2.4.1.1. Môi trường kinh tế
Sau giai đoạn phát triển nhanh, ổn định (2005-2007) với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt trên 7.5%, nền kinh tế bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu bất ổn với chỉ số giá tiêu dùng tăng vọt vào những tháng cuối năm 2007. Đến năm 2008, nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng thực sự lâm vào thời kỳ khó khăn mới với nhiều biến động như sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, sự gia tăng của lạm phát, giá dầu, vàng tăng cao kỷ lục, ... Lãi suất cũng liên tục biến động mạnh trong năm (lãi suất cơ bản tăng lên đến 14%, lãi suất huy động của các ngân hàng có lúc lên đến mức cao kỷ lục 21%, nhưng các tháng cuối năm lãi suất giảm mạnh, tháng 12/2008 lãi suất cơ bản còn 8,5%, đến tháng 01/2009 còn 7%). Sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô gây ảnh hưởng toàn diện đến đời sống nhân dân: sản xuất đình trệ, thu nhập thực tế của người dân giảm sút,... Để kiềm chế lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ phải thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ thắt chặt; tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước khống chế dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 30% trong năm 2008. Do đó hoạt động tín dụng bán lẻ có sự giảm sút so với năm 2007. Nhiều sản phẩm tín dụng bán lẻ không tiếp tục được triển khai như cho vay mua ô tô, cho vay cầm cố chứng khoán. Kinh tế khó khăn làm suy giảm khả năng tài chính của khách hàng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn sự tăng lên của tỷ lệ nợ quá hạn.
Môi trường kinh tế không thuận lợi cũng ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của BIDV. Trong giai đoạn 2006-2008, thị phần huy động vốn dân cư của BIDV giảm trung bình 2,2%/năm. Nguyên nhân chủ yếu do việc tuân thủ các quy định về trần lãi suất của NHNN và việc chủ động tiên phong hạ lãi suất huy động nhằm chấm dứt cuộc chạy đua lãi suất gây đảo lộn thị trường tài chính tiền tệ, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
2.4.1.2. Môi trường khoa học công nghệ
Công nghệ và ứng dụng công nghệ hiện đại là điểm mấu chốt, điểm cơ bản có tính quyết định trong quá trình tồn tại, phát triển và cạnh tranh của mọi ngân hàng trong thời đại ngày nay. Đó chính là nền tảng để các ngân hàng phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại như: Internetbanking, mobilebanking, homebanking, thanh toán điện tử,... và đặc biệt là dịch vụ thẻ ngân hàng - kết quả nổi bật của quá trình ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng còn rất nhiều bất cập như: phát triển không đồng đều và mang tính cục bộ; mức độ ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh còn chậm. Khả năng liên kết, kết nối mạng thanh toán thẻ ATM còn hạn chế do sự không đồng đều về trình độ ứng dụng công nghệ thông tin giữa các ngân hàng, ảnh hưởng đến tiện ích và chất lượng của loại hình dịch vụ này.
Thêm vào đó, bản thân nền công nghệ thông tin nói chung tại Việt Nam hiện nay cũng chưa có sự phát triển vững chắc. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin- truyền
thông còn yếu, dung lượng đường truyền thấp, giá thành đắt, chất lượng dịch vụ chưa ổn định. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin là sự xuất hiện ngày càng nhiều của tội phạm tin học với hành vi xâm nhập bất hợp pháp vào Website của các ngân hàng để đánh cắp dữ liệu, mật khẩu của khách hàng để lấy tiền hoặc phát tán virut gây hại. Một số đạo chích tìm cách lấy cắp mật khẩu thẻ ATM để rút tiền của khách hàng, đã và đang đe dọa đến sự an toàn tài sản của các ngân hàng và khách hàng.
2.4.1.3. Môi trường pháp lý
Hoạt động dịch vụ NHBL không hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam do hoạt động huy động vốn từ dân cư đó xuất hiện từ rất lâu, ngay từ buổi đầu hoạt động của các ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ vài năm trở lại đây, lĩnh vực hoạt động này mới được các NHTM chú trọng phát triển với nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại mới xuất hiện phục vụ cho nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của khách hàng như dịch vụ phát hành và thanh toán qua thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử,... Để có thể phát triển một cách bền vững, hoạt động dịch vụ ngân hàng nói chung, hoạt động dịch vụ bán lẻ nói riêng rất cần một hàng lang pháp lý hoàn thiện, bao quát hết các vấn đề và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã thông qua nhiều luật, quy chế liên quan đến hoạt động ngân hàng, đồng thời sửa các văn bản pháp lý này cho phù hợp với yêu cầu thay đổi của cơ chế kinh tế mới. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn phải hoạt động trong môi trường pháp lý còn rất nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện cho NHBL phát triển.Các văn bản pháp quy về dịch vụ ngân hàng hiện rất nặng về các quy trình thao tác giao dịch thủ công, mang nặng tính giấy tờ và cồng kềnh trong xử lý, trong khi quá trình hiện đại hóa ngân hàng cần phải có những dịch vụ đổi mới liên tục. Nếu muốn đưa sản phẩm mới ra thị trường, NHTM vẫn phải xin phép và mất rất nhiều thời gian. Nhiều quy chế hiện đã bất cập và không bao hàm hết các mặt nghiệp vụ ngân hàng, gây khó khăn và nảy sinh tâm lý tìm cách lách luật ở các NHTM. Cụ thể là các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã lỗi thời nhưng chưa được thay đổi, khó mở rộng điểm chấp nhận thanh toán thẻ (máy POS), dịch vụ thanh toán séc, chuyển khoản bằng uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, chuyển tiền
để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Bên cạnh những bất cập đó, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có trung tâm thông tin cho khách hàng cá nhân và thiếu sự chia sẻ thông tin giữa các ngân hàng. Việt Nam chỉ có một trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của NHNN mà các thông tin được lưu trữ chủ yếu là các thông tin về khách hàng doanh nghiệp, các hoạt động tiền tệ cho các bên liên quan, thông tin tín dụng cá nhân còn rất hạn chế. Tại Việt Nam, cứ 1000 người trưởng thành có thông tin tín dụng của 1 người, trong khi đó ở các nước như Thái Lan, tỷ lệ này là 184/1000, tại Úc là 1000/1000. Có thể thấy công tác thông tin tín dụng đối với khách hàng cá nhân còn kém.
2.4.1.4. Nguyên nhân từ phía khách hàng
Nét đặc thù của dịch vụ NHBL là nhắm tới đối tượng khách hàng cá nhân, song người dân trong nước chưa biết nhiều về dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ NHBL nói riêng. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển dịch vụ NHBL.
Có thể kể đến một số lí do dẫn đến việc người dân Việt Nam chưa tiếp cận nhiều với dịch vụ ngân hàng hiện đại như sau:
Thứ nhất: Thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam tuy không ngừng được cải thiện trong những năm gần đây song vẫn còn thấp. Bộ phận dân cư đạt mức thu nhập cao chỉ tập trung ở một số nhóm nhất định và phân bố chủ yếu tại các thành phố lớn. Do đó, lượng khách hàng có khả năng và nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại chỉ chiếm số nhỏ. Đối với số đông dân chúng còn lại, họ chỉ có thể đến ngân hàng để gửi các món tiền tiết kiệm nhỏ, ít khi dùng đến dịch vụ tài khoản hay dịch vụ thẻ và cũng hạn chế vay ngân hàng vì không đáp ứng đủ các điều kiện tín dụng. Chính vì thế hoạt động bán lẻ của BIDV nói riêng và các ngân hàng Việt Nam nói chung mới chỉ chủ yếu được triển khai ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nang,...
Thứ hai: Người dân Việt Nam nói chung vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt và thường có tâm lý lo sợ đồng tiền mất giá nên không muốn gửi tiền vào ngân hàng
mà thường chọn đầu tư vào vàng hoặc bất động sản.
Thứ ba: trình độ dân trí cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng cá nhân. Đặc điểm của NHBL là phát triển trên cơ sở hệ thống thông tin, kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, trình độ dân trí của người dân hiện nay chưa cao. Các kiến thức về công nghệ thông tin hiện đại chưa phổ cập rộng rãi trong xã hội. Đây chính là một yếu tố hạn chế khả năng phát triển các dịch vụ NHBL hiện đại đến quảng đại quần chúng nhân dân.
2.4.1.5. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng
Trong những năm gần đây, đã có sự bùng nổ về dịch vụ tài chính ngân hàng tại Việt Nam với sự tham gia ngày càng nhiều của các ngân hàng TMCP trong nước và các ngân hàng nước ngoài. Việt Nam hiện có 5 NHTM nhà nước (trong đó ngân hàng Ngoại thương và Công thương đã thực hiện cổ phần hoá), 38 NHTM cổ phần, 37 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh và hầu hết đều tham gia vào lĩnh vực NHBL.
Các NHTMCP ngay từ khi thành lập đã xác định chú trọng phát triển hoạt động NHBL. Trong những năm qua tổng nguồn vốn và thị phần của các NHTMCP tăng trưởng nhanh chóng, chủ yếu nhờ vào các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh và cá nhân.
Nhận định rõ tiềm năng to lớn về nhu cầu thị trường dịch vụ tài chính bán lẻ tại Việt Nam hiện nay, nhiều ngân hàng nước ngoài cũng đã “đổ bộ” vào VN tạo nên cuộc canh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Hiện tại các ngân hàng nước ngoài có mặt tại Việt Nam đều là những ngân hàng lớn có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh NHBL như HSBC, ANZ, Citibank... Nhờ ưu thế về công nghệ, các ngân hàng nước ngoài triển khai nhiều sản phẩm NHBL hiện đại (như cho vay qua internet, qua điện thoại di động, tài trợ mua bất động sản và các sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế...). Đối tượng khách hàng cá nhân mà các ngân hàng này hướng tới thường là nhóm khách hàng có thu nhập cao.