5. Kết cấu của đề tài
3.3.2. Các yếu tố khách quan
- Các chính sách pháp luật về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Hệ thống văn bản pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta tương đối toàn diện và phong phú, đã được luật hóa nhiều quy định quan trọng, bao gồm các lĩnh vực như an toàn sức khoẻ cộng đồng, quy định về kiểm dịch động thực vật, hệ thống quy định về kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm. Trong đó, Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 là văn bản pháp lý cao nhất quy định nội dung quản lý, thực hiện quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với các văn bản theo hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm, nhiều văn bản luật, pháp lệnh có liên quan đến công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng đã được ban hành như: Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Hình sự, Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ thực vật,…và hàng loạt các văn bản dưới luật cũng được ban hành. Bên cạnh đó, nước ta cũng đã xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn về thực phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng như kiểm soát an toàn thực phẩm. Ngoài ra, pháp luật an toàn thực phẩm nói chung đã có một bước tiến vượt bậc trong việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ ngành đối với hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trên thị trường. Trên cơ sở phân công phân cấp cho các lực lượng chức năng, ban ngành, tạo được sức mạnh tổng hợp trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Các văn bản nói trên đã tạo hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh đó, hệ thống các quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm còn quá nhiều, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Trong các văn bản quy phạm pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn chưa cao, cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn áp dụng. Ví dụ như theo quy định tại Điều 6, Luật An toàn thực phẩm, việc xử lý hành vi vi phạm
pháp luật về an toàn thực phẩm quy định có 02 biện pháp xử lý: xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự, nhưng trong thực tế chưa có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền trong việc quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Điều 5 Luật An toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tính ổn định của một số văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát an toàn thực phẩm chưa cao. Có những văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Sự thiếu ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật đó đã gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh thực phẩm cũng như công tác kiểm soát an toàn thực phẩm của các cơ quan nhà nước.
- Yếu tố thông tin quản lý: xác định đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nên thành phố Thái Nguyên đã liên tục chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố, Ban Chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm ở 32 xã, phường trên địa bàn thành phố thường xuyên cập nhật các thông tin biến động về các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn để kịp thời có những giải pháp chấn chỉnh, quản lý. Đặc biệt đối với những thông tin do tổ chức, cá nhân phản ánh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, thành phố Thái Nguyên đều giao cơ quan, đơn vị liên quan xác minh để kịp thời xử lý.
- Yếu tố truyền thông: công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức “Tháng hành động” về an toàn thực phẩm hàng năm; trong giai đoạn 2017-2019, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã tổ chức được 210 buổi nói chuyện có lồng ghép nội dung tuyền truyền về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với 16.230 lượt người tham dự; đã tổ chức được 12 lớp tập huấn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với 1.216 lượt người tham dự; tổ chức được 94 hội thảo có chủ đề liên qua đến nội dung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
với 8.200 lượt người tham dự…Tuy nhiên, hạn chế của công tác này là hiệu quả mang lại chưa cao, chưa xây dựng được ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, cũng như thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân còn rất hạn chế.