Nhan đề được cấu tạo bởi một cấu trúc cú pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhan đề thơ chế lan viên (Trang 77 - 81)

Thuật ngữ “cấu trúc cú pháp” là một cách gọi hình thức cấu tạo của một câu. Hiện nay, có nhiều quan niệm về câu và phân loại câu theo cấu trúc cú pháp trong tiếng Việt. Về định nghĩa câu có các quan niệm như:

Tác giả Nguyễn Thị Ly Kha: “Câu là đơn vị lời nói có cấu tạo ngữ pháp nhất định, mang một ý nghĩa tương đối trọn vẹn, giúp hình thành và biểu hiện, truyền đạt tư tưởng, tình cảm. Câu đồng thời là đơn vị lời nói nhỏ nhất có chức năng thông báo” [28, 146].

Tác giả Đỗ Thị Kim Liên: “Câu là đơn vị dùng từ đặt ra trong quá trình suy nghĩ, được gắn với ngữ cảnh nhất định nhằm mục đích thông báo hay thể hiện thái độ đánh giá. Câu có cấu tạo ngữ pháp độc lập, có ngữ điệu kết thúc” [32, 101].

Về mặt cấu trúc cú pháp, tác giả Đỗ Thị Kim Liên phân chia như sau: câu đơn và câu ghép.

74

Câu đơn là loại câu có hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ gắn bó chặt chẽ với nhau thông qua mối quan hệ ngữ pháp C – V và tạo nên một chỉnh thể thống nhất (Ta quen gọi là nòng cốt)” [32, 118]

Ví dụ: Nhà này / làm bằng gỗ. (C – V)

Câu ghép gồm hai hoặc hơn hai kết cấu C – V (hoặc hai trung tâm vị ngữ tính) trở lên, trong đó C – V này không bao hàm C – V kia. Giữa chúng luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ thành một thể thống nhất về ý nghĩa.

Ví dụ: Trống / đánh xuôi, kèn / thổi ngược. (C – V, C – V)” [32, 124] Ở luận văn này, chúng tôi dựa vào định nghĩa và cách phân loại câu theo cấu trúc của Đỗ Thị Kim Liên để làm cơ sở triển khai đề tài.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy nhan đề được cấu tạo bởi một cấu trúc cú pháp chiếm số lượng là 118/916 bài (tỉ lệ 12,88%). Tỉ lệ này thấp hơn so với nhan đề là cụm từ. Trong tổng số 118 nhan đề là cấu trúc cú pháp, kiểu cấu trúc câu đơn là nhiều nhất: 116/118 (98,3%), kiểu cấu trúc câu ghép chỉ 2/118 (1,7%). Phân tích cấu trúc cú pháp của những câu đơn này, chúng tôi nhận thấy:

Đa số câu đơn không có thành phần phụ như trạng ngữ, chú thích, đề ngữ. Loại này chiếm 47/118 bài (39,83%), chẳng hạn: Thơ đã mất trinh, Mắt anh đã thấy cả rồi, Cờ đỏ mọc trên quê mẹ,…

Kiểu cấu trúc câu đơn được nhà thơ rút gọn tối giản chủ ngữ còn 1 từ và vị ngữ cũng là 1 từ, không có bổ ngữ hay định ngữ. Loại này chiếm 9/118 bài (7,63%), chẳng hạn: Xuân / về, Thu / về, Tàu / đến, Tàu / đi, Bé Thắm/ đàn, Chim / về,…

75

Đặc biệt, kiểu cấu trúc câu đơn đặc biệt, câu lượt hoặc ẩn chủ ngữ chiếm số lượng rất nhiều 60/118 bài (50,85%), chẳng hạn: Ngủ yên đồng chí nhé, Nhớ lấy để trả thù, Chớ hái hoa trong bệnh viện, Khi đã có hướng rồi,…

Từ kết quả khảo sát trên, chúng tôi nhận thấy trong nhan đề thơ Chế Lan Viên có nhiều kiểu câu giàu màu sắc phong cách và giàu màu sắc tu từ: câu đơn đặc biệt, câu lược chủ ngữ hoặc ẩn chủ ngữ. Điều này cũng dễ hiểu, không giống với câu trong các loại văn bản khác sử dụng đa dạng các kiểu câu, văn bản văn chương sử dụng tập trung những kiểu câu nhất định tùy thuộc vào phong cách tác giả, tùy thuộc vào nội dung thể hiện và đặc trưng thể loại. Đặc điểm nổi bật nhất của nhan đề là tính ngắn gọn, hàm súc cô đọng nên nhan đề dù là một cấu trúc cú pháp cũng phải được rút ngắn đến mức tối đa có thể. Chính vì vậy, kiểu cấu trúc câu đơn được nhà thơ lựa chọn nhiều hơn.

Trong số những câu đơn mà chúng tôi thống kê được, có không ít câu đơn nếu xét về mục đích phát ngôn thì nó là câu hỏi. Chúng tôi gọi trường hợp này là câu đơn có nội dung “hỏi”. Chẳng hạn: Ta là ai?, Từ đâu?, Kỉ niệm có gì?, Làm sao?, Làm sao anh thoát lí được nó?, Kêu làm chi? Cần gì?, Bể thiếu gì?, Bống của ai?, Cho gì? Có kịp không?, Ai đọc nữa đâu?... Mặc dù không phải là kiểu câu xét về mặt cấu trúc, nhưng những câu đơn có nội dung hỏi trong nhan đề thơ Chế Lan Viên cần được xem xét như một trường hợp đặc biệt trong phần nghiên cứu này. Câu hỏi là câu dùng để thể hiện sự nghi vấn của người nói về một vấn đề nào đó và mong muốn người nghe đáp lời. Trong thực tế, câu hỏi chủ yếu dùng để hỏi người và có khi hỏi chính mình, đôi khi không dùng để hỏi mà còn nhằm mục đích khác như cảm thán, cầu khiến. Thông thường, câu nghi vấn có dấu chấm hỏi (?) ở cuối câu. Ví dụ: Anh đến đây lúc nào? Trong thơ ca, câu hỏi được nhà thơ sử dụng như một phương thức tu từ đặc biệt và mang lại hiệu quả nghệ thuật cao, được gọi

76

là câu hỏi tu từ. Câu hỏi tu từ chủ yếu nhằm khẳng định một ý kiến nào đó chứ không phải để nghe người khác trả lời. Ví dụ:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

(Trích Chân quê – Nguyễn Bính)

Những câu hỏi trong đoạn thơ của Nguyễn Bính không chỉ là câu hỏi “đâu rồi” những hình ảnh thể hiện nét đẹp truyền thống ở “em”: “cái yếm lụa sồi”, “ cái dây lưng đũi”, “ cái áo tứ thân”, “ cái khăn mỏ quạ”, “cái quần nái đen”, mà còn nhằm nhấn mạnh sự thay đổi của “em”, nhấn mạnh sự nuối tiếc, muốn níu kéo những nét đẹp truyền thống, sự thân thuộc, giản dị của “em” dù không thể thay đổi được.

Những nhan đề là câu hỏi trong thơ Chế Lan Viên cũng mang lại những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Nó có tác dụng chuyển đổi tình thái, làm tăng tính truyền cảm và đặc biệt là tăng tính gợi liên tưởng ở người đọc. “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng ?” là một trong những nhan đề như thế. Trước hết là đối tượng hỏi. Câu hỏi này không có đối tượng hướng đến một cách cụ thể. Vậy nhà thơ hỏi ai? Không có đối tượng cụ thể, như vậy đối tượng hỏi rất rộng, là tất cả những ai là người của Tổ quốc Việt Nam này trong đó có chính nhà thơ – người hỏi. Thứ hai, cụm từ “bao giờ đẹp thế này chăng” mang hàm nghĩa là chẳng bao giờ đẹp như thế này cả. Nghĩa là bây giờ là đẹp nhất rồi: “Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả/Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!”. Và trên hết, nhan đề này hỏi là để khẳng định thời điểm đẹp đẽ nhất, huy hoàng nhất của đất nước trong 4000 năm lịch sử là thời điểm này: thời đại kháng chiến chống Mĩ, thời đại nhà thơ đang sống, làm thơ và chiến đấu vì lí tưởng Cộng sản. Câu hỏi nhan đề “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này

77

chăng ?” được lặp lại ở đầu bài thơ một lần nữa. Cả hai lần xuất hiện, nó đều mang giọng điệu tự hào, âm hưởng hùng tráng bởi nó được cất lên từ một tâm hồn có tình yêu nước dạt dào, một tinh thần dân tộc mạnh mẽ và một hồn thơ say mê với lí tưởng cách mạng. Nhan đề là một câu hỏi và câu trả lời chính là cả bài thơ. Thực ra nó là cái cớ để nhà thơ bộc lộ cảm xúc của mình trước đối tượng, trước hình tượng thơ. “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” là cái cớ để nhà thơ bày tỏ lòng mình với Tổ quốc. Và vì vậy, nhan đề còn có tác dụng là khơi gợi trí tìm tòi, thu hút người đọc, gợi sự liên tưởng của người đọc. Muốn giải mã những liên tưởng, tưởng tượng ấy, người đọc tất phải đọc ngay và đọc hết bài thơ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhan đề thơ chế lan viên (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)