụ thể là gì hay dựa vào cơ sở nào để xác định. Việc quy định như vậy là rất khó để triển khai thi hành trong thực tiễn dẫn đến việc áp dụng biện pháp này là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chỉ chủ quan của những người, cơ quan có thẩm quyền THTT.

Thứ hai, căn cứ vào nhân thân của bị can, bị cáo

Nhân thân người phạm tội được hiểu là tổng hợp các đặc điểm thuộc về cá nhân của người thực hiện tội phạm, thường được thể hiện trong lý lịch và các tài liệu khác có liên quan đến bị can, bị cáo. Những đặc điểm này là những đặc điểm mang tính

31

đặc trưng, phổ biến điển hình và có vai trò quan trọng trong cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội, ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hành vi của người phạm tội, bao gồm nhưng không giới hạn: tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự..v..v..

Những thông tin về đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ công tác giải quyết VAHS, là cơ cơ cho việc xác định TNHS của bị can, bị cáo và cũng là căn cứ cho hầu hết các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 mới chỉ quy định một cách chung chung “căn cứ vào nhân thân của bị can, bị cao” mà không đưa ra định nghĩa hay có bất kỳ hướng dẫn nào về việc các cơ quan THTT sẽ đánh giá về nhân thân của bị can, bị cáo dựa trên những tiêu chí nào. Mặc dù vướng mắc như vậy nhưng trên thực tiễn giải quyết VAHS thì CQĐT, VKS, TA hầu hết đều dựa trên các đặc điểm nhân thân tốt như: bị can, bị cáo phạm tội lần đầu, có lý lịch, nơi cư trú rõ ràng, có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động bồi thường thiệt hại, người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ, người già, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người phạm tội là lao động chính duy nhất trong gia đình..v..v..để áp dụng biện pháp bảo lĩnh và đạt được những kết quả khả quan nhất định. Tác giả cho rằng, nhà làm luật cần sớm hoàn thiện những bất cập nêu trên nhằm sớm đưa hoạt động này vào nền nếp, thống nhất nhằm đạt hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ ba, bị can, bị cáo phải thuộc trường hợp có thể áp dụng biện pháp tạm giam.

Căn cứ này không được quy định cụ thể trong BLTTHS 2015 nhưng xuất phát từ chính bản chất pháp lý của các BPNC thay thế biện pháp tạm giam như bảo lĩnh hay đặt tiền để bảo đảm thì đây cũng được xem là một trong những căn cứ để áp dụng. Cụ thể hơn, chỉ khi nào bị can, bị cáo thuộc những trường hợp bị tạm giam thì mới xem xét việc áp dụng các biện pháp bảo lĩnh, nếu họ thuộc các trường hợp không bị tạm giam thì đương nhiên không xem xét biện pháp này để được tại ngoại.

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 40 - 43)