Nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chất lượng tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh huyện cần đước, tỉnh long an (Trang 33 - 35)

6. Kết cấu của luận văn

1.3.3.1. Nhân tố khách quan

* Nhóm nhân tố môi trường vĩ mô

- Môi trường pháp lý – chính sách của Đảng, Nhà nước

Hoạt động ngân hàng nói riêng cũng như hoạt động của nền kinh tế nói chung muốn có hiệu quả thì cần phải có hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ kèm theo hỗ trợ.

Mặt khác, sự vật và hiện tượng thường xuyên biến đổi nên cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường, đòi hỏi hệ thống pháp lý cũng phải thường xuyên được rà soát để bổ sung, điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. Hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, liên quan đến hoạt động tín dụng tại ngân hàng thương mại nói riêng nếu đảm bảo đầy đủ, đồng bộ và tương đối ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho hoạt động tín dụng ngân hàng và ngược lại.

- Môi trường kinh tế - xã hội

Một nền kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng. Những biến cố như suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế đều ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động tín dụng tại ngân hàng thương mại.

Kinh tế phát triển ổn định, nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh tăng nên nhu cầu vay ngân hàng tăng để đáp ứng nhu cầu vốn tạm thời thiếu hụt và khả năng trả nợ của khách hàng sẽ tốt hơn, rủi ro ít hơn, chất lượng tín dụng tại ngân hàng thương mại sẽ được đảm bảo hơn và ngược lại.

Tương tự, nếu lạm phát ở con số quá cao, đồng tiền mất giá, thu nhập danh nghĩa từ hoạt động tín dụng sẽ lớn hơn giá trị thực, cả người sản xuất kinh doanh lẫn ngân hàng đều bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu và chất lượng tín dụng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.

- Đối thủ cạnh tranh của ngân hàng cho vay

Trong nền kinh tế thị trường bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng đối mặt với cạnh tranh. Hoạt động kinh doanh nói chung hay hoạt động tín dụng của NHTM nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật này. Cạnh tranh sẽ buộc các ngân hàng phải đối mặt với việc mở rộng tín dụng khó khăn hơn, thị phần sẽ bị ảnh hưởng, chi phí cho hoạt động tín dụng như: tiếp thị, quảng cáo, nhân sự sẽ tăng cao dẫn đến hiệu quả hoạt động tín dụng giảm sút. Nếu ngân hàng không có các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ rất khó tiếp cận các khách hàng tốt và khó có thể nâng cao CLTD.

- Nhân tố khác

Các tác động tiêu cực của môi trường thiên nhiên như lũ lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế… cũng dẫn đến các biến động của thị trường trong và ngoài nước và điều này cũng tác động đến hoạt động của ngân hàng mà trong đó có hoạt động tín dụng.

Tóm lại, hoạt động cho vay chịu tác động rất lớn từ môi trường, bao gồm cả môi trường kinh tế, môi trường pháp lý, môi trường tự nhiên, môi trường chính trị - xã hội. Chất lượng cho vay không chỉ được quyết định bởi bản thân ngân hàng mà còn phụ thuộc khá lớn vào khách hàng và những yếu tố từ môi trường. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cho vay của các NHTM phải có sự phối hợp tổng thể, chặt chẽ từ tất cả các phía.

* Nhóm nhân tố thuộc về khách hàng - Đạo đức của khách hàng

Nguyên tắc tín nhiệm trong quan hệ tín dụng sẽ bị phá bỏ nếu vấn đề đạo đức của khách hàng (khi khách hàng cố tình vi phạm các cam kết với ngân hàng) và các ràng buộc chưa được ngân hàng quan tâm đúng mức dẫn đến việc phát sinh các khoản nợ xấu cho ngân hàng.

- Phương án kinh doanh của khách hàng

Bản chất của kinh doanh luôn ẩn chứa các rủi ro do chủ quan hay một số nguyên nhân không thể kiểm soát được. Khi các phương án kinh doanh được ngân hàng tài trợ gặp khó khăn thì khả năng trả nợ ngân hàng bị đe dọa. Khó khăn tạm thời về dòng tiền của khách hàng làm chậm trễ kỳ thanh toán sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thanh khoản của ngân hàng. Trầm trọng hơn, khi kinh doanh bị mất vốn, khách hàng không trả được nợ gây ra các khoản nợ khó đòi của ngân hàng.

- Năng lực và kinh nghiệm quản lý điều hành của khách hàng

Ngân hàng thường đưa ra điều kiện tín dụng để đảm bảo cho khả năng thu hồi vốn của ngân hàng, thể hiện qua trên các mặt sau:

* Năng lực thị trường của khách hàng: Đó là vị thế của khách hàng trên thị trường, hệ thống mạng lưới phân phối, chất lượng sản phẩm…

* Năng lực quản lý của khách hàng: ngoài việc quản lý tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì việc xây dựng được một đội ngũ cán bộ đoàn kết, yêu công việc, yêu công ty. Để có được điều này doanh nghiệp cần một chính sách thu nhập hợp lý và môi trường làm việc tốt cho người lao động.

* Khả năng về tài chính của khách hàng: tài chính của khách hàng lành mạnh sẽ thúc đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước hay trả gốc và lãi vay cho ngân hàng đầy đủ, đúng hạn một phần phản ánh được năng lực tài chính của khách hàng.

Tóm lại, khách hàng vay có năng lực và kinh nghiệm quản lý điều hành hoạt động kinh doanh, thì rủi ro tín dụng thấp, chất lượng tín dụng được nâng cao và ngược lại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chất lượng tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh huyện cần đước, tỉnh long an (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)