9. Cấu trúc của luận án
2.3.2. Yếu tố chủ nghĩa hiện đại trong văn xuôi hiện thực
So với thơ, văn xuôi giai đoạn 1930 – 1945 cũng chịu sự chi phối không nhỏ của chủ nghĩa hiện đại nhưng không xuất hiện tập trung ở một tác giả hoặc tạo thành một dòng văn xuôi, khuynh hướng sáng tác riêng biệt mà điểm xuyết qua các tác phẩm, các tác giả. Dù vậy, những dấu ấn chủ nghĩa hiện đại trong văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 cũng rất rõ ràng, đặc biệt là trong văn xuôi hiện thực.
Trong luận án về Chủ nghĩa hiện đại và văn học Việt Nam hiện đại
(1993), Trần Thị Mai Nhi cho rằng, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn cũng tiếp thu chủ nghĩa hiện đại. Tác giả luận án cho rằng, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đề cao tính cá nhân, ý thức và hình ảnh chủ quan của “cái tôi”. Tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn còn hướng đến “thoát ly khỏi thực tại”, nói cách khác là chối từ hiện thực. Tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đề cao chủ nghĩa vô luân, tuy nhiên không phải phủ nhận các giá trị đạo đức mà cho rằng mỗi người nhìn đạo đức theo một vọng tuyến riêng, gọi là lương tri. Tất cả những
đặc điểm này chứng minh rằng tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn chịu ít nhiều tư tưởng của chủ nghĩa hiện đại. Trên cơ sở kế thừa người đi trước, với luận án này, chúng tôi tập trung khảo sát các yếu tố chủ nghĩa hiện đại trong văn xuôi hiện thực để khoanh vùng nghiên cứu cũng như thuận tiện khi tiến hành so sánh với tác phẩm cùng khuynh hướng Vũ Trọng Phụng.
Về phương diện nội dung, theo chúng tôi, văn học hiện thực Việt Nam 1930 – 1945 có một số chủ đề chính chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại. Một là phản ánh vấn đề “thương mại hóa” con người trong bối cảnh kinh tế thị trường nửa đầu thế kỷ XX. Nghĩa là con người trở thành món hàng để trao đổi mua bán. Trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, những tên công
chức nhà nước bắt ép vợ ngủ với quan trên để trao đổi quyền lực (Xuất giá
tòng phu), hoặc hủy hoại thân thể để kiếm tiền (Cái vốn sinh nhai). Đối với truyện ngắn Nam Cao là những con người tầng lớp dưới bị bán từ nhà này
sang nhà khác như Chí Phèo (Chí Phèo), Lang Rận và mụ Lợi (Lang Rận), cái
Đĩ (Một bữa no) để kiếm ăn.
Hai là chủ đề lo âu trước sự xuống cấp của đạo đức, nhân cách con người trong bối cảnh xã hội tiêu thụ hàng hóa và Âu hóa hiện thời. Từ truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đến tác phẩm của Nam Cao hay Thạch Lam đều bày tỏ thái độ này mặc dù cách thức tiếp cận hiện thực khác nhau ở mỗi nhà văn. Đối với Nguyễn Công Hoan, sự xuống cấp đạo đức, tha hóa về nhân cách
là chủ đề xuyên suốt trong các hàng loạt truyện ngắn Răng con chó nhà tư
sản, Thằng ăn cắp, Thế là mợ nó đi Tây, Báo hiếu trả nghĩa 1, Báo hiếu trả nghĩa 2. Mặc dù nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng Thạch Lam cũng bày tỏ những lo âu của sự tha hóa nhân cách con người trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi
mà nhu cầu vật chất đẩy con người vượt qua ranh giới đạo đức trong Đói, Sợi
tóc. Trong khi đó, Nam Cao phản ánh sự tha hóa nhân cách con người ở cả
xã hội hàng hóa và kinh tế thị trường, con người ở bất cứ tầng lớp nào cũng
có thể bị biến chất như anh Cu Lộ (Tư cách mõ) hay Thứ, San, Oanh (Sống
mòn).
Về phương diện nghệ thuật, đầu tiên có thể kể đến nghệ thuật tiếp cận hiện thực của các nhà văn chủ nghĩa hiện đại. Nhà nghiên cứu Vương Trí
Nhàn trong bài Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học
Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới 1945 đã giải thích sự thay đổi cách thức tiếp cận hiện thực của nhà văn hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 như sau:
Họ không muốn dừng lại ở cái nhìn thông thường về sự vật. Sự bắt chước hiện thực, với người này, là một trò chán ngấy, với người kia, là cả một gánh nặng. Người ta bảo nhau: đã đến lúc cần đập vỡ bề ngoài của hiện thực. Vặn vẹo nó đi, rồi từng người tìm cách lắp ráp nó lại theo kiểu của mình chỉ cốt làm rõ cái hồn của đời sống là được. Nhiều trường phái mới trông như là “lập dị”, “kỳ quặc” từ ấy tha hồ nẩy nở. (Vương Trí Nhàn, 2005, tr.218)
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Nam Cao tái hiện chân thực hiện thực đời sống trên tinh thần nhân đạo. Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, cách hiểu về con người trong văn Nam Cao thường lạnh lùng và u ám. Thực ra, Nam Cao không tiếp cận hiện thực và mô phỏng hiện thực một cách nhẹ nhàng, sâu lắng như Thạch Lam, không trực diện như Nguyễn Công Hoan, không hài hước như Vũ Trọng Phụng mà lại bóp méo, vặn vẹo hiện thực.
Tiếp đến là tính biểu trưng trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật của các nhà văn 1930 – 1945. Nói rõ hơn là xây dựng những nhân vật mang ý nghĩa phổ quát hay mô hình hóa nhân loại nói chung. Nhân vật được xem là phương tiện, biểu tượng để thông qua đó nhà văn trình bày những suy tư về nhân sinh. Các nhà văn Việt Nam chưa xây dựng được những hình
tượng mang tính biểu trưng phổ quát như Joseph K (Vụ án) của Franz Kafka
tính biểu trưng, các nhân vật trong tác phẩm Nam Cao cũng thường bị lãng quên hoặc không có tên thật, hoặc bị gắn với diện mạo, tính cách như Lang Rận, Chí Phèo, Thiên lôi, Trương Rự…
Ngoài ra, yếu tố nghịch dị theo hướng chủ nghĩa hiện đại cũng là đặc điểm nghệ thuật đáng chú ý của văn xuôi hiện thực giai đoạn 1930 – 1945. Yếu tố nghịch dị tạo nên sự “lạ hóa” trong văn học, tạo những ấn tượng thẩm mỹ có tính chất phi chuẩn và phá bỏ những giới hạn của nỗi đau hay hạnh phúc theo quan niệm thông thường. Chất nghịch dị cũng tạo nên tiếng cười nhưng khác với tiếng cười châm biếm hay trào phúng và có biểu hiện khác nhau ở mỗi tác phẩm, mỗi tác giả hay thời đại.
Trên đây là những khảo sát sơ lược những biểu hiện của chủ nghĩa hiện đại trong văn học Việt Nam 1930 – 1945. Qua đó có thể thấy rằng, chủ nghĩa hiện đại đã bắt rễ và phát triển trong đời sống văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Tuy không nổi bật nhưng chủ nghĩa hiện đại cũng có ảnh hưởng ở mức độ nhất định đối với ngòi bút sáng tác của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đây cũng là cơ sở để luận án triển khai những nghiên cứu tiếp theo về yếu tố chủ nghĩa hiện đại trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng một cách vững chắc.