Nụ cười của Nương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 63 - 68)

Trong tác phẩm, Nương là nhân vật trung tâm. Dòng nội tâm và cảm xúc của nhân vật được tác giả chú ý đặc tả rõ nét. Ý nghĩa trong sự trình hiện của nhân vật phải được nổi bật lên trong mối tương quan đối lập và gần gũi với những nhân vật khác. Nương là “đứa con tinh thần” của tác giả, là linh hồn chứa đựng toàn bộ thế giới quan của tác giả. Nhưng không phải vì thế mà ý nghĩa nhân vật bó hẹp trong tư tưởng ấy. Nụ cười hay nước mắt của nhân vật Nương có khi thật tự nhiên, thể hiện cảm xúc thật của cô bé, nhưng cũng có thể là sự đối lập với suy nghĩ. Thấu hiểu một nhân vật vừa đang tuổi trưởng thành và trải qua nhiều biến cố như nhân vật Nương là một câu hỏi lớn trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Trong “Cánh đồng bất tận”, Nương cười nhiều hơn khóc, nụ cười được nhắc đến 11 lần và nước mắt là 6 lần, gần như gấp đôi. Như thế không có nghĩa là Nương là người vô tư, cuộc đời êm ấm mà phải đặt chi tiết trong hệ thống tác phẩm, ta mới lí giải được ý nghĩa hoàn thiện nhất.

Nụ cười của Nương là hạnh phúc thời thơ ấu

Nương là nhân vật nữ đang trên hành trình định vị bản thân mình. Biến cố gia đình ập vào số phận cô từ rất sớm, khiến những hiểu biết của Nương về cuộc đời tựa như cuộc hành trình đầy va chạm, vấp ngã để “rút kinh nghiệm”. Người mẹ bỏ đi cũng là lúc Nương bước vào cuộc đời với thật nhiều những băn khoăn tìm kiếm niềm tin giữa chốn quay quắt, giữa sự bội bạc và lạnh lùng của người cha. Tác giả không nói rõ độ tuổi của Nương, chỉ nhắc đến tuổi của cô như một mốc thời gian của những biến cố, “mùa khô năm tôi mười ba tuổi, bầy vịt lăn ra chết gió” [25, tr.185]. Từ đây có thể suy ra khoảng thời gian mẹ Nương bỏ đi là lúc cô còn rất nhỏ.

Những biến cố xảy ra trong khoảng thời gian ấu thơ vừa là sự ám ảnh không dứt, nhưng cũng là những kỉ niệm ấm áp nhất mà cả đời người mong được gặp lại. Nụ cười của Nương đẹp đẽ và hồn nhiên nhất là khi cô được sống lại những kí ức tuổi

thơ, được mơ trở lại cuộc sống “bình thường”. Nương biết mình khác người, nhưng đó là sự trói buộc của hoàn cảnh, chưa bao giờ Nương thỏa hiệp với điều ấy. Khi nhớ về ngày thơ, Nương nhớ mẹ với nụ cười “lấp lánh cả một khúc sông” và nhớ hình bóng mẹ thường đem xoong nồi ra bến sông chà rửa. Nương nhớ thương căn nhà, nơi từng là chốn hạnh phúc của cả gia đình cô.

Nương sống lênh đênh trên sông nhưng trong lòng cô luôn có một khao khát được “cố định” mình lại. Nương vui khi nghỉ về căn nhà, về những cái cây mà mai này lớn lên có thể mắc võng để nằm nghỉ. Khi dừng ghe ở bến lâu dài, Nương “cảm giác như đang ở xóm cũ”, “nhớ trường học”. Nương ôm ấp niềm hy vọng được đến trường, được hòa nhập “Lúc thức dậy thì hy vọng cũng thức theo” [25, tr.190]. Vào đêm mà cha nghỉ lại nhà của người phụ nữ đầu tiên, Nương hy vọng về cuộc sống “bình thường”: có một nơi để trở về, được yêu thương, được quay lại “sống thực sự” một lần nữa.

Có thể thấy, Nương của năm mười ba tuổi và Nương của sau này, khi cứu Sương vẫn mang trong mình niềm hy vọng ấy. Trong quan niệm của cô, hạnh phúc đồng nhất với người phụ nữ gắn bó với cha, với căn nhà, với sự ổn định. Tóm lại, tất cả đều trái ngược với hoàn cảnh hiện tại của Nương, nếu có thể cô muốn hoàn toàn rũ sạch nó vì chưa bao giờ Nương thấy “thuyền” là “nhà”. “Dường như chúng tôi nhớ, nhớ cồn cào. Nỗi nhớ bao gồm được chạy chơi trên cái vuông sân mọc đầy vú sữa đất…” [25, tr.189]. Nụ cười khi nghĩ về ngày thơ ấu thể hiện niềm khao khát mãnh liệt của Nương về ngôi nhà và cuộc sống ổn định. Nương không thỏa hiệp với cuộc sống trên thuyền, không tự chôn vùi mình vào không gian chật hẹp phải nằm co quắp. Với Nương, hạnh phúc thật đơn giản nhưng cũng thật éo le là được trở về cuộc sống thuở ấu thơ.

Trên chiếc ghe ấy, đã nhiều lần Nương mơ được nhận lại hơi ấm của cha, để tìm lại chút cảm giác về gia đình. Nương phải dùng nụ cười để che đi giọt nước mắt, dùng “gương mặt an nhiên, ráo hoảnh” để che đậy bão tố trong lòng. “Tôi quyết không để cha thấy mình buồn” [25, tr.182]. Bị cha đánh, Nương tự hỏi “hồi trưa nầy mình làm gì giống má, kho cá bỏ nhiều tiêu? Hay vì tôi buộc tóc nhong nhỏng? hay tại tôi bắt chí cho thằng Điền?” [25, tr.182]. Đau đớn về thể xác nhưng tâm hồn của cô

được an ủi – “quãng thời gian ấy vẫn còn vui lắm”. Và niềm hạnh phúc giả tạo, Nương cũng nghĩ là nguồn vui hiếm hoi của mình. “Khi có người trong xóm ghé qua chòi, cha sẽ kêu “Nương à, nướng mấy con cá khô…” Em tôi cũng sướng ran xách chai ra tiệm mua rượu.” [25, tr.195]. Nhưng khi khuất bóng người, ông Vũ trở lại lầm lì, đáng sợ. Trớ trêu thay, người cha vốn dĩ phải là chỗ dựa tinh thần cho những đứa con thì nay lại trở thành một nỗi sợ hãi, ám ảnh. Và những đứa trẻ buộc phải trưởng thành sớm, phải buộc mình thấu hiểu cho nỗi khổ của cha, “chỉ dám đứng xa mà ngắm nhìn, mủ mỉ nâng niu, nếu không thì vỡ mất” [25, tr.195].

Sự trình hiện không thể đứng độc lập mà phải xét trong quá trình tạo nghĩa của hệ thống. Ý nghĩa trong nụ cười của Nương đối lập với nụ cười khi nghĩ về quá khứ của ông Vũ. Tuổi thơ của Nương là những vết thương ông Vũ muốn chối bỏ và quên đi nhưng cứ bị người ngoài vô tình day đi day lại, và bất giác cả trong hình ảnh của đứa con gái. Người ta hỏi ông, mẹ của những đứa trẻ đâu, ông chỉ lạnh tanh: “Chết rồi.” và cười lạnh nhạt khi nghe người ta kêu lên: “Mèn ơi, tội hai đứa nhỏ hôn” [25, tr.185]. Cảm xúc còn lại của ông Vũ khi người vợ ra đi là cay đắng, xót xa. Chính cảm xúc tiêu cực đau khổ của ông Vũ càng tô đậm sự thể hiện khát khao về hạnh phúc tuổi thơ của Nương. Dù biết rằng người mẹ ra đi là lựa chọn đau đớn nhưng Nương vẫn không hận mẹ, không giận mẹ mà càng lớn Nương lại càng thấu hiểu cho mẹ nhiều hơn. Nụ cười của Nương nhớ về ngày thơ ấu là sự trình hiện cho sự kí giải ý nghĩa đó.

Nụ cười của Nương là cay đắng trong cảnh sống hiện tại

Nương là nhân vật có sự phức tạp trong tính cách. Xét trong tiến trình phát triển cốt truyện, Nương không có quá nhiều chuyển biến tâm trạng và thay đổi nhận thức, nhưng trong một sự việc, Nương vẫn có những suy nghĩ và cảm xúc trái ngược nhau. Nương là người gây ra nỗi đau khổ cho người mẹ, và cũng chính là người tự tay tước bỏ hạnh phúc của chính mình. Nương biết câu nói: “Chắc tại nó thấy chuyện bậy đó má…” [25, tr.177] có thể khiến người mẹ tổn thương. Nương hả hê khi thấy “má chết lặng nhìn tôi, cái nhìn như lịm đi trên gương mặt đẹp não nề” [25, tr.177]. Và giọng điệu khi Nương kể lại sự ra đi của má với những người hàng xóm cũng thật dửng dưng. Thái độ ấy như đang kể chuyện của một nhà nào đó,

người phụ nữ nào đó chứ không phải là người ruột thịt của mình. Và lúc này, hẳn là cảm giác hả hê của tuổi nhỏ, Nương và Điền cũng không khóc.

Căn nhà đã cháy rụi, nụ cười của Nương khi nghĩ về cảnh sống của mình chỉ đượm màu chua chát. Chiếc thuyền nhỏ với ba nhân khẩu, nghèo nàn, rách nát “ngang mét hai dài ba mét mốt, phương tiện nghe nhìn giải trí chỉ có cái radio trị giá mười bốn ngàn...” [25, tr.183]. Nên khi dừng chân ở nhà người phụ nữ nhờ đóng giường, chị bảo Nương và Điền lên nhà ngủ cho rộng, Nương “mắc cười khi lấy cớ ngủ lại trên ghe để giữ đồ”. Nụ cười ấy khiến nhân vật thể hiện ý nghĩa về sự nhận thức. Nương thấu hiểu, chấp nhận hoàn cảnh của mình nhưng không thỏa hiệp với nỗi đau. Nương chọn ngủ lại trên ghe còn vì ám ảnh “cái bồ lúa”, nơi hình ảnh người mẹ cứ chấp chới mắc kẹt trong tấm lụa đỏ. Đó là nụ cười chua xót khi hoàn cảnh trái ngược với mong ước.

Nương biết mình và Điền là những đứa trẻ khác biệt. Khác biệt không đến từ hoàn cảnh sống mà còn là cách những đứa trẻ tự chọn cách để “sinh tồn” trong một thế giới không có sự bảo bọc và yêu thương. Nương và Điền buộc phải nương tựa vào nhau, cùng thấy vui vẻ khi nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ đặc biệt mà chẳng cần mấp máy miệng. Chúng vui vì có thể hào hiệp như Lục Vân Tiên. Nhưng niềm vui cũng thật chua chát khi Nương và Điền nhận ra mình khác với “bình thường”. Khi chơi cùng con chị chủ nhà, trạc tuổi Điền, bé con không thể hòa nhập, Điền khó chịu: “Đồ con nít”, Nương chỉ cười “Thôi, kệ nó”. Điền tuổi nhỏ, chưa hiểu được sự khác biệt nhưng Nương chua chát nhận ra, hai chị em thật sự “không bình thường”.

Cảm nghĩ của Nương về chiếc ghe trái ngược hoàn toàn với ba nhân vật còn lại. Ông Vũ chọn cuộc sống du mục, lênh đênh trên chiếc ghe để rời xa căn nhà cũ, trốn tránh những kỉ niệm về người phụ nữ bội bạc “nhà tôi, má tôi, rốt cuộc trở thành tro bụi mất rồi”. Điền lại còn quá nhỏ để nhận thức được sự thiếu thốn trên ghe và trên bờ. Còn Sương, người con gái nay đây mai đó, sao lại còn có thể đòi hỏi hơn một chốn nương thân. Vì thế, Nương là người ý thức rõ hoàn cảnh sống mất đi ý nghĩa của chính mình.

Nhắc về cảnh sống trên ghe của mình, Nương luôn hình dung đó là thế giới buồn chán, ảm đạm, chật hẹp: “cái sạp xỉn màu, nhen lên một ngọn khói buồn teo, nằm chèo queo, ghe thì chao sóng, mấy bụi hành ngò trồng trên cái xô bể” [25, tr.192]. Niềm mơ ước của Nương là những điều trái ngược với thực tại, về một không gian đáng sống và sáng sủa hơn. Khi định nghĩa về căn nhà, Nương luôn hình dung là điều vượt thoát ra khỏi không gian chật hẹp của chiếc ghe: “Nhà chúng tôi là cái nầy, là cánh đồng nào đó, con sông nào đó…” [25, tr.185]. Vì thế, Nương có thói quen đặt tên cho những con sông, vùng đất mà mình đi qua, “chúng tôi gọi tên bằng những kỉ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng” – cánh đồng Chia Cắt, cánh đồng Bất Tận. Đặt tên là cách con người đánh dẫu quyền sở hữu, tìm kiếm sự thân thuộc với không gian. Sự thể hiện trái ngược càng khắc sâu nỗi buồn lênh đênh của Nương trong hiện tại, trong cảnh sống chật hẹp, tối tăm.

Nương ý thức bất hạnh không chỉ đến từ nhận thức trong hoàn cảnh mà còn là “xiềng xích” trong tâm hồn. Sự trình hiện nỗi buồn nhân vật Nương thể hiện ý nghĩa về sự cô đơn mênh mông. Trong “Cánh đồng bất tận” mênh mông là người nhưng để thấu hiểu được nỗi lòng của một đồng loại thì thật hiếm hoi. Vì thế, Nương khóc khi những “đồng loại” của cô ra đi. “Đồng loại” không chỉ ý nghĩa có nhân dạng giống nhau mà là sự đồng điệu về tâm hồn. Nương và Điền là hai đồng loại, sống trong thế giới riêng. Chúng có thể ngồi cả buổi chỉ để “đọc thấu lòng nhau”. Những đứa trẻ hòa vào thế giới của bầy vịt, để tận hưởng cảm giác được thấu hiểu, được yêu thương chân thành: “Vừa nhỏ nhẻ lấy trứng, tôi vừa hát một bài hát bâng quơ. Bầy vịt nhạy cảm khủng khiếp, chúng nhận ra ngay, và nhìn tôi vẻ ngờ vực”. Đến nỗi, Nương hình dung ra cuộc đối thoại của những con vịt: “Ủa, phải con-người hôm trước không ta?” Một con vịt đui khịt mũi, cười “Nó chớ ai, giọng có khác, nhưng rõ ràng là tiếng trái tim nó” [25; tr.194]. Vì thế khi bầy vịt bị chôn sống, Nương đã đau đớn đến nỗi hình dung cái chết, tự vận lấy cái chết của người đàn ông xa lạ vào mình. Và khi Điền ra đi, Nương nhớ Điền da diết, như “nhớ một đồng loại” có thể đọc thấu được lòng nhau. Nỗi buồn tinh thần của Nương hiện lên vừa trực tiếp qua dòng tâm trạng và giọt nước mắt. Tâm trạng nhân vật đơn thuần, ít biến đổi. Điều đó thể hiện ý nghĩa, tình trạng cô đơn của Nương đã kéo dài đến mức cô phải tự dung hòa nó. Nương luôn cảm thấy mình cô độc, khác thường.

Vì lẽ đó mà khát vọng được trở về với cuộc sống bình thường của Nương lại rõ ràng, mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự trình hiện nhân vật nữ trong cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)