Nhân vật Sương trong không gian cánh đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 85 - 89)

Sự trình hiện nhân vật Sương có sự phát triển từ không gian hẹp chiếc ghe chật hẹp đến với không gian rộng lớn - cánh đồng. Tác giả đã thể hiện lựa chọn chủ động của nhân vật khi hướng đến không gian rộng lớn. Ý nghĩa nhân vật được khơi sâu, thoát khỏi quan niệm truyền thống về người phụ nữ an phận, cam chịu và “chấp nhận như là một thói quen” [24, tr.218].

Cánh đồng trong tương với ông Võ

Ý nghĩa của nhân vật Sương được tạo ra từ sự trình hiện đối lập với hành động và thái độ của ông Võ trong không gian cánh đồng. Đối lập ấy được thể hiện đỉnh điểm trong trường đoạn Sương phải đi đến chỗ của những người kiểm dịch. Trước khi đi, Sương ngồi thật lâu bên ông Vũ, đôi mắt đầy ý mong chờ, nhạc phim trong trường đoạn này có nhịp điệu chậm hơn như dòng chảy của thời gian. Nỗi chờ đợi níu kéo hạnh phúc của người phụ nữ bị kéo dài đến mênh mông bởi sự vô tâm, ích kỉ của người đàn ông. Trường đoạn Sương cắp nón đi, từ bờ bên này đến bên kia con sông được kéo ra thật dài (3 phút). Nhịp điệu chậm trãi đưa người đọc vào tâm trạng thấp thỏm của nhân vật, hồi hộp chờ đợi một tiếng gọi từ người cha. Trường đoạn chuyển cảnh liên tục qua lại giữa bóng hình của nhân vật Sương (góc quay trung viễn cảnh) và hình ảnh nhân vật ông Võ (góc quay trung cận cảnh). Bóng dáng nhân vật Sương nổi bật với màu áo trắng nhưng thật bé nhỏ, dần chìm khuất vào không gian cỏ nước mênh mông. Nhân vật ông Võ với góc máy chi tiết nhấn mạnh vào tâm trạng nhân vật. Nhân vật ông Võ đằng hắng, ho nhiều như dùng trạng thái ấy để che giấu một điều gì đó. Dường như, ta có thể đọc ra được đằng sau sự trình hiện ấy là sự đắn đo, băn khoăn. Trong tâm hồn ông, dường như đã có một điều gì đó tái sinh, thay cho sự bạc ác, vô cảm.

Hình 3.12: Cảnh quay ông Võ trên bờ đứng nhìn theo bóng dáng nhỏ bé của Sương

Cảnh bán thân của nhân vật Sương được trình hiện giống với khung cảnh ra đi của ông Võ trong những chuyến làm ăn xa. Các nhân vật bị chia cắt bởi dòng sông, tâm trạng của nhân vật có sự khác biệt. Người ra đi thường hi vọng về sự hi sinh của mình có thể mang lại điều gì đó tốt đẹp hơn cho gia đình. Người ở lại là nỗi mong ngóng về một điều gì trọn vẹn. Ông Võ đi làm xa để kiếm tiền nuôi sống gia đình nhưng gương mặt người mẹ lại hiện lên nỗi buồn ảo não, nụ cười gượng để người ra đi yên lòng. Khi Sương đi, ông Võ cũng đã muốn nói một điều gì đó nhưng lại không thể cất thành lời. Hai khung cảnh đều là mở đầu cho bi kịch của gia đình vẫn nối dài của cha con ông Võ. Trong tâm tư của người ở lại dường như đang chất chứa một điều gì đó mà nếu nói ra có thể kết cục sẽ không phải là sự ra đi. Tác giả dùng hai cảnh quay tương tự nhau để kể về sự ra đi vào hai thời điểm bước ngoặt của gia đình ông Võ để một lần nữa gợi nhắc về người mẹ. Việc làm ăn của người chồng là điều người vợ không mong muốn, nhưng chị không thể cất lời, chỉ có thể âm thầm đối mặt với những nỗi đau.

Hình 3.13: Cảnh quay ông Võ ra đi, người mẹ và những đứa con tiễn người chồng ra đi với hình ảnh Sương

Cảm xúc nhân vật được đấy đến đỉnh điểm khi Sương lựa chọn ra đi giống với người mẹ trong quá khứ. Sự cay nghiệt của ông Võ cũng giống như lời đay nghiến năm nào mà Nương dành cho mẹ, khiến người phụ nữ không thể chấp nhận sống mãi trong sự khinh miệt, phũ phàng. Nương là người tiễn Sương trên hành trình cuối cùng đi vào “Cánh đồng bất tận”. Nương đứng phía sau Sương trong một cảnh quay cận cảnh với cả hai nhân vật đều không bị làm nhòe. Màu áo của Sương nổi bật với sắc trắng tinh khôi, còn Nương là màu trắng đã bạc màu. Kiểu tóc và biểu cảm của hai nhân vật rất giống nhau. Sự trình hiện tương đồng cùng một lúc là sự báo hiệu cho một sự lặp lại trong tương lai. Có thể trong những cảnh quay tiếp theo Nương cũng sẽ giống như Sương, phải dấn thân vào một cánh đồng bất tận để tìm lấy tự do và hạnh phúc cho cuộc đời mình.

Trong cảnh quay ra đi của nhân vật Sương, cả hai nhân vật đều không đối thoại nhưng cảm xúc đong đầy trong từng khung hình trải dài đến 4 phút. Từ cảnh quay cận cảnh gương mặt để nắm bắt cảm xúc nhân vật, máy quay dần lùi xa hơn đến mức viễn cảnh cực độ để nhấn mạnh không gian rộng lớn và sự nhỏ bé của con người. Trong cảnh quay này, tác giả Nguyễn Phan Quang Bình đã đưa ra một cách hiểu mới về định nghĩa “Cánh đồng bất tận”. Trong truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư để Nương đặt tên cho những cánh đồng, tác giả định nghĩa “Cánh đồng bất tận” là những cánh đồng có “bờ ruộng với những bông cỏ mực như đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại những mảng vàng rực của lúa” [24, tr.213] và cũng là cánh đồng “ngoa ngoắt làm thay đổi vị của nước” [24, Tr.213], những cánh đồng đang bị đô thị hóa. Đây cũng là chi tiết được trích dẫn trên bìa truyện, phản ánh một trong những chủ đề lớn của tác phẩm: đô thị hóa nông thôn. Nhưng đến với tác phẩm cải biên, phim điện ảnh đã mang đến một định nghĩa mới cho kí hiệu “cánh đồng”. Cánh đồng lúa vàng rợp nuốt trọn lấy con người vừa là yêu thương, bao dung của mẹ thiên nhiên nhưng cũng là ẩn dụ cho số phận của người phụ nữ. Sương đã đi đến cuối cùng của hạnh phúc, như lúa vàng sắp sửa thu hoạch, hạnh phúc với Sương hay với cả người mẹ là điều không thể có được.

Trong phân tích kí hiệu tương đồng giữa Sương và người mẹ, nhân vật Sương thể hiện là người phụ nữ giàu tình yêu thương và lòng vị tha. Chị là người an ủi tâm

hồn, hi sinh tất cả những gì của đời mình để mong mỏi một hạnh phúc bình dị. Ý nghĩa ấy tương đồng với nhân vật người mẹ. Dù chỉ được trình hiện trong trường đoạn kí ức ngắn ngủi của nhân vật Nương, Sương ở hiện tại khiến người xem phải nhìn lại về người mẹ trong quá khứ. Người mẹ ấy có nỗi lòng đầy uẩn khuất, nếu ta chỉ phán xét vội vàng thì không thể nào hiểu được niềm khát khao hạnh phúc trọn vẹn nơi chị. Ông Võ đã tặng người mẹ chiếc nhẫn vàng, nhưng chị không đổi nó để lấy khúc vải hay một thùng gạo đầy cho những đứa trẻ mà quyết định trao đi thân xác. Đó quan niệm về sự trọn vẹn trong tình yêu, người vợ không muốn chồng bận lòng nơi phương xa, một mình đối diện với những thiếu thốn. Nhưng đến cuối cùng, họ lại chịu ánh mắt khinh miệt từ chính những người mình yêu thương: với người mẹ là lời nói phũ phàng của Nương, với Sương là sự đay nghiến của ông Võ.

Cánh đồng trong tương quan với nhân vật Điền

Ý nghĩa nhân vật Sương trong không gian cánh đồng được tạo nên trong sự đối lập với nhân vật Điền. Điền quan niệm cánh đồng là nơi xuất phát của hận thù. Điền giận dữ khi nhìn thấy những người đàn ông trêu chọc Sương và cho rằng chính họ là nguyên nhân buộc Sương phải ra đi. Điền nói: “Em ghét cái ác… Có thù thì phải trả. Em thương chị, ai ăn hiếp chị, em giết!” Tình yêu thương của Điền với Sương đã trở thành lòng thù hận với kẻ khác. Điền là phản chiếu khác của người cha. Người cha vì tổn thương của bản thân mà khiến người phụ nữ chịu đau khổ. Điền lại vì bảo vệ người phụ nữ mà gây hấn với những tên đàn ông. Nhân vật nam thể hiện tính cách một chiều, tâm trạng nhanh chóng chuyển hóa thành hành động bạo lực. Sương quan niệm cánh đồng là không gian hóa giải: “Em càng trả thì thù càng nhiều.” Sương đi vào cánh đồng và chìm khuất trong không gian bao la là sự thỏa hiệp với nỗi đau. Điền đứng trên chòi canh, tách biệt với cánh đồng để tìm kiếm chị, hay cũng là chống lại nỗi đau khổ.

Hình 3.14: Cảnh quay của Sương chìm dần vào cánh đồng, hình ảnh Điền tìm kiếm chị trong khoảng không gian mênh mông

Sự trình hiện nhân vật Sương gắn với không gian cánh đồng nỗi đau về sự hi sinh nhưng không được thấu hiểu. Người phụ nữ ước mơ về hạnh phúc gia đình trọn vẹn nhưng sự vô tâm, lạnh nhạt của những người đàn ông đã giết chết ước mơ ấy. Họ chìm vào “cánh đồng bất tận” của nỗi buồn như một sự cam chịu. Sương hay chính người mẹ được đồng nhất với cánh đồng, là biểu tượng hòa giải với nỗi hận thù. Trên hành trình bất tận của cuộc đời, những nỗi đau mà người đàn ông gây ra hẳn người phụ nữ không dễ quên được, nhưng học chấp nhận và dung hòa nó trong tình yêu thương bất tận. Đó là vẻ đẹp nhưng cũng là nỗi bi kịch mà người phụ nữ phải nhận lấy trong không gian gia đình mà người đàn ông là trung tâm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 85 - 89)