Quan niệm tài nguyên du lịch nhân văn
Khác với tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn thuộc nhóm tài nguyên du lịch có nguồn gốc nhân tạo (do con người tạo ra).
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005) tại điều 13, chương 2: Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
Có thể hiểu tài nguyên du lịch nhân văn chính là những hiện tượng, đối tượng do con người tạo ra trong quá trình phát triển. Chính trong hoạt động sản xuất, hay trong đời sống sinh hoạt của con người, tài nguyên du lịch nhân văn được hình thành, đó cũng chính là các sản phẩm văn hóa, nhưng không phải sản phẩm nào cũng là TNDL nhân văn, mà những sản phẩm đó phải có nét đặc trưng đại diện cho mỗi dân tộc mỗi quốc gia, và phải có giá trị nhất định phục vụ cho du lịch, phải hấp dẫn và thu hút được khách du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn có tác dụng nhận thức nhiều hơn. Tác dụng giải trí không thật điển hình hoặc chỉ có ý nghĩa thứ yếu.
Phân loại tài nguyên du lịch nhân văn
Việc phân loại tài nguyên du lịch nhân văn được nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận dưới những góc độ khác nhau, nên cũng có sự phân chia khác nhau.
Trong luận văn này em tìm hiểu cách phân chia tài nguyên du lịch nhân văn theo Luật di sản văn hóa Việt Nam, Luật Du lịch, và của tác giả Nguyễn Minh Tuệ, thấy có những nét tương đồng trong cách phân loại tài nguyên du lịch nhân văn.
Tài nguyên du lịch nhân văn được phân loại như sau:
Các di tích văn hóa – lịch sử
Theo Luật di sản (2001) Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình địa điểm đó, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
Giáo trình Địa lí Du lịch: Di tích lịch sử - văn hóa là những không gian vật chất cụ thể, không gian đó chứa đựng các giá trị điển hình lịch sử, do tập thể hoặc cá nhân con người hoạt động sáng tạo ra trong lịch sử để lại.
Như vậy có thể hiểu đơn giản Di tích lịch sử - văn hóa chính là những gì quá khứ để lại, có ý nghĩa đối với việc khai thác du lịch, chính giá trị văn hóa – lịch sử là yếu tố cốt lõi tạo nên sức hấp dẫn và độc đáo của sản phẩm du lịch. Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử trải qua bao thăng trầm, nên có số lượng các di tích văn hóa - lịch sử rất phong phú, đa dạng. Theo thống kê của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch, nước ta hiện có khoảng 7300 di tích các loại phân bố trên suốt chiều dài lãnh thổ.
Theo điều 28, Luật Di sản văn hóa, Di tích lịch sử - văn hóa được chia thành 4 nhóm cơ bản sau:
- Di tích lịch sử: Là những di tích ghi nhận các sự kiện lịch sử của các đặc điểm lịch sử tiêu biểu của các dân tộc trong quá trình phát triển của mình. Chiến tranh đã đẩy lùi vào dĩ vãng, nhưng những dấu ấn về lịch sử thì chưa hề phai mờ trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Di tích lịch sử nước ta bao gồm các loại hình sau:
Di tích ghi dấu về dân tộc học: Ở Mai Châu, Sapa, Tây Nguyên…
Di tích ghi dấu sự kiện chính trị quan trọng tiêu biểu: Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), Căn cứ địa Việt Bắc (cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái…)
Di tích ghi dấu chiến công chống xâm lược như: Sông Bạch Đằng, gò Đống Đa, Điện Biên Phủ…
Di tích ghi dấu tội ác chiến tranh: Nhà tù Côn Đảo, nhà tù Sơn La, Phú Quốc…
Các di tích ghi dấu một sự kiện, một danh nhân: Côn Sơn, làng Sen…
- Di tích kiến trúc – nghệ thuật: Gồm các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho cho mỗi thời kỳ lịch sử. Các di tích kiến trúc – nghệ thuật ở nước ta tương đối đa dạng, như là các làng cổ, chùa, đền, đình, nhà thờ, lăng tẩm…
Làng cổ: Hình ảnh lũy tre, cây đa, bến nước, sân đình là nét đặc trưng của làng quê nông thôn Việt Nam. Đến thăm các làng cổ, du khách như cảm nhận được hơi thở bình dị, rất đỗi quen thuộc, mang nét văn hóa xưa của cha ông vọng về. Hiện nay, nhiều làng cổ được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia cần được bảo vệ và tôn tạo. Hai ngôi làng cổ quý giá của Việt Nam đó là làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và Làng cổ Phước Tích (Huế), đã và đang được khai thác phục vụ du lịch.
Chùa: Mang ý nghĩa tôn giáo tín ngưỡng, kiến trúc của mỗi ngôi chùa có những nét độc đáo tiêu biểu cho kiến trúc của mỗi thời kỳ lịch sử. Ở nước ta hầu hết chùa là nơi thờ Phật, có thể ghép thêm tôn giáo bản địa, đó là những di tích cổ nhất còn sót lại. Miền Bắc tập trung số lượng lớn các ngôi chùa cổ, được khai thác phục vụ mục đích du lịch như chùa Trấn Quốc, chùa Tây Phương, chùa Hương…(Hà Nội); chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh); chùa Dâu chính là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam đã được Bộ văn hóa công nhận là di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia (Địa lí Du lịch).
Đình làng: Là một trong những công trình quan trọng ở làng quê Việt Nam, cũng là nơi hội tụ của cộng đồng dân cư trong làng vào những ngày lễ, tết mang một ý nghĩa linh thiêng thành kính. Việt Nam có nhiều ngôi đình cổ có giá trị cao đối với văn hóa và du lịch như đình Yên Sở, đình Kim Liên (Hà Nội); đình Tân Phú Trung tại Sa Đéc (Đồng Tháp)…Đặc biệt là Đình Tây Đằng - ngôi đình cổ nhất Việt Nam với kiến trúc chạm khắc đặc sắc, được ví như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỉ XVI (Theo báo công an TP.Hồ Chí Minh).
Nhà thờ: Là công trình kiến trúc gắn với đạo Thiên Chúa du nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ XVI, mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây, ảnh hưởng phần nào của kiến trúc bản địa. Những đền thờ có kiến trúc độc đáo, hấp dẫn khách du lịch phải kể đến là nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh)…
- Di tích khảo cổ: Là những di tích liên quan đến nền văn hóa cổ của loài người, trải qua các tầng văn hóa nối tiếp nhau. Các di vật này có ý nghĩa khoa học to lớn mà còn có giá trị cho các hoạt động tham quan du lịch. Di tích khảo cổ phân
thành 2 nhóm đó là di chỉ cư trú và di chỉ mộ táng. Tại Việt Nam cụm di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa), động Người Xưa (Cúc Phương - Ninh Bình), Thành Cổ Loa (Hà Nội), các điểm khảo cổ văn hóa Óc Eo ở Đông Nam Bộ…Đã và đang được nhà nước bảo vệ trùng tu đưa vào các điểm du lịch để khai thác, tuy nhiên hiệu quả vẫn còn thấp.
- Danh lam thắng cảnh: Theo Khoản 4, Điều 4 Luật Di sản Văn hóa (2001)
“Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa
cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học”. Đây là loại di tích rất đặc biệt bởi nó sự kết hợp cả hai yếu tố nhân tạo với tự nhiên. Đã tạo nên những bức tranh hoàn mỹ thu hút số lượng lớn các du khách. Trong đó phải kể tới như Chùa Hương (Hà Nội), núi bài Thơ (Quảng Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ)…
Lễ hội: Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Sau một
thời gian lao động tích cực người dân có đủ các điều kiện về thời gian, vật chất để tổ chức lễ hội; Cũng là dịp để con người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại như tưởng nhớ tổ tiên, hướng về cội nguồn, những vị anh hùng dân tộc; Đồng thời cũng bày tỏ ước vọng của mình với lực lượng siêu nhiên cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nước ta lễ hội truyền thống thường diễn ra thời điểm chuyển giao giữa hai mùa xuân thu, với độ dài ngắn và qui mô khác nhau. Có lễ hội kéo dài hàng tháng như lễ hội chùa Hương, có lễ hội ở tầm quốc gia như lễ hội Đền Hùng…Hầu hết các tỉnh thành các địa phương đều có lễ hội, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, bởi vậy lễ hội có sức hấp dẫn riêng đối với khách du lịch, khi tham gia lễ hội là du khách được hòa mình vào những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư nơi diễn ra lễ hội. Thông thường lễ hội bao gồm 2 phần cơ bản đó là phần lễ (mang tính lễ nghi trang trọng nhằm tưởng niệm, hoặc cầu phúc với nghi thức tế lễ), đây chính là phần cốt lõi của lễ hội còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống và tập quán tốt đẹp của dân tộc. Phần thứ hai là phần hội thì đây là hoạt động mang tính vui chơi của cộng đồng nhưng cũng không kém phần hấp dẫn du khách. Tổng hợp 2 phần lễ và hội, đã tạo nên nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
Làng nghề truyền thống: Đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, trong đời sống và văn hóa của người dân Việt nam. Làng nghề truyền thống là làng có nghề cổ truyền được hình thành từ lâu đời tồn tại và phát triển đến ngày nay. Những sản phẩm của làng nghề truyền thống được tạo ra bởi các nghệ nhân với bàn tay khéo léo tài hoa, óc sáng tạo tinh tế. Mang dấu ấn, dáng dấp của hồn quê của dân tộc. Chính vì vậy các sản phẩm của làng nghề truyền thống không chỉ có sức hút lớn với du khách trong nước, mỗi lộ trình tham quan đến một địa điểm sẽ có một sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của vùng đó làm lưu niệm, mà còn là yếu tố quảng bá đất nước con người Việt Nam đến khách du lịch quốc tế.
Những nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu ở nước ta phải kể đến, đó là làng Gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng Đông Hồ (Tranh Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh)…Tuy nhiên hiện nay các làng nghề có nguy cơ bị mai một bởi sự phát triển của nền kinh tế, cần phải lưu giữ và bảo tồn các làng nghề truyền thống
Các đối tượng gắn với dân tộc học, văn hóa, thể thao và hoạt động nhận thức khác
Các đối tượng gắn với dân tộc học: Nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống suốt chiều dài của lãnh thổ. Mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng riêng trong phong tục tập quán, trong trang phục, ngôn ngữ, tập quán cư trú, tổ chức xã hội, ẩm thực…Đã tạo nên sự đa dạng phong phú trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, đó cũng là yếu tố hấp dẫn có sức hút lớn đối với khách du lịch khi đến tham quan, khám phá mỗi vùng miền.
Bên cạnh đó, các đối tượng văn hóa với mục đích tham quan, nghiên cứu cũng thu hút lượng khách du lịch đáng kể, ví dụ như các Viện khoa học, trường đại học, nơi diễn ra các cuộc triển lãm nghệ thuật, các bảo tàng lớn, các cuộc thi Hoa hậu...Hầu hết đều tập trung ở những thành phố lớn, nơi có cơ sở vật chất hiện đại, giao thông thuận tiện…
Ở nước ta các công trình thường hội tụ ở đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh; có các bảo tàng lớn như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh…; các sự kiện lớn như Hội nghị cấp cao APEC, Liên hoan phim Châu Âu…
Các hoạt động mang tính chất sự kiện như các hoạt động thể thao (Seagames, Asian Indoor games…) góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tới khách du lịch quốc tế.
Văn hóa ẩm thực: Được coi là một loại tài nguyên tạo thêm nét độc đáo cho ngành du lịch. Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền do đời sống sinh hoạt khác nhau, điều kiện về tự nhiên cũng khác nhau…Nên trong ẩm thực cũng đã hình thành những dấu ấn riêng. Tham quan mỗi vùng đất, khách du lịch lại được thưởng thức những đặc sản riêng, chính điều đó phần nào níu chân du khách. Ở Việt Nam có nhiều món ăn từ lâu đã trở thành yếu tố hấp dẫn du khách, từ món phở độc đáo, chả cá Lã Vọng, bánh Cuốn Thanh Trì, cơm Hến (Huế)…Quả thật, có thể nói món ăn Việt Nam là một sáng tạo văn hóa ẩm thực, cần có chiến lược quảng bá nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa tài nguyên du lịch độc đáo này.
Các loại hình nghệ thuật: Trải qua biết bao thăng trầm, kho tàng văn hóa nghệ thuật của nước ta vẫn tiếp tục phát triển và có sức hấp dẫn đối với du khách. Các loại hình nghệ thuật cũng rất đa dạng, mỗi loại hình đều có nét độc đáo riêng, phải kể đến như: Múa rối nước, đờn ca tài tử, cải lương, tuồng, chèo, ca trù…Bên cạnh đó các loại hình nghệ thuật dân gian được hun đúc từ bao đời nay của cha ông truyền lại cũng có một giá trị thu hút cao đối với khách du lịch, đó cũng chính là bản sắc văn hóa của dân tộc, nên cần được bảo tồn giữ gìn.
Như vậy ngoài sự phân loại thành các nhóm trên, một số Tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị đặc biệt mang ý nghĩa toàn cầu, đó chính là các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, Theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng ta khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Cần phải hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa
vật thể và phi vật thể”. Các di sản văn hóa thế giới có sức hấp dẫn đặc biệt với du
khách, đồng thời cũng là niềm tự hào, là tài sản vô giá của quốc gia và nhân loại. Tính đến năm 2010 nước ta có 8 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.