Về sự nghiệp sáng tác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhan đề thơ chế lan viên (Trang 31 - 33)

Chế Lan Viên bắt đầu làm thơ từ rất sớm khi ông mới 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, ông cho xuất bản tập thơ đầu tay Điêu tàn (1937) với bút danh Chế Lan Viên. Điêu tàn đã gây được sự chú ý của giới văn học đương thời và báo hiệu một hồn thơ mạnh mẽ. Điêu tàn chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp, nhất là Bôđơle, khai thác những hình ảnh về vương quốc Chiêm Thành đã tàn vong, tập thơ dựng lên một thế giới đầy kinh dị với quan niệm “Làm

28

thơ là sự phi thường” để chối từ thực tại và chìm sâu vào những băn khoăn siêu hình về “cái tôi” và bản thể.

Sau Điêu tàn, nhà thơ Chế Lan Viên lại chịu ảnh hưởng quan niệm thơ của Valêri (P. Valéry, 1871 – 1945), đề cao vai trò trí tuệ trong thơ. Những bài thơ sáng tác trong khoảng 1937 – 1942 được tập hợp trong Tập thơ không tên về sau được in với tên Sau Điêu tàn. Chế Lan viên còn cho in tập văn xuôi triết lí Vàng sao (1942), sau đó hầu như không sáng tác nữa cho tới những năm sau 1945. Sau 1945, ông tiếp tục cho ra tập thơ Gửi các anh (1950 – 1959).

Năm 1960, tập thơ Ánh sáng và phù sa ra đời đánh dấu thành công quan trọng của Chế Lan Viên trên hành trình thơ từ sau Cách mạng tháng Tám.

Những năm kháng chiến chống Mĩ, thơ ông chuyển mạnh sang hướng chính luận – thời sự. Bám sát cuộc chiến đấu và khai thác các chủ đề chính trị, thơ Chế Lan Viên ca ngợi Tổ quốc và dân tộc, nói về những chiến công và phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam đương đại, thể hiện ý thức về sứ mệnh của thơ ca trong cuộc đấu tranh chung. Thơ của ông trong thời kì này được tập hợp trong các tập: Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hái theo mùa (1977), …

Sau 1975, thơ Chế Lan Viên lại trở về với những suy tư giàu tính triết lí về con người. Các tập thơ tiêu biểu như: Hoa trên đá (1984), Ta gửi cho mình (1986).

Chế Lan Viên còn viết bút kí, tùy bút. Tác phẩm tiêu biểu: Thăm Trung Quốc (1963), Những ngày nổi giận (1967), Giờ của số thành (1977).

Chế Lan Viên còn được biết đến là cây bút bình luận văn học đáng chú ý với các tập Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1971), Bay theo đường dân tộc đang bay (1976), Nghĩ cạnh dòng thơ (1981), Từ gác Khuê

29

Văn đến quán Trung Tân (1981), Ngoại vi thơ (1987); cả những câu chuyện trao đổi về nghề văn với bút danh Chàng Văn (Nói chuyện văn thơ, Vào nghề).

Ngoài ra, Chế Lan Viên còn để lại một di cảo khá lớn sau khi qua đời. Ba tập Di cảo thơ đã in thành sách. Ngoài một phần nhỏ các bài đã đăng báo trước khi mất, phần lớn thơ trong ba tập này đều được ông viết trong những năm cuối đời và chưa công bố, trong đó có nhiều tác phẩm mới ở dạng phác thảo, chưa được sửa chữa hoàn chỉnh.

Sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên đã khẳng định ông là một trong số không nhiều nhà thơ nổi tiếng nhất của phong trào Thơ mới 1930 – 1945 và sau 1945 ông vẫn được xem là một nhà thơ có vai trò mở đường và dẫn đường cho thơ ca cách mạng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhan đề thơ chế lan viên (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)