5. Kết cấu của đề tài
3.4.1. Những kết quả đạt được
- Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường đảm bảo đồng bộ và hiệu quả, môi trường du lịch được cải thiện, nhận thức về du lịch được đổi mới có chuyển biến tích cực, từng bước tạo được sự đồng thuận trong xã hội; quy hoạch du lịch tỉnh, quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch đô thị du lịch được xây dựng theo hướng
phân vùng các điểm du lịch trọng điểm, chú trọng và hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch đi bộ dã ngoại, tham quan bản làng, du lịch biên giới, du lịch tâm linh và du lịch mua sắm thương mại. Tỉnh Lào Cai đã thu hút trên 30 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào Lào Cai, với tổng nguồn vốn thu hút đầu tư toàn xã hội về du lịch đạt gần 30.000 tỷ đồng.
- Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư và cải thiện đáng kể. Tỉnh đã chú trọng trong công tác đầu tư phát triển du lịch bằng cách thu hút các nhà đầu tư, tiếp nhận các dự án tài trợ nước ngoài. Thu hút được số vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực lưu trú, nhà hàng, hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào Lào Cai. Trong đó điển hình nhất là dự án xây dựng cáp treo Fansipan với vốn đầu tư là 4.400 tỉ đồng của tập đoàn Sun Group. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 02 doanh nghiệp nội địa, 1.330 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 15.000 phòng. Hệ thống nhà hàng Âu, Á, dịch vụ ẩm thực dân tộc phát triển đa dạng, phong phú. Hàng loạt khu vui chơi giải trí đã và đang được hình thành như: Cáp treo Fansipan; Khu du lịch sinh thái Thanh Kim, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa); Hồ Na Cồ (Bắc Hà), công viên Nhạc Sơn; các khu tổ hợp dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, tắm thuốc dân tộc, casino, dịch vụ mua bán hàng thổ cẩm… đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
- Hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết, phát triển sản phẩm du lịch diễn ra sôi động, các sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức thường xuyên. Các hình thức quảng bá du lịch được thực hiện phong phú, từ in và xuất bản bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch đến phát hành đĩa DVD giới thiệu về du lịch của tỉnh, quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình... Lào Cai cũng
là tỉnh đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch với hàng ngàn trang thông tin du lịch và mạng xã hội, tổ chức tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các đoàn khảo sát du lịch cho các hãng lữ hành, bước đầu tạo hình ảnh điểm đến và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch Lào Cai trong mối liên kết với vùng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
- Sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách du lịch. Các sản phẩm du lịch hiện nay bao gồm: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch tâm linh, du lịch chợ phiên, sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa ruộng bậc thang. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Giải Marathone leo núi quốc tế (VMM); Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc; Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa.
- Tổng lượt khách du lịch và tổng doanh thu từ du lịch có xu hướng tăng lên qua các năm trong giai đoạn 2017-2019. Năm 2017, tổng lượt khách du lịch đến với Lào Cai là 3.499.370 lượt, tổng doanh thu từ khách du lịch là 9.442,5 tỷ đồng. Đến năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến với Lào Cai là 5.106.851 lượt, tổng doanh thu từ khách du lịch là 19.203,0 tỷ đồng.