5. Kết cấu của đề tài
3.2.1. Thực hiện Đề án phát triển cây chè giai đoạn 2015-2020
Những năm qua, công tác quy hoạch trồng, sản xuất, tiêu thụ và phát triển chè được Đảng bộ, chính quyền huyện Tam Đường quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2019 đạt 1.493,9 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 1.123 ha. Đẩy mạnh thâm canh các vùng chè tập trung đã đưa năng suất từ 51,4 tạ/ha năm 2015 lên 63,9 tạ/ha năm 2019, sản lượng năm 2019 đạt 7.175 tấn, tăng 3.239 tấn so với năm 2015. Thu nhập của nhiều hộ trồng chè đạt trên 80 triệu đồng/năm. Giai đoạn 2015-2020, tiếp tục xác định chè là cây trồng chủ lực giúp nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng bộ, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao.
Tam Đường, vùng đất nổi tiếng với nhiều loại chè ngon như: Ô Long xanh, Kim Tuyên, Sencha… Những năm qua, huyện đã chỉ đạo tiến hành rà soát, căn cứ vào nhu cầu của nhân dân, định hướng phát triển sản xuất theo hướng tập trung; bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện quy hoạch vùng chè. Đầu tư phát triển vùng chè chất lượng cao đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thay đổi tập quán canh tác của người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Giờ đây, cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình để giảm nghèo và làm giàu.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống, huyện đã trồng mới 300ha chè tập trung, trong đó, xã Bản Bo: 200ha, Nà Tăm: 50ha, Sơn Bình: 50ha (Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 02/11/2015 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao, giai đoạn 2015-2020). Đồng thời khuyến khích người dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh bằng các biện pháp như: Áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè và hiệu quả kinh tế. Cải tạo diện tích chè già cỗi còn đảm bảo mật độ bằng các biện pháp như: Đốn tạo tán, đốn đau, đốn trẻ lại, làm sạch cỏ dại, cày sâu, đầu tư phân bón để tái tạo năng suất. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp chế biến chè thông qua hợp đồng hợp tác giữa các nhà máy chế biến với nông dân trong vùng nguyên liệu.
Cùng với đó, xây dựng 34 km đường phục vụ sản xuất trên diện tích chè trồng mới, diện tích chè thâm canh nhưng chưa có đường. Tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B. Xây dựng mô hình công nghệ thâm canh cao, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, kết hợp với hệ thống tưới, tạo sản phẩm chè hái vụ đông xuân; được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
Để đạt được những thành tích trên là do trong thời gian qua huyện đã quan tâm một số nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền vận động Nhân dân về chủ trương phát triến chè của huyện; trồng và chăm sóc chè theo đúng quy trình kỹ thuật và thâm canh chè theo hướng chè sạch; tiếp tục mở rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; tham gia ký hợp đồng với doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi trong vùng nguyên liệu. Chủ động sản xuất giống chè chất lượng cao tại địa phương. Đổi mới công nghệ chế biến, đặc biệt là công nghệ chế biến chè xanh cao cấp, chè Ô long, chè Sencha... Đồng thời, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn, tăng cường công tác khuyến nông và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, hướng dẫn cho nông dân đầu tư, thâm canh, trồng chăm sóc, thu hái và sản xuất chè theo hướng an toàn, sạch.Với những giải pháp cụ thể, tin rằng chè Tam Đường sẽ có hướng đi đúng, ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và thế giới.