9. Cấu trúc của luận án
4.2. Thủ pháp nghịch dị
Theo Lại Nguyên Ân, nghịch dị (tiếng Pháp: grotesque) là “Một kiểu hình thức tổ chức nghệ thuật (hình tượng, phong cách, thể loại) dựa vào huyễn tưởng, tính trào phúng, tính ngụ ngôn, ngụ ý, vào sự kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc cái huyền hoặc và cái xấu, cái bi và cái hài, cái giống thực và cái biếm hoạ” (Lại Nguyên Ân, 1999, tr.215). Tiếng cười do hình tượng nghịch dị gây nên cũng mang tính hai chiều, tức là vừa phủ định vừa khẳng định, khác với tiếng cười châm biếm của văn học trung đại. Yếu tố nghịch dị xuất hiện và gắn liền với đời sống văn học từ trong thần thoại biểu hiện quan niệm duy vật tự phát của dân gian về tồn tại và phát triển lên đỉnh cao với nghệ thuật thời Phục hưng.
Thủ pháp nghịch dị theo từng thời đại, trào lưu cũng có điểm khác biệt. Có thể thấy, nghịch dị thời Phục hưng gắn với cảm quan hội hoá trang và tính
“không hoàn tất” vĩnh cửu của tồn tại. Còn nghịch dị thời Ánh sáng mang tính châm biếm sắc sảo, tố cáo cái thế giới vô học và bạo lực. Trong khi đó, nghịch dị lãng mạn dùng để nhấn mạnh đối kháng giữa cái thẩm mỹ và cái đạo lý. Đến chủ nghĩa hiện thực thì nghịch dị có tính cụ thể, tính định hướng xã hội triệt để và sắc sảo. Cảm hứng tố cáo và phủ định đạt tới đỉnh cao trong kiểu nghịch dị châm biếm.
Còn theo Mikhail Bakhtin, nghịch dị gắn liền với “văn hóa trào tiếu dân
gian”, “Trong thế giới hình tượng nghịch dị, mọi cái “vô ngã” bị lột mặt nạ, bị
biến thành “con ngáo ộp nực cười”, bước vào thế giới ấy – ngay cả thế giới nghịch dị lãng mạn – ta bao giờ cũng cảm thấy một sự phóng khoáng vui nhộn đặc biệt của tư duy và trí tưởng tượng” (Bakhtin, 1992, tr.224). Qua tác phẩm của Gogol, Santykov Sedrin, Thomas Mann, Bertolt Brecht, Pablo, Maiakovski, Bulgacov, văn học thế giới tiếp nhận những yếu tố của chủ nghĩa hiện thực nghịch dị và gắn kết nó với cái nghịch dị của văn hóa dân gian. Đối với chủ nghĩa hiện đại, Lại Nguyên Ân cho rằng, “Văn học chủ nghĩa hiện đại tiếp thu cái nghịch dị lãng mạn, song ở đây cái nghịch dị đã mất hẳn thuộc tính tái sinh hồn nhiên, khỏe khoắn ban đầu của mình, lúc này “cái nghịch dị là hình thức biểu hiện cái vô ngã”” (Lại Nguyên Ân, 1999, tr.40).
Đến đầu thế kỷ XX, nghịch dị trở thành một trong những thủ pháp tiêu
biểu của nghệ thuật chủ nghĩa hiện đại. Theo Lại Nguyên Ân trong 150 thuật
ngữ văn học: “Xu thế nghịch dị này là sự biến hóa đột ngột từ thế giới quen thuộc “của ta” thành thế giới xa lạ và thù nghịch, do “nó” cai quản; “nó” là một thế lực phi nhân và không thể hiểu được, một “tính tất yếu tuyệt đối” biến con người thành con rối; nghịch dị thấm nhuần “nỗi sợ sống”, thấm nhuần ý thức về tính phi lý của tồn tại (E. Ionesco, S. Beckett, J. Barth)” (Lại Nguyên Ân, 1999, tr.217). Do đó, nghịch dị không phải là cái huyễn ảo giả tưởng mà được đặt ra như một sự giả định hiện thực. Nói rõ hơn, yếu tố nghịch dị là yếu
tố tạo nên hình tượng ở dạng thức méo mó, lệch lạc so với quan niệm thông thường.
Thủ pháp nghịch dị thường được các nhà văn sử dụng khi xây dựng thế giới nhân vật hoặc tạo tình huống truyện. Đồng thời, thủ pháp nghịch dị còn được sử dụng nhằm tăng sức mạnh của diễn ngôn trào phúng, châm biếm trong văn học chủ nghĩa hiện đại.
Trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, thủ pháp nghịch dị được sử dụng để tạo ra tiếng cười hài hước. Yếu tố nghịch dị được nhà văn này sử dụng
nhằm tạo ra tiếng cười mang “tính chất thanh lọc” và nhân bản. Theo Đào
Tuấn Ảnh, tính tổng hợp của mĩ học nghịch dị trong Số đỏ là sự kết hợp giữa
nghịch dị hiện thực chủ nghĩa và nghịch dị chủ nghĩa hiện đại:
Trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng cái nghịch dị thể hiện cảm quan cá nhân về một thế giới hiện đại, bất ổn, hỗn loạn, trong đó diễn ra sự sụp đổ “quyền uy” của hệ hình văn hóa xã hội đã tồn tại hàng ngàn năm trước đó, các giá trị tưởng như vĩnh hằng đã bị đảo lộn, mọi đức tin bị đánh mất, cái thế giới me tây, gái điếm một bước lên bà, lưu manh đầu đường xó chợ một bước lên ông, một thế giới ở vào giai đoạn tiền tư bản – thực dân “chưa trẻ đã già”, tất cả đều có thể, tất cả chỉ còn là một trò chơi, một cuộc chơi khổng lồ tràn ngập những diễn ngôn vô nghĩa lý. (Đào Tuấn Ảnh, 2003, tr.40)
Qua khảo sát tác phẩm, thủ pháp nghịch dị trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được sử dụng chủ yếu khi xây dựng hình tượng nhân vật và tạo tình huống truyện.