Nước mắt của Sương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 60 - 63)

Nước mắt là nỗi thương xót cho thân phận

Sự trình hiện nhân vật Sương ở phần đầu và cuối tác phẩm có sự hô ứng. Trong phần một, Sương tháo chạy khỏi những người đàn bà đánh ghen mà nương nhờ chiếc thuyền của ông Vũ. Người đầy vết thương và không còn sức để nói lời cảm ơn cho tử tế. Tiếng khóc là dấu hiệu để những người xung quanh biết Sương vẫn sống – “Trên ghe chỉ trôi mênh mang những tiếng rên khi dài, khi ngắn, khi thiu thỉu buồn xo, lúc nghe như tiếng nấc nghẹn ngào…” [25, tr.165].

Sự trình hiện nước mắt của nhân vật Sương trong ý nghĩa này đối lập với nụ cười. Nụ cười là niềm lạc quan chống lại sự định kiến, là niềm hy vọng có được hạnh phúc giản đơn. Sâu thẳm trong nụ cười còn là nước mắt. Trong tác phẩm, nước mắt được trình hiện ba lần cũng là ba bước ngoặt trong hành động nhân vật. Sưong là người có tâm hồn nhạy cảm và đầy trắc ẩn. Xuất phát từ nỗi thương mình, Sương biết cảm thông cho những người phụ nữ khác. Họ dù không phiêu bạt như cô, không lừa gạt, không dùng để thân xác để đổi lấy miếng ăn nhưng nỗi đau tinh thần họ phải chịu đựng không gì đong đếm được. Nương kể cho Sương nghe về sự bội bạc của người cha, về sự trả thù nghiệt ngã của ông với cuộc đời, để Sương không phải “ray rứt với thân phận làm đĩ” [25, tr.205]. Đó là suy nghĩ của Nương nhưng ý nghĩa trình hiện của những giọt nước mắt ấy cũng là niềm thương cho những người phụ nữ. Họ đã tin, đã yêu, giống như Sương đang đặt hy vọng vào ông Vũ, để rồi nhận lấy nỗi thất vọng bẽ bàng. Vượt trên nỗi đau của cá nhân, giọt nước mắt của Sương cũng chảy vì người khác. Đó là những người phụ nữ bị người đàn ông bội

bạc. Nỗi đau ấy những nhân vật nam khó lòng cảm nhận được, và ngay cả Nương cũng chưa thể thấu cảm, chỉ có Sương, một cô gái từng trải mới thật sự vì họ mà đau lòng.

Nước mắt là sự bẽ bàng của nỗi đau bị chối bỏ

Sự trình hiện nước mắt của nhân vật Sương còn phản ánh ý nghĩa nỗi đau trong tâm hồn. Sương là một cô gái giang hồ, lẽ thường khiến người ta dễ nghĩ rằng chị là người phụ nữ dễ dãi, có thể dùng thân xác để trao đổi kiếm lấy miếng cơm. Ngay cả Nương cũng nghĩ về chị như thế: “Làm điếm được trả tiền mà buồn nỗi gì” [25, tr.173], hay nguyên nhân khiến Sương bám riết lấy ông Vũ là vì nỗi nghiện thân xác, cần nhiều hơn là thú tình yêu tinh thần. Nếu sự trình hiện của nhân vật Sương khớp với những suy nghĩ ấy thì hẳn chi tiết cuối cùng sẽ trái với logic phát triển tính cách nhân vật. Nếu Sương chỉ xem chuyện trao đổi với những người kiểm dịch là “chuyện nhỏ”, là công việc thì tại sao Sương lại khóc khi thấy ông Vũ không một chút quan tâm: “Chị lẹ làng lấy tay quệt lên mắt, mảng nước nhòe nhoẹt bên màng tang, bết cả vào mớ tóc mai” [25, tr.209]. Đặt nhân vật Sương trong sự kiện có tính quyết định, thử thách lựa chọn của cả hai nhân vật là Sương và ông Vũ, ý nghĩa trong giọt nước mắt của Sương thể hiện cho ý nghĩa nỗi đau đớn, thất vọng bị phũ phàng.

Đến cuối cùng, ông Vũ vẫn nhìn Sương bằng con mắt của người đời, chẳng khác nào những người phụ nữ trước mà máy xát gạo đã xoi mói, đay nghiên thân thể cô. Ông Vũ tổn thương Sương bằng sự thờ ơ, vô tình: “Cha tôi cười, hơi giễu cợt: “Sao, hồi tối vui không? Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả? Cứ để họ nghĩ vậy…” [25, tr.209] Trong thoáng chốc, lời nói ấy là sự đồng nhất khái niệm của ông Vũ giữa Nương và người vợ. Ý nghĩa về người phụ nữ trong quan niệm của ông Vũ, bất cứ người phụ nữ nào cũng giống như người mẹ, hư hỏng, ham muốn vật chất. “Sự dâng hiến” của Sương với ông chỉ là “chiêu trò kiếm cơm”. Ý nghĩa ấy là sự diễn giải trái ngược với bản chất. Như sự trình hiện về nụ cười, Sương thể hiện ý nghĩa mình là người phụ nữ khao khát hạnh phúc gia đình. Những đứa trẻ từng gặp nhiều người phụ nữ, có những người mà Nương hy vọng chị sẽ gắn bó lâu dài với chiếc thuyền cũ này. Nhưng người để Nương tâm sự và kể lại hết quá khứ

của gia đình, chỉ có mình Sương. Trong dòng truyện trở về quá khứ của những đứa trẻ, Sương như người quan sát, xúc động, thương cảm và thật sự mong muốn được đồng hành cũng Nương và Điền. Những giọt nước mắt chị buồn về sự ra đi của người mẹ, giọt nước mắt chị thương Nương và Điền phải trải qua nhiều “lần đầu” mới rút được kinh nghiệm. Tất cả những cảm xúc ấy không thể là “chiêu trò” mà chỉ có thể xuất phát từ cảm xúc yêu thương chân thật. Vì thế mà Sương đánh cược niềm hy vọng cuối cùng vào tâm tư của một người đàn ông. Giọt nước mắt cuối cùng không phải là sự thua cuộc mà là lựa chọn chủ động của Sương với cuộc đời, như người mẹ đã dứt khoát ra đi khi không thể đối diện với người chồng và những đứa con. “Chị ngó trân vào cha, rồi quay ra nhìn tôi, chị để rớt từng lời: - Má cưng ác một, nhưng người cha nầy của cưng ác tới mười. Nói rồi chị quay đi. Chân vướng dấp dúi vào cỏ. Con đường nhỏ dầm chan trong màu hoa mua tím.” [25, tr.209]. Giọt nước mắt của Sương như dội ngược về quá khứ để trình hiện lại khoảnh khắc người mẹ ra đi. Nụ cười mỏi mê, mỏi nhừ của Sương tương đồng với tiếng thở dài kín đáo của người mẹ: “Tiếng thở dài thườn thượt, nghe buồn mênh mông, chảy từng giọt như nước mắt” [25, tr.178]. Mối quan hệ ấy buộc người đọc và ngay cả Nương phải suy nghĩ lại về nguyên nhân người mẹ ra đi. Có thật người mẹ đã đổi lấy tấm vải đỏ hay đó chỉ là ám ảnh trong mơ của Nương? Người mẹ ra đi vì chính mình hay chính là hi sinh cho gia đình? Sương đã thấu hiểu người mẹ, số phận người phụ nữ được nối kết với nhau trong bi kịch chung về hạnh phúc. Ý nghĩa trong sự ra đi của chị giống với lựa chọn của người mẹ, tuy hoàn cảnh không giống nhau. Có phải người mẹ ấy biết rằng nếu ở lại thì kết quả cuối cùng cũng buộc phải ra đi? Sợi dây hi vọng nối kết những con người đã đứt gãy. Sương tiếp tục đi trên đường đời bề bộn. Điền mãi đuổi theo hình ảnh người phụ nữ mang lại cho nó cảm xúc như với mẹ. Và còn lại trên con thuyền là nỗi cô đơn trùm lên hai thân phận nhỏ nhoi.

Sự trình hiện nụ cười và nước mắt của Sương là yếu tố đối lập trong cùng hệ thống trình hiện với nhân vật ông Vũ, Điền và người mẹ thể hiện ý nghĩa có cá tính mạnh mẽ, yêu thương chân thành, hi sinh nhưng cũng biết buông bỏ để giải thoát nỗi đau khổ cho chính mình. Sự trình hiện nhân vật Sương thể hiện quan niệm của tác giả Nguyễn Ngọc Tư rất khác biệt với cộng đồng về người phụ nữ làm nghề mại dâm.

Ngay cả nhân vật Nương và ông Vũ không thể giấu được cái nhìn định kiến thì Sương buộc phải tự cỏi trói cho chính mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)