Để phân tích sự trình hiện trong các kiểu loại văn bản, ta cần khái quát được hệ thống kí hiệu nội tại trong văn bản ấy. Kí hiệu có thể chuyển dịch trong những chất liệu khác nhau với khả năng sáng tạo to lớn. Thông điệp giới hạn về hình thức nhưng không giới hạn về chất liệu. Hình thức là mối quan hệ ràng buộc tạo nên ý nghĩa cho hệ thống kí hiệu, còn chất liệu là phương tiện tạo thông điệp. Việc này giống như bạn chụp một bức ảnh. Khi bạn thay đổi điểm nhìn, ánh sáng, khung cảnh thì thông điệp trong tấm ảnh sẽ thay đổi chứ nó không phụ thuộc vào việc bạn dùng loại phim hay loại máy chụp ảnh nào. Nhưng đối với hai hệ thống kí hiệu ngôn từ và điện ảnh, sự khác biệt không chỉ như thế. Nhà phê bình điện ảnh Pháp Jean Miltry nhận định: “Tiểu thuyết là một chuyện kể tự cấu tạo mình trong thế giới, còn điện ảnh là một thế giới tự cấu tạo mình thành chuyện kể” [4, tr.69]. Nghĩa là nhân vật văn học có đời sống riêng trong tưởng tượng của độc giả còn các yếu tố
trong điện ảnh như âm thành, hình ảnh được kết hợp theo một ý nghĩa nhất định, tồn tại trong một thế giới riêng. Người làm phim muốn kể một câu chuyện nghĩa là phải vận dụng “thế giới ấy” [4, tr.69].
Trong cuốn “Chân trời của hình ảnh”, tác giả Đào Lê Na đã chỉ ra những điểm đặc thù trong việc cải biên tác phẩm văn học từ trường hợp đạo diễn Kurosawa Akira. Cơ sở của việc cải biên tác phẩm văn học là dựa vào sự phức hợp của bốn lí thuyết: liên văn bản, phiên dịch học, văn hóa học, giải kiến tạo. Trong đó, kết hợp với lí thuyết được nêu ra trong chương 1 của luận văn, chương 3 của luận văn sẽ làm rõ sự dịch chuyển các kí hiệu từ truyện ngắn đến điện ảnh thông qua lí thuyết văn hóa học về sự trình hiện. Ở khía cạnh này, văn hóa chi phối mạnh mẽ đến các sáng tác nghệ thuật. “Văn hóa không phải là cái gì bất biến nên văn hóa có thể bị các quyền lực và chính trị chi phối để phục vụ cho các nhóm xã hội bên lề” [17, tr.60]. Ý nghĩa trong một văn bản bị tác động không phải một chiều, mà là trong sự tương tác qua lại giữa văn bản và người đọc. Trong tác phẩm cải biên, yếu tố văn hóa được cụ thể là “mục đích của đạo diễn, tác giả điện ảnh không bao giờ là trung lập hoặc khách quan” [17, tr.87] Vậy có thể kết luận rằng, bản thân hệ thống kí hiệu trong cải biên không phải là một hệ thống khép kín mà chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố xã hội. Trong văn học, đó là tư tưởng hệ, quan niệm xã hội, nền tảng đạo đức mà tác giả chịu ảnh hưởng. Trong điện ảnh, đó là sự trung hòa ý tưởng của cả một nhóm tác giả, từ đạo diễn, diễn viên, hóa trang, quay phim, âm thanh… Những yếu tố này chi phối mạnh mẽ đến sự trình hiện nhân vật trong tác phẩm điện ảnh.
Khi phân tích kí hiệu trong điện ảnh, ta cũng cần lưu ý đến những đặc thù trong hình thức của thể loại này. Trong cuốn “Nghệ thuật điện ảnh”, tác giả David Bordwell và Kristin Thompson đã trình bày “Hình thức nghệ thuật là tìm hiểu trật tự, ý nghĩa, trải nghiệm thế giới bằng cách tách nó thành những kiểu mẫu quen thuộc. Các yếu tố trong phim không phải là những yếu tố ngẫu nhiên mà phải là tổng thể các mối quan hệ giữa các yếu tố” [4, tr.68]. Hình thức của phim chính là sức sống của bộ phim đó. Nó mang lại cho người xem sự thách thức những kinh nghiệm quen thuộc. Đạo diễn William Goldman (nhà biên kịch phim “Butch Cassidy” và “Sundance”) nhận xét: “Kịch bản điện ảnh là một cấu trúc” [4, tr.69].
Hình thức phim là hệ thống kí hiệu độc lập so với hệ thống kí hiệu trong tác phẩm văn học. Trong cuốn sách “Chân trời của hình ảnh”, tác giả Đào Lê Na đặt ra khái niệm về cải biên “bao hàm trong nó ý nghĩa về sự thay đổi, viết lại nên nó thể hiện được sự sáng tạo của nhà làm phim… Tác phẩm cải biên là cách đọc khác của các nhà làm phim đối với tác phẩm văn học và là sự đồng sáng tạo, tái sáng tạo trong dòng chảy vô cùng vô tận của liên văn bản.” [17, tr.104]. Vì thế, tác giả bác bỏ luận điểm tiểu thuyết hay hơn phim, vì so sánh ấy không thể thực hiện khi đối tượng thuộc về hai chất liệu và hình thức khác nhau. Tác phẩm truyện hay tác phẩm điện ảnh dưới lí thuyết giải cấu trúc đã trở nên đồng đẳng hơn khi những giá trị nhị nguyên đã được tháo bỏ. Mỗi hệ thống kí hiệu đều có sự liên kết trong chính bản thân nó để mang đến cho người đọc một điểm nhìn khác hơn đối với những kinh nghiệm sống mà bản thân tích lũy.