Chính sách đối với các chủ thể tích tụ ruộng đất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại một số địa phương ở việt nam (Trang 107 - 109)

Chính sách đối với hộ gia đình và trang trại: Ngoài việc cần thay đổi một số chính sách trong luật đất đai, luật thuế nông nghiệp, hay chính sách hỗ trợ thị trường chuyển nhượng, thuê mướn đất đai như trên thì hộ gia đình cần hỗ trợ về vốn để tích tụ ruộng đất. Trước hết, đối với những hộ có điều kiện tích tụ ruộng đất (khả năng tài chính, lao động, quản lý, kỹ thuật) nhà nước cần có các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hiện nay, chương trình cho vay ưu đãi không thế chấp với nông hộ đã được triển khai nhưng hạn mức cho vay tối đa chỉ 300 triệu (trên thực tế nhiều ngân hàng Nông nghiệp chỉ cho vay tối đa 100 triệu) và người dân vẫn phải nộp sổ đỏ cho ngân hàng12. Do đó, các chương trình dạng này

phải được giám sát thực hiện nghiêm túc, rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra đối với đất ngoài hạn điền, chính quyền cần đứng ra bảo lãnh để các ngân hàng thương mại cho vay thế chấp cả phần đất ngoài hạn điền của hộ gia đình. Khi hộ gia đình tích tụ đất và có quy mô sản xuất đến mức đủ điều kiện để thành lập trang trại thì chính quyền địa phương cần hỗ trợ và tạo điều kiện để hộ đăng ký và hoạt động theo hình thức trang trại. Nhưng chính sách đối với trang trại cần có sự điều chỉnh và hoàn thiện.

Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/2/2000 về kinh tế trang trại thể hiện quan điểm chú trọng và tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển của Chính phủ. Nghị định nêu rõ những ưu đãi của nhà nước đối với trang trại như ưu tiên cho thuê đất, thời hạn cho thuê, hỗ trợ về vốn, khoa học-công nghệ, hỗ trợ về thị trường, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng, miễn thuế thu nhập theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP, hỗ trợ về đầu tư tín dụng theo quy định tại Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg. Hai điểm hạn chế đang kìm hãm sự phát triển kinh tế trang trại mà chính Nghị quyết 03 của Chính phủ đã xác định đó là vốn và đất sản xuất. Để giải quyết hai điểm này lên quan trước hết đến việc cho thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận trang trại. Ngoài ra những ưu đãi dành cho trang trại theo như nghị định 03 trên thực tế ít trang trại được tiếp cận hay được hưởng lợi. Chính sách thì có nhưng triển khai cụ thể thì còn nhiều bất cập. Do đó để chính sách đối với trang trại kích thích được sự phát triển của loại hình kinh tế này, cần:

Thứ nhất, đối với hộ có quy mô “Bán trang trại” cần được đánh giá, lựa chọn và tiếp tục hỗ trợ để họ có thể phục hồi hoặc phát triển đạt các chuẩn mới về trang trại để họ có thể tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ trước đây và các chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại theo các chuẩn mới.

Thứ hai, đất trang trại hiện nay chủ yếu là đất được giao khoán, cho thuê, cho thuê tạm, đấu thầu… cần phải có quy định về thời hạn tối thiểu khi được giao, thuê tương ít nhất phải là 20 năm và ổn định để chủ trang trại đầu tư không sợ mất tài sản. Ngoài ra, chính sách đất đai như đã nói ở phần trên về hạn điền cần nới rộng để một bộ phận kinh tế hộ có đủ điều kiện phát triển thành kinh tế trang trại.

Thứ ba, cần sớm điều chỉnh tiêu chí trang trại, theo đó có tiêu chí cụ thể về diện tích và doanh thu đối với từng loại hình trang trại như trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp… và đi kèm với các tiêu chí máy móc thiết bị, khoa học công nghệ. Đối với mỗi loại hình trang trại chỉ cần đáp ứng một số tiêu chí nào đó chứ không phải tất cả. Ví dụ trang trại trồng hoa, rau quả công nghệ cao chẳng hạn, thì không thể lấy tiêu chí diện tích đất phải từ 3 ha như hiện nay mới được công nhận khi mà doanh thu của nó rất cao.

Chính sách đối với doanh nghiệp tích tụ ruộng đất: đối với các nông trường, lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả cần chuyển đổi, cho thuê đất hoặc bán cho doanh nghiệp có nhu cầu và khả năng sản xuất kinh doanh nông nghiệp thành doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần có cơ chế, quy định khi doanh nghiệp mua ruộng đất của dân như việc không được thay đổi mục đích sử dụng đất, cho mua với diện tích lớn, liền canh (có thể cả một ấp). Ngoài ra nhà nước cần đặc biệt hỗ trợ về mặt thủ tục, và hỗ trợ vay vốn đối với doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại một số địa phương ở việt nam (Trang 107 - 109)