Đối tượng áp dụng biện pháp bảo lĩnh

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 50 - 52)

Khoản 1 Điều 121 BLTTHS 2015 quy định đối tượng áp dụng biện pháp bảo lĩnh bao gồm bị can - người bị khởi tố về hình sự và bị cáo - người đã bị TA quyết định đưa ra xét xử. Pháp luật hiện hành không quy định về các trường hợp không được bảo lĩnh cũng như không có sự giới hạn về loại tội phạm, quốc tịch (người nước ngoài hay người Việt Nam, có quốc tịch hay không có quốc tịch)..v..v.. của những đối tượng này. Do đó, tất cả các bị can, bị cáo thuộc trường hợp có thể áp dụng biện pháp tạm giam hoặc đang bị tạm giam thì đều được cơ quan THTT xem xét áp dụng biện pháp bảo lĩnh, nếu đáp ứng đúng và đầy đủ các điều kiện luật định. Quy định như trên một mặt thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước, sự tôn trọng và công bằng của pháp luật đối với mọi đối tượng phạm tội, nhưng mặt khác lại bộc lộ khuyết điểm từ việc chỉ quy định một cách chung chung về đối tượng được bảo lĩnh khi một lần nữa, bên cạnh căn cứ áp dụng thì việc xem xét, đánh giá bị can, bị cáo là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan, kinh nghiệm thực tiễn của các chủ thể có thẩm quyền.

Một điểm đáng lưu ý trong trong quy định về đối tượng được bảo lĩnh chính là trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên - một chủ thể đặc biệt trong pháp luật hình sự và pháp luật TTHS. Đặc biệt bởi vì nhóm đối tượng này là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, họ đang ở lứa tuổi mà khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bị hạn chế, dễ bị tổn thương và dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan khác. BLTTHS 2015 đã dành riêng 01 chương độc lập quy định về thủ tục và hoạt động tố tụng đối với nhóm chủ thể này. Đối với việc áp dụng BPNC, tại Điều 419 BLTTHS 2015 đã khẳng định rất rõ “chỉ áp dụng các BPNC, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết”. Bên cạnh đó, để bảo vệ tối đa cho người chưa thành niên, BLTTHS 2015 còn quy định thêm điều kiện và phân công người có thẩm quyền THTT giải quyết VAHS có người dưới 18 tuổi tại Điều 415.

39

Về vấn đề áp dụng BPNC, bên cạnh BLTTHS 2015 thì tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi đã có những hướng dẫn cụ thể hơn trong triển khai thi hành. Theo đó, biện pháp bảo lĩnh được áp dụng trong trường hợp: “sau khi quyết định tạm giam bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi mà có đủ căn cứ áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần thay thế ngay biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm”27. Bên cạnh đó, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của bị can, bị cáo, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công THTT đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có ít nhất một trong các điều kiện quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 5 như: có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi; đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Đồng thời, Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.

Xét thấy, quy định biện pháp bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội đã cho thấy sự mềm dẻo, linh hoạt của luật pháp giúp những đối tượng này không bị cách ly khỏi xã hội mà đặt họ trong sự giáo dục, quản lý và giúp đỡ từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó phát huy tối đa vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tham gia vào quá trình tố tụng. Xét ở góc độ khác thì việc cơ quan THTT áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với người chưa thành niên phạm tội cho thấy sự “tin tưởng” của Nhà nước, của cộng đồng đối với nhóm đối tượng này và cũng là “cơ hội” để các em thể hiện trách nhiệm đối với chính bản thân mình thông qua việc chấp hành quy định của nhà nước trong thời gian được bảo lĩnh.

27 Khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

40

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo lĩnh theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 50 - 52)