Nhân vật Nương trong không gian chiếc ghe

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 90 - 94)

Khi cứu giúp và chăm sóc cho Sương, Nương bất giác nhớ đến hình ảnh người mẹ chải tóc bên mé sông. Một cảnh tượng thật bình yên, và được xem là đẹp đẽ nhất về người mẹ. Nương yêu thương mẹ, nên cảm xúc của mẹ luôn thường trực. Để khi chỉ cần gặp một người phụ nữ lạ, nỗi nhớ cũng bất giác mà trào dâng. Chi tiết này là sự sáng tạo của đạo diễn vì trong truyện ngắn Nương dường như cố gắng chối bỏ mẹ từ trong tâm hồn, thói quen và tính cách. Cô thương mẹ nhưng cũng sợ cha nên những gì về mẹ “Nương đã quên gần hết”, đến cả trong mơ cô cũng không thể tìm lại được bóng dáng của mẹ năm nào. Nhưng Nương trong điện ảnh lại khác, nhờ sự truyền tải sống động của hình ảnh. Giây phút hoài niệm của nhân vật được hiện lên thật rõ ràng với hình ảnh người mẹ gương mặt phúc hậu và dáng điệu chải tóc bình yên bên mé sông. Phim điện ảnh vừa lồng ghép nỗi nhớ thương vừa có sự hối hận trong cùng một trường đoạn, nhớ cũng chỉ dám nhớ thoáng qua, rồi Nương lại gục vào hai bàn tay mà khóc.

Hình 3.15: Cảnh quay Nương nhìn chị, nhớ mẹ và khóc

Sự trình hiện nhân vật Nương trong không gian gắn với chiếc ghe và cả không gian chuyển tiếp là bến bờ. Đó là nơi gia đình ông Võ dừng chân trong những lần chăn vịt chạy đồng. Trong không gian ấy, nhân vật Nương được trình hiện trong tương quan với Sương và ông Võ. Nương kể về câu chuyện tuổi thơ mình cho Sương. Ở đây máy quay đã dừng lại ba lần để trở về hiện tại lúc Nương kể chuyện cho Sương. Trong cả ba lần ấy, góc quay, không gian, thời gian đều thay đổi. Đầu tiên là góc quay viễn cảnh, lấy trọn không gian và hình dáng nhân vật. Sương và Nương đang ngồi trên một chiếc chòi nhỏ, xung quanh có cả cây cối và nước, là kí hiệu cho ngôi nhà ngày xưa Nương từng sống. Cảnh quay ngược lại về quá khứ, lúc gia đình Nương vẫn hạnh phúc. Lần thứ hai, trường đoạn chuyển cảnh bằng cảnh quay cận cảnh bắt lấy cảm xúc buồn trên gương mặt Nương, báo hiệu câu chuyện sắp đến là biến cố của gia đình cô. Lần thứ ba, trường đoạn cũng chuyển cảnh bằng góc quay cận cảnh gương mặt Nương, nhưng không gian bây giờ đã là trong khoang thuyền và thời gian là buổi tối. Cảnh quay báo hiệu biến cố thay đổi hoàn toàn cuộc đời Nương, không gian bị thu hẹp dần theo chiều hướng tiêu cực. Cuối cùng, cảnh quay đưa ta về lại thời gian hiện tại, cũng là lúc buổi sáng trong khoang thuyền. Ở hai cảnh trước, Sương và Nương ngồi cùng hướng hay ngồi đối diện với nhau. Trong cảnh cuối, Nương hướng mắt nhìn ra ngoài. Trong giọng buồn của Nương thể hiện

sự thông cảm với người cha: “Tía chỉ có tằng hắng và gầm gừ thôi à. Em phải nghe theo tiếng tằng hắng và gầm gừ để đoán coi tía muốn nói gì”. Điện ảnh đã kể lại câu chuyện quá khứ của nhân vật Nương bằng thủ pháp song hành quá khứ. Tình cảm của nhân vật giữa quá khứ và hiện tại đan xen với nhau khiến nỗi buồn bao trùm.

Hình 3.16: Cảnh quay Nương kể chuyện không gian dịch chuyển từ cái chòi đến bên trong chiếc ghe

Ông Võ luôn tức giận khi nhìn Nương bởi ông nhìn thấy ở cô bóng dáng của người vợ bạc tình. Điền nói: “Cũng đáng, ai biểu giống má quá chi.” Cảnh quay Nương ngồi ở mé sông, gợi nhớ đến người mẹ ngồi chải tóc ở bực con sông dài khi xưa khiến ông Võ nổi nóng. Ông nhìn xuống hình ảnh của Nương ở dưới nước, quay lại sửa chiếc radio và ném nó về phía Nương. Sự phản chiếu của nước là một thế giới không có thực thể hiện ý nghĩa Nương chỉ là mang vẻ ngoài giống với người mẹ, nhưng bản chất bên trong là một con người khác. Sự trình hiện tạo nên mâu thuẫn giữa Nương và ông Võ hé mở thù hận, là nguyên nhân khiến gia đình tan nát và người cha đối xử tàn nhẫn với những đứa con. Sự vận động của phim đi từ thù hận đến hóa giải, hình ảnh của người con gái sẽ được tách biệt với người mẹ.

Hình 3.17: Cảnh quay bóng Nương in trên mặt nước và hình ông Võ tức giận ném về Nương chiếc radio

Trong tác phẩm nguồn, hình bóng của Nương khiến ông Vũ đau đớn, trút giận bằng đòn hiểm chỉ vì “đã làm gì giống má, kho cá bỏ nhiều tiêu? Hay vì tôi buộc tóc nhong nhỏng? hay tại tôi ngồi bắt chí cho thằng Điền?” [24, tr.128]. Hình dáng của Nương gợi ông Võ nhớ về sự bội bạc của người vợ, là vết thương không thể nào lành. Nhưng trong tác phẩm nguồn, “Những thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng làm sao tôi có thể từ bỏ hình hài này” [24, tr.183]. Cả trong tác phẩm cải biên, Nương cũng chối bỏ sự giống nhau ấy để xoa dịu nỗi đau của người cha. Quần áo Nương chỉ toàn là đồ cũ, những tấm áo trắng ngả sang vàng, quần rộng và gương mặt lúc nào cũng nhem nhuốc. Màu sắc cũ kĩ đối lập với sự trình hiện của người mẹ trong kí ức. Sự trình hiện thể hiện ý nghĩa nhân vật Nương đối với ông Vũ là nỗi đau quá khứ không thể chữa lành. Nương không dám mặc đồ, để tóc giống mẹ vì sợ khơi lại nỗi đau của người cha. Nỗi đau của ông Võ đã là hình ảnh của quá khứ, một hình ảnh không có thực nhưng vẫn dai dẳng, ám ảnh lấy cuộc sống hiện tại.

Sự trình hiện nhân vật Nương thời thơ ấu và giai đoạn đầu khi gặp Sương là một cô gái cam chịu, và cô nghĩ sự cam chịu cũng là một kiểu yêu thương. Nương luôn nhìn cha bằng ánh mắt sợ hãi, điểm nhìn hướng từ dưới lên trên, thể hiện uy lực và sự chiếm lĩnh của người đàn ông. Trong giai đoạn này, ta có thể hiểu được nhân vật Nương là cô gái bị giam cầm trong quá khứ, luôn ám ảnh về sự ra đi của người mẹ. Cô luôn dằn vặt vì đó là lỗi của mình. Nương cảm thấy mình phải có trách nhiệm chịu đựng nỗi đau khổ của cha.

Nhân vật Nương trong không gian chiếc ghe là hiện thân của nỗi đau dai dẳng trong quá khứ đối với ông Võ. Nương biết người mẹ ra đi là một tội lỗi mà cô và cả người cha khó tha thứ được. Nhưng tình yêu mà Nương dành cho mẹ luôn thường trực, hiện diện cả trong người phụ nữ mà cô vô tình gặp gỡ. Vì ngoại hình quá giống mẹ nên Nương không thể hóa giải tổn thương trong lòng cha. Cô chỉ có thể âm thầm chịu đựng như một thói quen để an ủi tinh thần của người cha đáng thương. Sự trình hiện đối lập giữa con gái và người cha mang đến ý nghĩa lí giải bi kịch gia đình mà hướng vận động hóa giải nỗi đau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)