Nhân vật Nương trong không gian cánh đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 94 - 107)

Khi Sương bước vào cuộc đời của những đứa trẻ, Nương cũng từ đó mà thay đổi. Nương gần gũi với Sương, cảm thấy hạnh phúc vì tin rằng tình yêu thương của chị cũng sẽ giống như cây sống đời, luôn còn mãi. Tình yêu được sự vật hóa bằng sự trình hiện của cây sống đời. Sương quan tâm đến từng biến đổi nhỏ nhất của Nương và Điền. Khi Nương có kinh, Sương đã nói: “Từ giờ có chị ở đây, chị sẽ không để em phải khổ như vậy nữa”. Sương tự nguyện trở thành người trao tặng của hai chị em khát khao mãnh liệt nhất – tình yêu thương.

Sống trong ám ảnh quá khứ quá lâu, Nương thu mình trên chiếc ghe chật hẹp. Chiếc ghe không có buồng, ngồi trong ghe phải thu người lại khiến con người lại càng nhỏ bé hơn. Sương đã cùng Nương bước vào không gian ấy, giúp Nương cảm nhận được tình yêu thương của một đồng loại nữa, ngoài Điền. Sương đã giúp Nương từng bước bước ra khỏi không gian chật hẹp ấy để đến với thế giới rộng lớn hơn. Mỗi lần ghe dừng lại nơi niềm đồng ruộng mới, Nương đều cùng Sương hướng đến những không gian rộng lớn hơn: từ mé sông, không gian dịch chuyển đến đồng ruộng xanh ngát, đến những bực sông dài phủ đầy lục bình.

Hình 3.18: Hình ảnh không gian sống của Nương từ chiếc ghe đến những không gian rộng hơn

Bên cạnh Sương, Nương dần thấu hiểu được bản thân mình, hiểu rằng bản thân là một cuộc đời riêng, không phải là bản sao của người mẹ. Trước đó, Nương trình hiện cùng người cha luôn trong trai phục cũ nát, thể hiện cho nỗi đau trong quá khứ mà người mẹ đã gây ra cho gia đình. Cảnh quay Nương thử chiếc áo mới như báo hiệu một sự thay đổi mạnh mẽ. Nương không còn sợ hãi người cha, cũng như không còn chối bỏ những gì liên quan đến má. Nhớ lại kí ức về người mẹ đối với Nương không phải là nỗi đau mà càng để cảm thông với lựa chọn của người mẹ. Càng trưởng thành, có lẽ Nương cũng đã thấu hiểu và chấp nhận. Khi Điền hỏi: “Ngó Hai bận vậy giống y bóng má, lát ổng về ổng buồn kiếm cớ đánh nữa đó.” Nương trả lời cứng cỏi: “Kệ, Hai hết sợ tía rồi, bất quá chết là cùng chứ gì.” Nương đã trưởng thành, đã chấp nhận bản thân mình như một phần tất yếu, không thể chối bỏ.

Nương đã sống cuộc đời của chính mình, yêu thương, tha thứ và chấp nhận sự lựa chọn của người khác như một điều mà cô không thể can thiệp. Sương hay Điền ra đi đối với Nương là mất mát lớn, nhưng cũng là một món quà. Nương không mãi chìm đắm trong u buồn mà hướng đến những điều tốt đẹp vẫn còn ở lại bên cô: “Tôi biết ơn Điền ngay cả khi Điền đã bỏ đi, nó cũng để lại trong tôi một món quà. Món quà tuy nhỏ nhưng đứa con thiếu hụt tình thương mẹ cha lại thấy mắt mình cay mãi. Và nỗi xốn xang lại rung lên”. Nương hướng đến không gian rộng hơn trên chiếc ghe. Cô thường ngồi trên mũi ghe, nhìn xa xăm vào khung cảnh sông nước. Lúc này không gian giữa ông Võ và Nương đã xích lại gần nhau. Ông Võ đã cảm nhận được nỗi mất mát, trống trải khi những người thương yêu rời xa. Ông bước vào không gian trong ghe, quan tâm và yêu thương Nương bằng tình thương vụng về. Lần đầu tiên, sau nhiều năm rong ruổi trên khắp các cánh đồng, Nương lại cảm nhận được hơi ấm, sự đùm bọc của người cha.

Sự trình hiện của ông Võ trong trường đoạn cuối phim đối lập hoàn toàn với vị thế của nhân vật ở phần đầu phim. Ông Võ luôn đứng trên đầu ghe hoặc chỗ buồng lái, là không gian uy quyền nhất trong ghe, các nhân vật khác đều phải ngước nhìn. Khi Điền ra đi, ông Võ thu mình vào ghe còn Nương lại dịch chuyển lên nóc ghe. Người phụ nữ hướng đến không gian rộng là sự chấp nhận, bao dung và tha thứ. Người đàn ông thu vào không gian hẹp không gian của gia đình để suy tư về điều mà mình đã mất. Ông Võ không phải mất một người con trai, mà là mất đi cơ hội được sống hạnh phúc, được trở về với cuộc sống đời thường.

Hình 3.21: Cảnh quay sau khi Điền ra đi, ông Võ và Nương ở cuối phim

Khung cảnh bước ngoặt cho thấy sự hồi sinh tâm hồn của ông Võ, Nương ngồi trên bực con sông dài, giống với khung cảnh lúc đầu tác phẩm. Nhưng tính chất đã thay đổi hoàn toàn. Khung cảnh đầu phim tràn đầy sự đau đớn, hận thù, niềm giận dữ bộc phát thành hành động bạo lực. Còn đến lúc này, ông Võ tiến đến ngồi bên cạnh Nương. Giọng ông tằng hắng nhưng đã không còn vẻ hung dữ. Cách xưng hô “tía” vừa ngượng ngùng nhưng cũng thật chân thành. Bức thư lúc người mẹ ra đi để lại, ông đã buông bỏ, xếp lại vết thương quá khứ để dồn tình thương muộn màng còn lại cho Nương. Trong nỗi xúc động, Nương vẫn oán trách: “Giá mà bảy năm qua, cha cũng như vậy thì đâu có tan nát.” Với Nương, sự thay đổi này thật muộn màng, không thể níu giữ hay quay trở lại khoảng thời gian hạnh phúc mà cô từng có trong quá khứ. Tâm lí nhân vật Nương thể hiện trong trường đoạn này vừa thể hiện sự vị tha, yêu thương nhưng cũng nhận thức rất rõ nguyên cớ nỗi bất hạnh của chính mình.

Hình 3.22: Hình ảnh bức thư bị bỏ lại và ông Võ ngồi trên mé sông

Bi kịch nhân vật Nương bị đẩy lên đến cao trào khi cô bị những người đàn ông lạ cưỡng hiếp. Trong cơn đau đớn, Nương đã gọi “tía ơi” đầy khắc khoải. Đây là một chi tiết sáng tạo khác với tác phẩm nguồn là Nương vẫn gọi tên Điền trong vô thức, khiến trái tim người cha nhói đau khi không thể bảo vệ phần trong sáng cuối cùng trong cuộc đời của mình. Cảnh phim đau đớn và gây ám ảnh nhất của bộ phim.

Tiếng thét của hai nhân vật dần chìm vào khoảng lặng. Chiếc ghe bị đám thanh niên xô dạt khỏi bờ, hai thân xác nằm gục dưới dất cố gắng lết đến gần nhau, nương tựa nhau. Sự trình hiện của hai nhân vật đầu đã về chung một nỗi bi kịch bị bỏ rơi, bị làm nhục đến rã rời. Hình ảnh người cha đến bên cạnh Nương, rỏ xuống từng giọt nước mắt đau đớn cùng tiếng thét phẫn nộ là sự bế tắc đến uất nghẹn. Chiếc ghe trôi dạt đã được neo lại bờ, hình ảnh chậu xương rồng in bóng nền trời chiều hé mở về cuộc đời trong tương lai của các nhân vật là sự cố định, đối lập với cuộc sống du mục trước kia.

Hình 3.23: Cảnh quay ông Võ đến bên Nương sau những giây phút đau đớn

Đoạn chuyển cảnh trong trường đoạn cuối là buổi bình minh trên cánh đồng yên bình. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chia sẻ rằng, lựa chọn kết phim khác với tác phẩm nguồn là sự mạo hiểm, nhưng ông vẫn quyết định lựa chọn kể chuyện theo cách riêng của mình để tạo nên một ý nghĩa mới. Ý nghĩa về tương lai lạc quan hơn với số phận người phụ nữ như Nương. Đoạn quay cuối, Nương đứng giữa cánh đồng lúa tươi tốt, xanh um, mỉm cười thật dịu dàng khi nghĩ đến đứa trẻ cô sắp sinh sẽ được đến trường, sẽ tha thứ lỗi lầm cho người lớn. Đây là là sự lặp lại trong trình hiện nhân vật nữ. Sương khi ra đi, đến với một giai đoạn mới trong cuộc đời cũng ra đi trên cánh đồng lúa vàng (cây lúa đã đến thời gian cuối cùng của cuộc đời nó), còn Nương lại đi trên cánh đồng lúa xanh (cây lúa đang trong giai đoạn giàu sức sống nhất). Kí hiệu mang đến ý nghĩa của niềm hy vọng, đoạn đườngn mà Nương bước đi sẽ luôn tràn ngập ánh sáng, trở lại những ngày lạc quan như cô vẫn hằng mơ ước.

Hình 3.24: Cảnh quay Nương bước đi trên đồng lúa và hình ảnh Sương ra đi

Sự trình hiện nhân vật Nương thể hiện sự sáng tạo trong cải biên của những người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm điện ảnh. Nương trong tác phẩm nguồn là một cô gái luôn trong mặc cảm cô đơn, u buồn, thể hiện niềm yêu thương đơn phương. Đến tác phẩm điện ảnh, bằng sự dàn cảnh khéo léo, nhân vật Nương được khắc họa trong nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp. Trong Nương có nỗi buồn thân phận, có nỗi buồn của sự chia li nhưng cũng có niềm vui khi có được sự quan tâm hiếm hoi của người cha. Cuối cùng, nhân vật đã tự cố định cuộc đời của mình trên một cánh đồng, sống và yêu thương đứa trẻ - sản phẩm của sự hận thù. Nương không chỉ tha thứ, chấp nhận nỗi đau mà còn hóa giải được “vết sẹo” quá khứ của người cha. Các nhân vật đều hướng đến tương lai tươi sáng, sống trong tình yêu thương và được đến trường. Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, nhân vật Nương được trình hiện bằng hệ thống kí hiệu rất thống nhất về không gian, thời gian cũng như đối lập trong sự trình hiện với nhân vật Sương hay ông Võ.

Tiểu kết chương 3

Sự trình hiện nhân vật người phụ nữ Sương và Nương được thể hiện xuyên suốt trong hai không gian là chiếc ghe và cánh đồng. Với với Sương, chiếc ghe là không gian hẹp thể hiện cho thân phận người phụ nữ đau thương, bị xô đẩy khỏi không gian sống bình thường, phải nương nhờ trong cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn. Sau đó, chiếc ghe lại trở thành niềm khao khát của Sương khi thể hiện ý nghĩa về hạnh phúc. Sương muốn dùng tình yêu để an ủi tâm hồn vỡ nát của ông Võ. Khát vọng trái ngược với thực tại, yêu thương chỉ nhận lại phũ phàng khiến Sương lựa chọn con đường ra đi để chấm dứt đau khổ. Trong quan hệ song hành với kí hiệu trình hiện giữa Sương và người mẹ, nhân vật người mẹ thể hiện những những uẩn khuất

trong hoàn cảnh và tâm trạng. Nỗi ám ảnh với gia đình ông Võ là sự phản bội của người mẹ. Sương là người đã lặp lại một lần nữa hành động ấy để những người trong gia đình thấu hiểu về người mẹ trong quá khứ. Người phụ nữ không thể được hiểu một cách đơn giản và áp đặt. Đằng sau lựa chọn tưởng chừng là nhẫn tâm nhất có thể là một sự hi sinh lớn lao, sự trình hiện nhân vật Sương khiến các nhân vật khác và cả người đọc cùng đối thoại về người mẹ.

Với nhân vật Nương sự trình hiện với kí hiệu chiếc ghe và cánh đồng có sự vận động theo tính chất tích cực. Chiếc ghe thể hiện ám ảnh của Nương về sự ra đi của người mẹ. Nương khao khát tình yêu thương từ mẹ và cha nhưng không thể nhận được trong thực tại. Cô gửi hết tấm lòng của mình vào Sương, Điền, người cha và cả đứa trẻ sinh ra từ hận thù của con người. Nương hướng đến cánh đồng trong tâm trạng bình thản đón nhận đứa trẻ. Nương là người sẽ chấm dứt nỗi đau trong người cha và mở ra con đường tương lai cho chính mình.

Sự trình hiện nhân vật trong điện ảnh mang đến cho người đọc ấn tượng về người phụ nữ nông thôn Nam Bộ giàu tình yêu thương và vị tha. Cuộc đời họ chịu nhiều đau khổ vì định kiến xã hội và sự bội bạc của người đàn ông. Những người phụ nữ như Sương, Nương, cô Chín trong xóm, người mẹ và những người đánh ghen đều đau khổ vì người đàn ông. Người phụ nữ yêu thương hết mình nhưng nhận lại là sự phũ phàng, bội bạc. Nỗi bất hạnh chỉ có thể được giải tỏa khi con người biết chấp nhận và yêu thương, là thông điệp mà tác giả thể hiện cuối tác phẩm.

KẾT LUẬN

Trong dòng chảy văn hóa, người phụ nữ được trình hiện với nhiều khía cạnh phong phú. Người phụ nữ Việt Nam trong quan niệm truyền thống gắn với khái niệm yêu thương, hy sinh và sự thủy chung. Phân tích sự trình hiện người phụ nữ trong văn học và điện ảnh đã khám phá nhiều hơn giá trị của người phụ nữ. Dù họ mang giá trị phi truyền thống, có cá tính và bản lĩnh riêng thì vẫn đáng được trân trọng. Bản chất của đối tượng nghệ thuật không bao giờ là đơn giản, một chiều. Người đọc cần vận dụng phương pháp phân tích sự trình hiện theo kí hiệu học bằng cách đặt các hệ thống kí hiệu trong mối quan hệ tương đồng và tương phản để khám phá được những tầng vỉa sâu kín ấy.

1. Về khía cạnh lí thuyết và phương pháp, luận văn đã giới thiệu, trình bày lí thuyết sự trình hiện của Stuart Hall và cách thức phân tích sự trình hiện theo mô hình kí hiệu học. Sự trình hiện là quá trình kết hợp giữa ba yếu tố khái niệm (concepts), kí hiệu (signs) và ý nghĩa (meanings), trong đó khái niệm then chốt là kí hiệu. Người đọc thông qua phương pháp diễn giải là đặt kí hiệu trong hệ thống tương ứng, khái quát mối quan hệ tương đồng và đối lập. Ý nghĩa được tạo nên trong tương tác kí hiệu của các hệ thống có chất liệu và cấu trúc khác nhau. Càng nhiều ý nghĩa được sinh ra trong thực hành văn hóa càng chứng tỏ được sức sống của tác phẩm dồi dào. Người viết đề xuất hướng nghiên cứu gắn với trường phái kí hiệu học phương Tây, thay thế cách khai thác ý nghĩa dựa trên chi tiết hay liên hệ và minh họa cho một tư tưởng nào khác ngoài văn bản.

2. Về khía cạnh thực tiễn, phương pháp diễn giải sự trình hiện của Stuart Hall đã góp phần thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ. Bằng chất liệu ngôn từ của truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư đã thể hiện người phụ nữ trong hệ thống nụ cười và nước mắt. Người phụ nữ không hoàn toàn cô đơn như trong kết luận của các nghiên cứu trước đó. Ngược lại, Sương, Nương và người mẹ có sự thấu hiểu và cảm thông cho bi kịch của nhau. Cách diễn giải mới đặt lại vấn đề về thân phận người đàn ông – nhân vật được xem là nạn nhân của sự phản bội. Người đàn ông mới là kẻ cô đơn nhất trong chính hoàn cảnh mà anh ta lựa chọn: tìm kiếm hạnh phúc xa xôi mà gạt bỏ yêu thương luôn hiện hữu bên cạnh. Phương pháp diễn giải mới phá bỏ

sự đóng khung về số phận người phụ nữ, có phép sự trình hiện nhân vật vắng mặt – người mẹ - hiện lên thật rõ ràng. Người mẹ luôn phản chiếu trong tất cả các nhân vật để người đọc một lần nữa cùng đồng cảm và suy xét về hành động ra đi của cô. Sự trình hiện nhân vật người phụ nữ trong phim điện ảnh “Cánh đồng bất tận” kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, tác phẩm điện ảnh thể hiện nhân vật nữ gắn liền với hai không gian có tính chất trái ngược nhau: chiếc ghe (chật hẹp, tối tăm) và cánh đồng (hoang dại, mênh mông). Sự trình hiện nhân vật nữ có sự vận động từ không gian hẹp đến rộng, từ bóng tối đến ánh sáng. Tác phẩm vừa là hiện thực về nỗi đau thể chất và tinh thần mà nhiều người phụ nữ nông thôn đang trải qua trong cuộc sống hiện đại. Đồng thời, tác phẩm cũng mở ra một kết thúc mới mang đến hi vọng và sự đổi thay tích cực. Khi ám ảnh về quá khứ được xóa bỏ sau quá nhiều mất mát, đau thương, con người đi đến tận cùng của bất hạnh nhưng vẫn có thể giải thoát cho chính mình bằng sự tha thứ và thỏa hiệp với thực tại và quá khứ. Ý nghĩa nhân vật được tạo nên trong quá trình thực hành sự trình hiện, cụ thể hóa khái niệm cá nhân của tác giả thành kí hiệu trên văn bản. Người tiếp nhận thông qua quá trình giải mã khám phá nhiều chiều sâu và đối thoại cùng nhân vật để tạo nên bối cảnh văn hóa sinh động trong tác phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 94 - 107)