Thuật ngữ cơ bản về điện ảnh được người viết dựa trên cuốn sách “Flims Studies The Basic” của tác giả Amy Villarejo và cuốn “Nghệ thuật điện ảnh” của David Bordwell và Kristin Thompson. Tác giả đã trình bày về nghệ thuật điện ảnh như một hệ thống ngôn ngữ độc lập.
“Phim được cấu trúc như một ngôn ngữ. Phim được cấu thành bởi các đơn vị cơ bản, được gọi là các cảnh quay (shot), phim phụ thuộc vào dựng phim (edits) để kết hợp các cảnh quay lại thành một chuỗi lớn hơn gọi là các trường đoạn (sequences) (một loạt các cảnh quay được thống nhất với nhau trong không gian và thời gian), giống như các từ trở thành câu.” (Amy Villarejo) [31, tr.24].
Khái niệm dàn cảnh (mise-en-scène) là cách sắp xếp những cảnh quay theo một trật tự nhất định nhằm thể hiện ý nghĩa nào đó. “Dàn cảnh là yếu tố chủ yếu tạo nên “thế giới của phim”, nó tạo nên cảm giác của ta đối với chi tiết” (Amy Villarejo) [31, tr.24]. Trong dàn cảnh có rất nhiều yếu tố tạo nên ý nghĩa phim, mỗi yếu tố giống như một kí tự trong ngôn ngữ. Khi đứng riêng lẽ, chúng chưa thể tạo nên ý nghĩa, nhưng khi kết hợp trong cùng một hệ thống, những kí tự sẽ trở thành kí hiệu, mang đến một thông điệp. Các yếu tố được chú trọng trong phân tích dàn cảnh là: khung cảnh, màu sắc, âm thanh…
Dàn cảnh là nhân tố quan trọng trong phân tích nghệ thuật điện ảnh vì nó có khả năng “biến đổi các quan niệm thông thường về thực tại” [31, tr.24] của các nhà làm phim. Trong một tác phẩm điện ảnh, hiện thực được tái tạo thông qua quan niệm cá nhân và tư tưởng hệ mà tác giả chịu ảnh hưởng. Dù đó là tác phẩm phóng sự, phim tài liệu thì vẫn có sự sắp đặt của con người trong thông tin được trình hiện.
Vì thế, tìm hiểu sự trình hiện trong điện ảnh chính là phân tích yếu tố cấu thành nên hình tượng ấy như các cảnh quay, sự kết hợp màu sắc, âm thanh… Sự tổng hòa của các yếu tố không chỉ giúp nhân vật hiện ra tường minh mà góp phần thể hiện ý nghĩa sâu xa, khơi gợi sự tìm hiểu của người đọc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một thế giới độc lập, thoát khỏi sự chi phối về tư tưởng của tác giả. Người đọc được tự do liên tưởng để tạo nên ý nghĩa với sự liên kết các kí hiệu trong cùng hệ thống.
Tiểu kết chương 1
Chương 1 đã trình bày những khái niệm cơ bản mà luận văn sử dụng tiến hành phân tích sự trình hiện trong hai tác phẩm là truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư và bộ phim điện ảnh cải biên cùng tên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Người viết đã trình bày khái niệm quan trọng trong phân tích sự trình hiện là kí hiệu. Phương pháp phân tích thông qua hệ thống kí hiệu nội tại tác phẩm giúp khám phá bản chất của đối tượng trong nhiều khía cạnh. Ý nghĩa văn bản được tiếp nối, tạo thành ước lệ trong văn hóa.
Xuất phát từ các điểm tựa lí thuyết trên, ở các chương sau, luận văn chủ yếu đi vào tìm hiểu sự trình hiện nhân vật người phụ nữ trong hai tác phẩm là truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” và bộ phim cải biên cùng tên. Sự trình hiện không chỉ đơn giản là sự phản ánh con người vào thế giới kí hiệu mà còn gửi gắm thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đến người tiếp nhận. Trên hành trình lưu chuyển các kí hiệu, nhà làm phim đã thể hiện lại quá trình tiếp nhận của mình bằng một văn bản khác với hệ thống kí hiệu mới, chất liệu mới và ý nghĩa mới – “ý nghĩa của văn bản văn hóa được tạo ra “trong sự tương tác giữa văn bản và người đọc” [17]. Sự trình hiện hay sự thực hành kí hiệu là phương tiện giúp tiếp cận tác phẩm trong hệ thống nội tại
của nó, ý nghĩa không phải sự võ đoán, mang tính phổ biến mà sẽ đậm tính cá nhân nhưng vẫn giữ được sự khách quan, logic của các yếu tố.
Phương pháp trình hiện nhân vật mang đến góc nhìn đa chiều về một đối tượng. Bằng việc khái quát sự vận hành của hệ thống kí hiệu, đối tượng thể hiện ý nghĩa mới trong tương quan với các đối tượng trong cùng hệ thống. Kí hiệu gợi nên không chỉ là đối tượng mà còn là ngữ cảnh văn hóa, quan hệ tương phản hay tương đồng tạo nên cơ sở vững chắc cho sự diễn giải ý nghĩa. Do sự lưu chuyển bất tận của sáng tác nghệ thuật trong đời sống văn hóa của một cộng đồng, ý nghĩa về đối tượng không ngừng được thay đổi và bổ sung. Hiểu về sự trình hiện, con người sẽ có được quan niệm đánh giá khách quan về đối tượng mà ta tiếp nhận trong văn bản.
Chương 2: Sự trình hiện nhân vật nữ trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” 2.1. Nụ cười và nước mắt trong cuộc đời nhân vật Sương
“Cánh đồng bất tận” là tác phẩm có sức sống lâu dài khi cả hai hình thức thể hiện là truyện ngắn và điện ảnh đều trở thành đề tài được dư luận tranh cãi trong thời gian dài. Đặc trưng của truyện ngắn là ngôn từ giàu tính hình tượng và có thể diễn đạt trực tiếp tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật. Hệ thống kí hiệu được tạo nên từ ngôn từ trong việc xây dựng thế giới nội tâm của nhân vật. Điện ảnh sử dụng chất liệu hình ảnh và âm thanh để thể hiện tính quá trình của câu chuyện. Từ những đặc trưng về chất liệu, phương pháp phân tích sự trình hiện bằng kí hiệu có sự khác biệt đối với hai tác phẩm. Trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, nhân vật được trình hiện thông qua kí hiệu cảm xúc trực tiếp và phong phú (bảng 1 phần phụ lục). Vì thế, người viết lựa chọn diễn giải nhân vật nữ trong truyện ngắn bằng hệ thống kí hiệu nụ cười và nước mắt.
2.1.1. Nụ cười của Sương
Nụ cười của Sương là sự chấp nhận
Trong tác phẩm, Nương cười sáu lần và khóc hai lần. Sương là nhân vật cắt ngang qua cuộc đời cha con ông Vũ trong 3 chương truyện (trên tổng số 8 chương), tỉ lệ thể hiện cảm xúc trực tiếp của cô là 18% (xem bảng 1). Trong đó, nụ cười là nổi bật hơn cả (chiếm đến 60% trong tổng số cảm xúc mà Sương trình hiện).
Tỉnh dậy sau khi bị những người phụ nữ báo thù cay độc. Sương không khóc, không oán trách thân phận của mình như nàng Kiều của Nguyễn Du, trong đêm thanh vắng khóc thương cho nhân phẩm bị chà đạp: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa” (Nguyễn Du). Cô gái điếm Sương xem chuyện làm điếm bình thường như bao nghề nghiệp khác. Nghề nghiệp kiếm được miếng ăn và cũng phải sẵn sàng chấp nhận những rủi ro. Trong một xã hội khi con người còn quá thiếu thốn về vật chất, phải chắt chiu từng đồng tiền vay vốn để “xóa đói giảm nghèo” thì nghề nghiệp của chị là trái ngược với đạo đức, vi phạm lẽ sống mà người khác tôn thờ.
Trong tác phẩm, nhiều lần tác giả miêu tả nhân vật Sương cười. Cô như một diễn viên và con thuyền là gánh hát, Sương điều khiển tất cả những cảm xúc của mình để tạo nên sự trình hiện của một cô gái điếm trước mặt những người chưa quen biết. Ban đầu, có thể Sương muốn dùng nụ cười để tìm sự giúp đỡ nơi ông Vũ, Nương và Điền nhưng theo thời gian, nụ cười ấy đã biến đổi. Kí hiệu về nụ cười không phải chỉ là một chi tiết khắc họa tính cách nhân vật mà còn được tạo nên ý nghĩa khi đặt trong hệ thống với các nhân vật khác và với người phụ nữ và người đàn ông.
Nụ cười rất đỗi tự nhiên của Sương khi cô tỉnh dậy đối lập hoàn toàn với trạng thái khi chị mới lên thuyền. Thân thể tàn tạ, Sương chỉ có thể nằm im nghe nỗi đau thấm vào da thịt. Khi người ta còn chưa biết về chị, Sương trình hiện bằng chi tiết khiến người khác phải cảm thương. “Họ giằng ném, quăng quật chị trên cái nền vương vãi trấu… Họ dùng dao phay chặt đứt mái tóc dài kia, dục dặc, hì hục như một đám cỏ cứng và khô.” [25, tr.168] Mối quan hệ giữa nhân vật Sương và không gian chạy trốn là hai hệ thống đối lập nhau, trong đó Sương là nạn nhân, phải bị động trước hoàn cảnh. Trước sự hung bạo của những người phụ nữ, chị không thể phản kháng mà chỉ có thể tháo chạy. Quan hệ giữa nhân vật Sương trong không gian chạy trốn hỗn loạn ấy gợi lên sự đáng thương của người phụ nữ. Dù trước đó, theo quan niệm đạo đức, việc làm của Sương là sai trái nhưng sự trừng phạt bằng vũ lực bao giờ cũng là cũng khiến người ta phải cảm thương. Có ý kiến cho rằng việc nhân vật Sương bị đánh ghen ngay từ phần đầu của truyện thể hiện sự đồng tình của tác giả về sự trừng phạt đối với người thứ ba trong quan hệ hôn nhân. Trong truyện, có những người phụ nữ trên hành trình bất tận mà Nương gặp, không ít người từng đánh ghen. Họ có hả hê, có mãn nguyện ngay lúc ấy nhưng nỗi đau mà cả “nạn nhân” – người đánh ghen - và “thủ phạm” – cô gái điếm, theo thời gian, đều không hề phai đi. Nguyễn Ngọc Tư miêu tả rõ tâm lí đánh ghen của những người phụ nữ là cách ứng xử bình thường như việc “ăn miếng trả miếng” – “Nó cướp chồng tui thì tui phải đánh cho nó tởn chớ” [25, tr.188]. Người phụ nữ luôn thấy bi kịch của mình chính là từ những người phụ nữ khác. Người đàn ông giống như một “chiến lợi phẩm” trong motif kết hôn với hoàng tử của văn học dân gian, hoàn toàn thụ động và được kì vọng là phần thưởng cuối cùng cho người chiến thắng trong cuộc tranh giành. Sự quyết liệt tranh giành trong tình yêu được Nguyễn Ngọc Tư ví như
chiến tranh, để khi người phụ nữ đó kể lại với gương mặt đầy tự hào như “một người đi qua trận địa cũ và nói với ông bạn mình” [25, tr.188]. Trớ trêu thay kết quả cho người chiến thắng cũng là sự bẽ bàng mà người đàn ông mang đến: “Chồng chị bỏ ngay cô tình nhân nầy và trớ trêu thay, anh ta chạy theo… cô khác” [25, tr.188]. Chi tiết đánh ghen là sự tàn ác của con người, nhưng nghe thật bình thường, dửng dưng. Điều đó là báo hiệu của tâm hồn con người đang dần chai sạn. Con người chỉ cảm nhận được nỗi đau của mình, khỏa lấp nỗi đau ấy bằng mọi giá mà không màng đến tổn thương của đồng loại. Trong sự lạnh lùng ấy, Nguyễn Ngọc Tư trình hiện nhân vật Sương như nạn nhân. Tác giả không cổ xúy hành động trả thù, bởi trả thù cũng như chiến tranh, không có người thắng và kẻ thua, chỉ có những nỗi đau không thể nào khỏa lấp. Sương là người nhận lấy, cũng là điểm mốc cuối cùng của sự hận thù. Chị nhận lấy nỗi đau xác thịt như một điều tất nhiên để chấm dứt sự giận dữ từ những người phụ nữ khác. Sương không bao giờ có ý định trả thù họ, không phải bởi mặc cảm tội lỗi, mà có thể “chấp nhận cũng là một thói quen”, Hình ảnh đầu tiên Sương được trình hiện là một nạn nhân vừa thoát khỏi một cuộc đánh ghen. Nhân vật đáng thương và cần được che chở. Ngay trong tác phẩm, ý nghĩa ấy được thể hiện trong thái độ của Nương: “Tôi mất mấy giây để háo hức thấy mình nghĩa hiệp như Lục Vân Tiên, tôi lồm cồm xô ghe dạt khỏi bờ, sợ hãi và sung sướng.” [25, tr.165]. Trong quan niệm của người dân miền Tây Nam Bộ, Lục Vân Tiên là nhân vật đại diện cho việc nghĩa, không màng tư lợi. Nhân vật Sương được cô bé Nương giúp đỡ là sự đồng nhất giữa nhân vật Sương với người bị hại, bị áp bức, bất công và Nương là người tương trợ, làm việc nghĩa hiệp. Trong quan niệm của tác giả, ngay từ sự trình hiện đầu tiên của nhân vật Sương mang dáng vẻ tội nghiệp, nạn nhân thụ động trước bạo lực, một nạn nhân cam chịu áp bức. Từ đó, người đọc được gợi nên niềm đồng cảm với nhân vật, chưa vội phán xét mà cảm thấy thương xót nhiều hơn cho thân phận người phụ nữ vốn chịu nhiều bất hạnh. Điểm nhìn trần thuật của nhân vật Nương cũng là phương diện khơi gợi sự đồng cảm từ người đọc.
Sự trình hiện của Sương trước và sau khi cô tỉnh dậy trên ghe có yếu tố tương phản và chuyển đổi mạnh mẽ. Sương khi bị vây đánh hoàn toàn là nạn nhân yếu đuối,
không một sự phản kháng, chống chọi, cô khiến người ta thương cảm bởi “đôi vú rách bươm và khoảng đùi rướm máu” [25, tr.164]. Vậy mà Sương vẫn không quên nặn ra “nụ cười mếu máo, nói cảm ơn bằng mắt và thiếp đi” [25, tr.164]. Đó là sự trình hiện nụ cười đầu tiên của nhân vật Sương. Ý nghĩa của nụ cười đó được tạo nên trong mối quan hệ của hàng loạt kí hiệu trước đó về bối cảnh truyện, hành động nhân vật. Nụ cười khiến người đọc đồng cảm với thân phận của cô gái phải chạy trốn khỏi bạo lực, người phụ nữ đáng thương và cần được che chở. Nụ cười đầu tiên là của sự biết ơn dành cho người dang tay cứu vớt cô lúc hoạn nạn. Nụ cười trộn lẫn nước mắt, nhưng đó chỉ là nỗi đau đớn của thể xác, báo hiệu cho sự mở đầu trong hành trình mới của nhân vật Sương. Cô sẽ đồng hành trên con thuyền này, trải qua cả hạnh phúc và đau khổ, một hành trình ngắn mà nỗi đau dài.
Lần thứ hai Sương nở nụ cười là khi cô tỉnh dậy trên thuyền và nhận ra “Đồng đất trống trơn, trên bờ kênh chơ vơ những cây gòn” [25, tr.169]. Không gian thay đổi có sự tương đồng với Sương, cảnh vật hoang tàn, héo úa, mất đi sức sống như người con gái vừa trải qua biến cố. Sự thay đổi không gian báo hiệu sự thay đổi về ý nghĩa và vị thế của nhân vật. Trên cánh đồng khô khốc, tên Sương mang ý nghĩa về nước, là sự tinh khiết và trong trẻo là kì vọng về một sự thay đổi tích cực, về dòng nước mát sẽ hồi sinh những cánh đồng.
Giọng nói của Sương trình hiện trong sự đối lập với thân thể đầy vết thương của cô – “giọng nói chị không bị thương tích gì hết, trong vắt và ngọt ngào” [25, tr.169]. Dường như trận đánh bão táp vừa qua không hề khiến Sương bận tâm. Đối với những người mới quen, Sương tỏ ra thân thiện bằng cách xưng hô “chị - mấy cưng”. Đó là từ xưng hô mà những đứa trẻ trên ghe hẳn đã lâu lắm chưa được nghe. Trên chiếc ghe bé nhỏ là cuộc đời chắp vá của ba con người: hai đứa trẻ Nương và Điền sớm thiếu thốn tình thương người mẹ; người cha vì sự phản bội của người vợ mà thành ra thù hận, căm ghét đàn bà. Trên nền bối cảnh ấy, sự trình hiện của nhân vật Sương như một điều mới mẻ, khác lạ trong con thuyền tối tăm này. Và giọng nói chính là khởi đầu cho sự khác lạ ấy. Khi nói về vết thương và về bản thân mình, Sương đều đáp lại với thái độ thản nhiên và nụ cười. “Chị cười, bị đánh hoài riết cũng quen. Tôi hỏi chị làm gì để bị đánh. Chị cười, “Làm đĩ” [25, tr.169]. Đằng sau
tiếng cười không phải sự suồng sã, thiếu tế nhị khi nói những chuyện “người lớn” cho những đứa trẻ biết mà sự cay đắng và chấp nhận mà cả cuộc đời Sương đã trải qua. Trong ý nghĩa của nhân vật đã có sự phát triển rõ ràng hơn. Sương được trình hiện là người phụ nữ phi truyền thống. Chị làm nghề buôn phấn bán hương nhưng không cảm thấy đó là một “chuyện bất đắc dĩ” mà là một nghề nghiệp bình thường như bao nghề khác. Trong văn học từng trình hiện nhân vật nữ ở thanh lâu, nhưng họ đều có nỗi khổ và thường che giấu điều đó, như nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, cô gái ăn sương trong truyện ngắn “Người ngựa ngựa người” của Nguyễn Công Hoan hay nhân vật Huyền trong tiểu thuyết “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng. Nụ cười của Sương là sự chấp nhận thân phận và cũng là sự hi vọng những