Nước mắt của Nương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 68 - 72)

Không chỉ hiểu được nguyên nhân trong nỗi buồn của mình mà Nương còn thấu hiểu được nỗi lòng của người khác. Nguyễn Ngọc Tư đã dùng điểm nhìn trần thuật là nhân vật Nương như một tuyên ngôn nghệ thuật về con người và quan niệm sống. Sự trình hiện nhân vật Nương không chỉ là bức tranh mang nội tâm của riêng nhân vật mà còn phản ánh quan niệm của tác giả về điểm chung trong cuộc đời người phụ nữ. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất khiến tác giả dễ dàng lồng ghép những suy tư, trăn trở, quan niệm của mình trong lời trần thuật của nhân vật. Cũng từ đây ta nhận ra, mặc dù chỉ đang tuổi thiếu niên nhưng đôi khi Nương lại có được suy nghĩ thấu đáo, chín chắn, đặc biệt là trong suy nghĩ về người phụ nữ khác.

Nương thương mẹ, nhưng sớm đã không còn cơ hội để thể hiện tình thương ấy. Nương đành dùng tình yêu thương ấy cho những người phụ nữ cô gặp trên chặng đường “chuyển đồng”. Đó là những cô gái điếm già nua, “cố làm ra vẻ trẻ trung, tươi tắn nhưng mặt và cổ đã nhão, nhìn phát ứa nước mắt”. Đó là những người đàn bà sống phải chắt chiu từng giọt nước “hai gàu nước của má anh, tôi nỡ nào sẻ nửa?”. Đó là người phụ nữ những mong có được cuộc sống bình yên nhưng người chồng lại quá hời hợt, vô tâm “chị quả quyết là bùa ngải của địch mạnh hơn. Nói như vậy để cho tâm bớt đau trước sự thay lòng.” Những người phụ nữ Nương từng gặp trong đời đều có một điểm chung là đau khổ vì sự thiếu thốn vật chất và tinh thần. Vật chất là những yếu tố mưu sinh được hữu hình hóa bằng vật chất, như tiền của cô gái điếm, nước ngọt của bà cụ hay tấm lụa đỏ của người mẹ. Tinh thần là nỗi đau lòng trong lòng vì sự phụ bạc của những người đàn ông họ đem lòng thương (cụ thể là người cha của Nương).

Thể hiện cảm xúc trực tiếp là một trong những thủ pháp Nguyễn Ngọc Tư sử dụng trong khai thác diễn biến nội tâm nhân vật. Trong thống kê chi tiết cảm xúc trực tiếp của các nhân vật (xem bảng 1), cảm xúc của Nương chiếm 52%. Trong đó, cảm xúc chủ đạo của Nương là buồn, nỗi buồn chiếm tần suất 83,3%. Những từ ngữ miêu tả nỗi buồn nhiều cung bậc, có khi chỉ là cái buồn thoáng qua, mơ hồ “trong lòng chị

em tôi bùi ngùi tiễn nó đi như tiễn một cuộc đời”, nhưng cũng có khi thật rõ ràng, mạnh liệt “chị em tôi đắng đót nhìn cha hao hao người đóng tuồng vừa trút lớp”. Cảm xúc của Nương luôn được nối liền với Điền, nỗi buồn san sẻ không tan đi mà thấm vào tận đáy tâm hồn của những đứa trẻ. Nương dùng sự trình hiện nỗi buồn dày đặc như thế để đồng cảm với thân phận con người xung quanh cô. Cô đồng cảm với cha, những người phụ nữ bước ngang cuộc đời họ và với cả những người chỉ gặp thoáng qua.

Mỗi nhân vật trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” đều hiện lên với vết thương lòng khác nhau. Nhưng họ đều gặp gỡ nhau trong tấm lòng yêu thương của Nương. Với Nương, tình yêu thương đối lập hoàn toàn với người cha. Người cha chỉ giả vờ yêu, giả vờ quan tâm để phụ tình người đàn bà nhẹ dạ. Nương lại dùng tình yêu thương như một bản năng, toát ra một cách tự nhiên, không cần suy tính. Vì thế, đối diện với hành động của người cha, Nương cảm thấy rất đau đớn: “cha tôi chỉ lạt lẽo nhếch cười. Vì cái cười đó mà tôi ứa nước mắt thêm lần nữa”. Nương cô đơn, nhưng không phải vì lẽ đó mà cô tha thiết tình yêu một cách mù quáng. Nương san sẻ nỗi cô đơn bằng cách thấu hiểu nỗi cô đơn, lí giải bi kịch của những người phụ nữ khác bằng trái tim cô. Chính vì thế, bất cứ nhân vật nào cũng nhuốm màu cảm tính của Nương. Chính vì thế có thể kết luận, các nhân vật được trình hiện qua nỗi buồn của Nương.

Trong sự trình hiện tình yêu thương đối lập với người mẹ và người cha, Nương cố gắng thấu hiểu những người phụ nữ. Đó là biểu hiện cho ý nghĩa mà Nương thường ám ảnh, một sự trừng phạt thích đáng cho những tội lỗi. Tình yêu là chuộc tội, là sự cứu rỗi những mặc cảm của Nương. Nương hiểu “nỗi bẽ bàng của những người phụ nữ bị cha tôi bỏ rơi”. Nương nhớ về quá khứ là sự chối bỏ: “Những thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng tôi làm sao có thể từ bỏ hình hài này” [25, tr.182]. Sự trình hiện của Nương là sợi dây gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, nỗi buồn của cô chảy suốt trong lòng các nhân vật. Mỗi người mà Nương nghĩ đến như một tấm gương phản chiếu lại nội tâm của cô. Người cha bạc ác, giết chết cảm xúc con người bình thường, Nương lại kiên quyết bảo vệ những cảm xúc ấy. Người mẹ bỏ đi, ai cũng bảo là “người phụ nữ bạc tình”, Nương lại

thấy mẹ thật đáng thương, đổ hết mọi lỗi lầm lên bản thân mình. Sự trình hiện trong hệ thống chi tiết đối lập thể hiện ý nghĩa nhân vật Nương không phải là nhân vật ám ảnh trong nỗi cô đơn, mà hơn hết, cô chính là biểu tượng của hi vọng, của sự sinh sôi tình yêu.

Mối quan hệ giữa nhân vật Nương và Sương là sự trình hiện mang ý nghĩa tương đồng. Sương và Nương đều từng bị phản bội, đều nhận phũ phàng từ những người đàn ông. Nhưng họ vẫn hy vọng, vẫn yêu thương, thông qua hàng loạt các chi tiết gợi cảm giác gia đình, niềm hy vọng vào tương lai. “Nó hơi sợ hãi... Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình sẽ sinh con. Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ, hay Dịu, Xuyến, Hường...” [25, tr.218]. Giọt nước mắt trình hiện cho cảm xúc rất đời nhưng cũng rất đỗi cao thượng của nhân vật Nương. Yêu thương, vị tha không phải là “sự cam chịu” mà là bản năng như bầy vịt yêu thương nhau, dù không có ai dạy dỗ chúng.

Nhân vật Nương là sự trình hiện mang ý nghĩa nhân văn, Nương không phải nhân vật chức năng, thực thi nhiệm vụ cố định. Cô cũng không phải nhân vật bất biến cảm xúc mà có sự thay đổi nội tâm và nhận thức trên hành trình trưởng thành. Đặt trong hệ thống các chi tiết nụ cười và nước mắt trong toàn bộ văn bản, Nương luôn thể hiện tình yêu, nỗi thương cảm thường trực cho thân phận con người.

Tiểu kết chương 2

Trong văn bản văn học, nhân vật Sương và Nương là nhân vật người phụ nữ trung tâm của tác phẩm. Họ được trình hiện bằng cảm xúc trực tiếp. Những người phụ nữ có tình cảm phong phú. Với Sương nụ cười thể hiện ý thức chấp nhận thân phận. Sương là cô gái có bản lĩnh, dám yêu thương nhưng cũng dám buông bỏ để hàn gắn nỗi đau. Sương đến với ông Vũ như tìm đến chiếc phao cứu sinh trong cuộc đời lưu lạc. Nhưng ông Vũ đối với cô chỉ đơn thuần là ham muốn thể xác và thỏa mãn vết thương của sự phản bội. Người phụ nữ phải gánh chịu vết thương về thể chất lẫn tinh thần. Sự hi sinh của họ không thể nhạt bớt đi sự thù hận bao trùm lên tác phẩm. Trong tương quan với Sương, nhân vật người mẹ được trình hiện trong sự hóa giải về nỗi đau của người mẹ. Sự ra đi của mẹ không phải là phản bội mà là sự chấp

nhận đau đớn, sợ hãi khi đối diện với thái độ khinh miệt của đứa con và người chồng. Góc khuất trong tâm hồn người phụ nữ được hé mở, không đơn giản phụ thuộc suy nghĩ áp đặt của người đàn ông. Phân tích trình hiện mang lại ý nghĩa mới cho nhân vật, người mẹ là nhân vật vắng mặt, không có quyền lên tiếng nhưng xuất hiện xuyên suốt và ảnh hưởng đến toàn bộ nhân vật. Ý nghĩa người phụ nữ là góc khuất của tâm hồn, tình yêu thương cần thấu hiểu và cảm thông chứ không phải sự phán xét mù quáng.

Nhân vật Nương là cô gái mới lớn với những cảm xúc phong phú. Trong mỗi nụ cười hay nước mắt của Nương đều ẩn chứa tình yêu thương, sự quan tâm đến mọi người. Nương thương cho người cha bị mẹ phụ bạc, thương những người phụ nữ ê chề, thương những kiếp người lặn lội như Sương… Cuối tác phẩm, Nương trải qua bi kịch khủng khiếp khiến cô thấu hiểu về nỗi đau của người mẹ khi xưa. Thì ra, sự trao đổi của người mẹ không phải là “chuyện bậy” mà đó là sự hi sinh đau đớn tột cùng về tinh thần và thể xác. Trong giây phút ấy, Nương cảm thấy tâm hồn thanh thản vì đã hiểu và tha thứ cho người mẹ. Nương được trình hiện như một biểu tượng của tình yêu thương chấm dứt sự hận thù.

Sự trình hiện Sương và Nương thể hiện quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư về người phụ nữ thường chịu nhiều bất hạnh vì tình yêu thương không được đáp trả xứng đáng. Với phương pháp phân tích này, ý nghĩa về người phụ nữ không còn bó hẹp trong nỗi “cô đơn” [2] hay “nguyên nhân của bi kịch là hận thù” [8] trong đa số các bài nghiên cứu trước đó. Những người phụ nữ trong tương quan hệ thống kí hiệu tạo nên những ý nghĩa mới, cách hiểu mới về con người.

Chương 3: Sự trình hiện nhân vật nữ trong phim điện ảnh “Cánh đồng bất tận”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)