Xử lý nợ xấu là những hoạt động của ngân hàng được triển khai khi nợ xấu đã phát sinh nhằm giảm thiểu những tổn thất do nợ xấu mang lại, các biện pháp xử ly nợ xấu phụ thuộc vào tính chất của các khoản nợ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với những khoản nợ xấu được đánh giá là có khả năng thu hồi,
NHTM xem xét mức độ các khoản vay, trên cơ sở phân tích đánh giá để đưa ra biện pháp phù hợp như sau:
- Đôn đốc, thu hồi nợ: Cần thành lập các ban phụ trách khi Ngân hàng có nợ xấu lớn, cần có chính sách khuyến khích khách hàng trả gốc trước, lãi sau hoặc có thể xem xét miễn giảm một phần tiền đối với những khoản nợ khó đòi...
- Miễn, giảm lãi vay để giảm gánh nặng trả nợ cho khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng hoàn thành nghĩa vụ nợ. Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp khách hàng có thiện chí trả nợ, có nguồn trả nợ nhưng không đủ khả năng trả hết gốc, lãi của khoản vay khi đó NHTM có thể xem xét miễn, giảm lãi vay cho khách hàng.
- Cơ cấu thời hạn trả nợ:
Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 được NHNN ban hành quy định rõ về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và nợ quá hạn của các tổ chức tín dụng: Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng. Đây là một biện pháp tích cực giúp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, khôi phục dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng.
Tóm lại, việc quyết định lựa chọn phương án xử lý nào đều phải được dựa trên cơ sở tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, tính khả thi của các phương án đối với từng khách hàng cụ thể. Vì vậy, các NHTM phải có phân tích, đánh giá chính xác để đưa ra phương án xử lý phù hợp, hiệu quả.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, NHTM có thể sử dụng các cách thức xử lý như sau:
- Thực hiện mua bán nợ: Đây là việc các NHTM bán các khoản nợ quá hạn của mình cho các Ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác nhằm làm lành mạnh một dư nợ tín dụng, giải phóng vốn kinh doanh, từ đó có điều kiện tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh danh.
- Xử lý, khai thác tài sản bảo đảm: Các Ngân hàng được chủ động xử lý các tài sản bảo đảm nợ vay kể cả tài sản là một bất động sản bao gồm đất đai, tài sản gắn liền với đất thuộc quyền định đoạt của Ngân hàng theo các hình thức sau:
+ Tự bán công khai trên thị trường
+ Bán qua trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản + Bán cho công ty mua bán nợ của Bộ tài chính
Tuy nhiên biện pháp đơn giản và tiết kiệm chi phí cho ngân hàng nhất là thuyết phục khách hàng tự nguyện bán tài sản để trả nợ cho ngân hàng. Đây là biện pháp rút ngắn thời gian xử lý, giảm bớt việc trả lãi, phạt cho khách hàng, tối thiểu thiệt hại cho hai bên.
- Sử dụng biện pháp lý: Cụ thể khởi kiện bên vay không tự nguyện bàn giao tài sản. Tuy nhiên, đây không phải biện pháp ưu tiên được thực hiện do mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý phức tạp. Để thực hiện được biện pháp này, ngay từ đầu, việc thế chấp TSBĐ phải đảm bảo về an toàn pháp lý cao, đầy đủ theo quy định của Pháp luật. Để thực hiện được biện pháp xử lý này nhanh và hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan.
- Xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro: quỹ dự phòng rủi ro được Ngân hàng trích ra để đề phòng và xử lý nợ xấu. Đây là một biện pháp tích cực nhằm hạn chế tối đa mức rủi ro tín dụng cho Ngân hàng. Biện pháp xử này giúp xử lý nhanh nợ xấu
nhưng lại không mang tính triệt để và không mang lại hiệu quả cao cho Ngân hàng. Biện pháp này thường áp dụng đối với nợ nhóm 5 - khách hàng có khả năng mất vốn.
- Các biện pháp khác: Tuỳ theo điều kiện cụ thể mà từng Ngân hàng thực hiện cách xử lý thích hợp nhằm thu hồi được gốc và lãi.