Năm 1982 hai tác giả Jefferey R. Bedoll và Shelley S. Lennox đã xác định kỹ năng GQVĐ là một kỹ năng quan trọng. Hai tác giả đã xếp kỹ năng GQVĐ là kỹ năng xã hội (social skill) thứ 7 trong 10 kỹ năng xã hội không thể thiếu trong cuộc sống. Từ đó, Bedoll và Lennox đã nghiên cứu và đưa ra 7 bước để GQVĐ: nhận thức về vấn đề, định nghĩa vấn đề, liên hệ những phương án, đánh giá những giải pháp, ra quyết định, kiểm tra hiệu quả của phương án (Nguyễn Thị Bích Thủy, 2011).
Theo Doescher (1995) và Loh (2002) thì GQVĐ theo một trình tự sẽ giúp trẻ giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định tốt hơn (được trích dẫn trong UK Essays, 2018). Theo đó, họ đề xuất 5 bước trong quy trình GQVĐ dành cho trẻ, bao gồm:
- Bước 1: Nhận ra vấn đề. - Bước 2: Xác định vấn đề.
- Bước 4: Chọn một giái pháp và thử nó.
- Bước 5: Đánh giá và tiếp tục thử với một giải pháp khác (nếu cần).
Từ việc nghiên cứu kỹ năng của các tác giả đưa ra và theo bản chất quá trình GQVĐ của trẻ 5 – 6 tuổi, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài cũng như dựa trên khả năng của trẻ mầm non, chúng tôi đề xuất ba bước trong quy trình GQVĐ cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi tương ứng với các kỹ năng GQVD của trẻ như sau:
1. Kỹ năng nhận biết vấn đề. 2. Kỹ năng lựa chọn giải pháp. 3. Kỹ năng thực hiện và đánh giá.
1.3.5. Biểu hiện kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi trong trò chơi đóng vai theo chủ đề
Trong nghiên cứu về kỹ năng xã hội nói chung và kỹ năng GQVĐ nói riêng của trẻ trước tuổi đi học, các Tiến sĩ người Mỹ Carolyn Webster-Stratton và Reid M. Jamila đã đề xuất một số biểu hiện của trẻ có kỹ năng GQVĐ trong trò chơi đóng kịch với con rối (Webster-Stratton & Reid, 2004). Theo đó, chúng tôi xem xét kết hợp với Bộ chuẩn trẻ em 5 tuổi và Chương trình giáo dục mầm non hiện hành để đưa ra những biểu hiện của trẻ có kỹ năng GQVĐ trong trò chơi ĐVTCĐ.
- Hiểu và phát hiện cảm xúc: trẻ biết điều chỉnh cảm xúc của bản thân; xác định - hiểu chính xác cảm xúc của mình và của người khác.
Trẻ nhận ra những cảm xúc của chính mình trong quá trình tham gia trò chơi thông qua các dấu hiệu: căng thẳng, cau mày, cười hoặc các cảm giác từ những bộ phận trên cơ thể như nóng bừng mặt… để từ đó điều chỉnh cảm xúc sao cho phù hợp với vai chơi hoặc để duy trì việc chơi.
Trẻ xác định cảm xúc của người khác thông qua nét mặt, hành vi hoặc giọng nói và tìm hiểu lí do của những cảm xúc này. Nhờ đó, trẻ có thể tìm ra cách để không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực từ bạn hoặc tốt hơn, chúng tìm cách giúp bạn giải quyết các cảm xúc (vấn đề) đó.
Ở những trẻ có kỹ năng GQVĐ tốt, chúng thể hiện sự đồng cảm, những quan điểm của bản thân (về cảm xúc của mình và bạn) và điều tiết cảm xúc rất tốt.
Với những trẻ có tính cách bốc đồng, hiếu động; chúng thường không nhận ra các khía cạnh khác nhau của một vấn đề, hành động của chúng thường nóng nảy, khiến vấn đề càng trở nên khó khăn. Ngược lại, với những trẻ có kỹ năng, chúng biết cách nhìn nhận một vấn đề, sử dụng các cách thức phù hợp để giải quyết chúng dựa vào một quy trình đã hình thành sẵn.
Từ giai đoạn của quá trình GQVĐ đã phân tích, chúng tôi đưa ra quy trình ba bước để GQVĐ lần lượt là:
+ Nhận biết vấn đề + Lựa chọn giải pháp + Thực hiện và đánh giá
- Luôn có sự trao đổi với nhóm chơi khi giải quyết một vấn đề
Việc tự bản thân đưa ra giải pháp cho vấn đề của cả nhóm chơi trong vài trường hợp vẫn mang lại hiệu quả so với việc bỏ qua chúng, tuy nhiên nó tương đối hạn chế về tính khách quan, nghèo về ý tưởng và gây mất đoàn kết trong nhóm chơi. Khi trẻ trao đổi với nhóm chơi về vấn đề, trẻ có thể nhìn thấy các khía cạnh khác nhau của vấn đề, nhiều hơn những ý tưởng cho các giải pháp, việc chọn phương án cuối cùng cũng trở nên khách quan, mang đến một kết quả như mong đợi.
Những trẻ có kỹ năng chúng thường trao đổi với bạn trong suốt quá trình giải quyết một vấn đề như đặt câu hỏi, thảo luận, đưa ý kiến, tôn trọng ý tưởng của bạn, cùng thực hiện, đưa ra nhận xét, chấp nhận ý kiến của bạn. Trẻ tỏ ra vui vẻ và hài lòng với thành tính chung.
- Trẻ biết kiểm soát cơn giận
Cũng như việc nhận ra và quản lí các cảm xúc tiêu cực, việc kiểm soát cơn giận là biểu hiện cụ thể cho kỹ năng GQVĐ của trẻ. Trẻ thường tức giận khi bị trêu chọc, không được tham gia nhóm chơi hoặc phải thực hiện vai chơi mà mình không thích, cũng có thể là vì trẻ không hoàn thành tốt vai chơi. Với những trẻ có kỹ năng, chúng thường kiểm soát cơn giận bằng cách hít một hơi thật sâu, tự nói chuyện với chính mình hoặc nghĩ đến một chuyện vui, hình ảnh tích cực nào đấy. Trẻ hiểu rằng, có thể bạn trêu chọc mình là vì muốn làm bạn nhưng không biết cách trò chuyện
một cách “tử tế”. Hoặc là, bạn không đồng ý cho mình tham gia nhóm chơi không có nghĩa là bạn không thích, mà vì nhóm chơi đã đủ người hoặc mình không hợp với vai chơi, đợi cơ hội khác vậy. Khi không hoàn thành tốt vai chơi, bạn bè giận dỗi, thay vì tức giận trẻ tự nhận lỗi và làm tốt hơn trong lần sau.
- Thân thiện và luôn biết cách trò chuyện
Tình bạn rất quan trọng đối với trẻ. Thông qua việc hình thành các mối quan hệ bạn bè, trẻ học các kỹ năng xã hội như hợp tác, chia sẽ và giải quyết các vấn đề. Với những trẻ thân thiện, biết cách trò chuyện với bạn bè, xây dựng những mối quan hệ bạn bè gắn bó thì ý thức tham gia nhóm chơi, kỹ năng thấu cảm và khả năng hiểu suy nghĩ của người khác cũng từ đó mà hình thành và phát triển. Ngược lại, với những trẻ hiếu động, bốc đồng, khó hình thành và duy trì tình bạn thì tỏ ra rất khó khăn khi đối mặt với các vấn đề như: đợi đến lượt, chấp nhận đề xuất của bạn bè, đưa ra ý tưởng hay hợp tác trong lúc chơi…
Những hành vi thể hiện sự thân thiện của trẻ có thể kể đến như chia sẽ, giao ước, luân phiên chơi, đặt câu hỏi cho bạn một cách lịch sự, đưa ra đề nghị, xin lỗi khi làm sai, đồng ý với bạn và biết khen ngợi khi bạn làm tốt, chấp nhận những phản hồi từ bạn chơi. Trẻ vẫn thể hiện như vậy khi không được tham gia nhóm chơi, đứng xem và đợi đến lượt.
1.3.6. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi trong trò chơi đóng vai theo chủ đề
1.3.6.1. Yếu tố chủ quan
a. Sức khỏe của trẻ
Các chỉ số về chiều cao, cận nặng hay khả năng vận động… ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Các cuộc khảo sát về dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ có thể trạng quá ốm hoặc quá mập đều bị hạn chế về khả năng phát triển tâm lí, trí tuệ. Bên cạnh đó, sức khỏe tinh thần cũng thể hiện vai trò hết sức quan trọng. Nếu hai vấn đề này ở trẻ được quan tâm đúng mức sẽ giúp trẻ có sự phát triển ổn định về mặt tâm lí, trí tuệ; từ đó mà việc trẻ tham gia chơi trở nên hào hứng hơn, kỹ năng GQVĐ cũng được phát triển.
b. Tính cách của trẻ
Những nét tính cách của trẻ bộc lộ từ rất sớm, điều đó được thể hiện thông qua cách trẻ phản ứng lại với những gì đang diễn ra xung quanh. Càng về sau, với sự phát triển về nhận thức và ngôn ngữ, các nét tính cách càng bộc lộ rõ nét. Nghiên cứu của Mullie Almy đã chỉ ra những yếu tố quan trọng hình thành nên tính cách của trẻ trong suốt những năm đầu đời (Tần suất vận động, cộc cằn, cáu kỉnh, tính kiên định, dễ hoảng sợ, kỹ năng xã hội) (Monighan-Nourot, Scales, Van Hoorn, & Almy, 1987).
Trẻ có tính cách khác nhau sẽ có cách tiếp nhận và xử lí tình huống khác nhau vì vậy việc hình thành nên tính cách trong những năm đầu đời có ảnh hưởng lớn kỹ năng GQVĐ của trẻ, đặc biệt là khi trẻ tham gia trò chơi ĐVTCĐ cùng bạn.
c. Ngôn ngữ của trẻ
Như đã phân tích ở trên, ngôn ngữ phát triển là phương tiện giúp trẻ lĩnh hội kiến thức, thu nạp những kinh nghiệm của thế giới loài người; cũng chính ngôn ngữ giúp trẻ thực hiện các bước để giải quyết một vấn đề thông qua việc dùng lời nói để giải thích, trao đổi, đặt câu hỏi… Ngôn ngữ phát triển thì kỹ năng GQVĐ cũng vì thế mà phát triển, bởi vậy nên ngôn ngữ của trẻ là yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến kỹ năng GQVĐ.
d. Khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ
Khả năng tư duy, sáng tạo dường như là yếu tố mấu chốt giúp trẻ giải quyết được vấn đề. Cách mà trẻ suy nghĩ về nguyên nhân và tìm ra các phương án giải quyết dựa vào tư duy và khả năng sáng tạo của trẻ; cũng như cách trẻ tưởng tượng mình đóng vai các nhân vật trong tình huống và giải quyết nó một cách hợp lí. Chính vì vậy mà khả năng tư duy, sáng tạo luôn là yếu tố được quan tâm trong việc giáo dục trẻ kỹ năng GQVĐ trong trò chơi ĐVTCĐ.
e. Nhu cầu chơi của trẻ
Nhu cầu chơi của trẻ là điều kiện tiên quyết cần được đáp ứng cho việc giáo dục kỹ năng GQVĐ trong trò chơi ĐVTCĐ. Chính nhu cầu chơi của trẻ góp phần nên sự thành công của trò chơi vì bản chất của trò chơi ĐVTCĐ là trẻ chơi theo hứng thú, không áp đặt, ép buộc trẻ. Trẻ chơi hứng thú thì các vấn đề với trẻ không
còn là “vấn đề” nữa. Trẻ vui vẻ với những tình huống có vấn đề, giải quyết chúng một cách thoải mái, đó là cách mà trẻ phát triển kỹ năng GQVĐ.
f. Kinh nghiệm sống của trẻ
Trò chơi ĐVTCĐ bao giờ cũng có một chủ đề nhất định, có thể kể đến như: sinh hoạt gia đình, trường học, bệnh viện, giao thông v.v… Phạm vi tiếp xúc của trẻ càng rộng, kinh nghiệm của trẻ càng nhiều thì chủ đề chơi của trẻ càng phong phú, các tình huống từ vai chơi trở nên dễ liên tưởng và gần gũi đối với trẻ. Từ giải quyết các vấn đề đơn giản, trẻ tiến đến các vấn đề phức tạp hơn. Khi đã có kinh nghiệm thì trẻ luôn tỏ ra hết sức tự tin.
1.3.6.2. Yếu tố khách quan
a. Trò chơi ĐVTCĐ
- Bản chất của trò chơi
Trẻ tham gia chơi một cách tự nguyện, theo nhu cầu, hứng thú của bản thân và không hề có sự áp đặc từ cô, điều đó giúp trẻ phát triển kỹ năng một cách hết sức tự nhiên và việc giáo dục kỹ năng GQVĐ vì thế mà đạt hiệu quả cao.
- Trẻ có cơ hội GQVĐ trong các tình huống chơi + Tình huống từ vai chơi (Quan hệ chơi)
Trò chơi ĐVTCĐ bao giờ cũng có một chủ đề nhất định mô phỏng hoạt động của người lớn xung quanh, mô phỏng quan hệ giữa người với người, cho nên, trẻ phải giả làm người lớn, ướm mình vào vị trí của một người nào đó để giải quyết những vấn đề phù hợp với các chức năng xã hội mà người đó đảm nhận. Hơn thế nữa, để giải quyết những vấn đề ấy trẻ cần cùng chơi, cùng hợp tác với nhiều trẻ khác. Như vậy trò chơi ĐVTCĐ mang lại cho trẻ vô vàng tình huống để trẻ giải quyết, hơn nữa còn mang trẻ lại gần nhau để cùng giải quyết. Kỹ năng GQVĐ của trẻ sẽ phát triển mạnh nếu cô giáo xây dựng tình huống chơi hấp dẫn và chú trọng thay đổi nội dung chơi phù hợp với trẻ.
+ Tình huống tự nhiên trong chơi (Quan hệ thực)
Trong quá trình chơi, ngoài các tình huống từ vai chơi, trẻ còn đối mặt với rất nhiều các tình huống mới phát sinh. Trò chơi ĐVTCĐ đòi hỏi ở trẻ cả khả năng tự lập và tinh thần hợp tác. Các vấn đề như tự nghĩ ra chủ đề chơi, nội dung chơi, tự
thỏa thuận vai chơi, tự điều hành, giải quyết các mâu thuẫn với bạn, kiểm tra diễn biến của quá trình chơi… phát sinh trong lúc chơi, trẻ cần giải quyết mà không dựa vào sự can thiệp, giúp đỡ từ cô giáo đòi hỏi ở trẻ khả năng tự lập. Tinh thần hợp tác giúp trẻ giải quyết các vấn đề trên một cách dễ dàng hơn. Như vậy, tình huống từ vai chơi và tình huống tự nhiên trong chơi là một nguồn động lực mạnh mẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng GQVĐ.
b. Giáo viên
- Hiểu biết của giáo viên về đặc điểm tâm – sinh lí của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi Sự hiểu biết về tâm – sinh lí trẻ của giáo viên là vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung và giáo dục kỹ năng GQVĐ của trẻ nói riêng. Hiểu trẻ, biết trẻ mẫu giáo 5 – 6 cần gì, phát triển tâm lí ra sao là bước đầu giúp giáo viên xây dựng mối quan hệ gần gũi với trẻ, giúp giáo viên có cái nhìn đúng đắn đối với các biểu hiện của trẻ. Việc hiểu trẻ, tôn trọng trẻ giúp giáo viên dễ dàng đáp ứng nhu cầu được chơi của trẻ, đưa trẻ vào các tình huống phù hợp để trẻ giải quyết, hỗ trợ và hướng dẫn trẻ khi cần cũng như có các biện pháp can thiệp đúng dắn.
- Cách giáo viên xây dựng tình huống chơi
Phương pháp tổ chức hoạt động vui chơi của giáo viên cũng ảnh hưởng rất lớn đến kỹ năng GQVĐ của trẻ mà cụ thể ở đây là cách giáo viên xây dựng tình huống chơi. Nếu giáo viên xây dựng tình huống chơi hấp dẫn, thay đổi nội dung chơi thường xuyên để trò chơi luôn giữ được sự mới mẻ thì trẻ không những bị hấp dẫn bởi trò chơi, chơi một cách thích thú mà còn phát triển kỹ năng GQVĐ của trẻ một cách đa dạng. Có thể nói như vậy là vì các đối tượng chơi khác nhau thì những câu chuyện cũng khác nhau, các tình huống xã hội cũng thay đổi liên tục đòi hỏi trẻ tư duy linh hoạt để giải quyết vấn đề.
- Các biện pháp tác động của giáo viên
Như đã trình bày hết sức cụ thể ở trên các biện pháp tác động của giáo viên trong quá trình trẻ giải quyết các tình huống có vấn đề trong trò chơi ĐVTCĐ, việc giáo viên tác động vào thời điểm nào, tác động ra sao và tần suất của nó ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng GQVĐ của trẻ. Giáo viên cần vận dụng những biện pháp và kỹ thuật để gây hứng thú, khuyến khích trẻ tham gia và phát huy tính tích cực, chủ
động của trẻ để phát triển kỹ năng GQVĐ. Tuy nhiên không nên vì mục đích giáo dục kỹ năng mà ép buộc trẻ chơi hoặc tham gia quá sâu vào trò chơi của trẻ, khiến trẻ phát hiện ra dụng ý sư phạm. Việc giáo viên kiên nhẫn, cho trẻ thời gian được giải quyết các vấn đề của mình, chỉ can thiệp khi trẻ có biểu hiện buông xuôi; giáo viên can thiệp với vai trò là một nhân vật chơi, gỡ rối từng bước cho trẻ chính là động lực cho trẻ hoàn thiện kỹ năng GQVĐ của mình.
c. Môi trường giáo dục và bạn bè ở trường mầm non
- Mối quan hệ với bạn bè
Tập thể trẻ mẫu giáo và bầu không khí lớp học cũng có vai trò lớn trong việc phát triền kỹ năng GQVĐ cho trẻ. Đối với trẻ mẫu giáo, nhóm nhỏ cùng vui chơi,