Từ thực tiễn triển khai hoạt động bảo đảm tiền vay bằng tài sản tại các TCTD nói chung và tại BIDV SGD1 nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, luận văn kiến nghị một số nội dung sau đây nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm tiền vay bằng tài sản:
(i) Đồng bộ khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động bảo đảm tiền vay:
Chính phủ cần chỉ đạo, xây dựng hoàn thiện các bộ luật liên quan đến hoạt động bảo đảm tiền vay, tạo dựng môi trường pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho hoạt động này tại các TCTD. Tiếp tục thực hiện việc rà soát, tập hợp thống nhất hóa các quy định hiện hành về quy chế cho vay, bảo đảm tiền vay và đăng ký biện pháp bảo đảm... nhằm loại bỏ những mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản này. Một số vấn đề có thể lưu ý như sau:
Sửa đổi các quy định về cầm cố tài sản: tại Điều 310 về “Hiệu lực của cầm cố tài sản”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”. Do vậy, Điều 10 của Luật Nhà ở năm 2014 cần được sửa đổi, theo hướng mở rộng cả quyền cầm cố nhà ở cho chủ sở hữu, đồng thời cần có quy định chi tiết về cầm cố nhà ở. Tương tự, tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 cũng cần sửa đổi theo hướng cho phép các chủ thể có quyền sử dụng đất làm tài sản cầm cố.
Trong Bộ luật Dân sự 2015 cần bổ sung các Điều luật liên quan đến quyền tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, theo đó, cần có quy định cụ thể về việc quyền tài sản có thể được đảm bảo dưới hình thức cầm cố, thế chấp hay biện pháp khác... Ngoài ra, đối với các loại tài sản đặc biệt như tàu bay, tàu biển... cần thống nhất trong việc áp dụng biện pháp cầm cố hay thế chấp. Chẳng hạn, theo Bộ luật Hàng hải năm 2015 chỉ quy định một biện pháp bảo đảm là thế chấp tàu biển, điều này là chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, vì nếu xét tàu biển là động sản thì tàu biển sẽ được phép áp dụng cả biện
89
pháp cầm cố để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
Sửa đổi, thống nhất các quy định về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm: Có hai loại hiệu lực đặc biệt quan trọng đối với hợp đồng bảo đảm đó là hiệu lực đối với các bên giao kết hợp đồng và hiệu lực đối với người thứ ba, hay còn gọi là hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định tại Điều 297 về “Hiệu lực đối kháng với người thứ ba”, Bộ luật Dân sự năm 2015. Về nguyên tắc, khi các bên đã ký hợp đồng, thì phải có hiệu lực với các bên, khác hẳn với hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
Tại Điều 319 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ như sau: “1. Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác; 2. Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.
Tại Điều 5, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về “Đăng ký biện pháp bảo đảm” quy định: “Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký. Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm”.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm hiện nay rất phức tạp, còn xuất hiện nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến phần lớn chưa phân biệt cụ thể được giữa hai thời điểm có hiệu lực khác nhau như nêu trên. Có thể kể ra một số quy định dưới đây:
(1) Tại Khoản 3 Điều 188 về “Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Việc thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
(2) Tại khoản 1 Điều 122 về “Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở”, Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Việc thế chấp nhà ở có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng”.
(3) Tại Khoản 3 Điều 29 về “Đăng ký các quyền đối với tàu bay”, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 quy định: “Việc thế chấp tàu bay có hiệu lực từ
90
thời điểm được cơ quan đăng ký ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam”.
(4) Tại Khoản 2 Điều 39 về “Đăng ký thế chấp tàu biển Việt Nam”, Bộ luật Hàng hải năm 2015 quy định: “Việc thế chấp tàu biển có hiệu lực sau khi được ghi trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam”.
Đối với các quy định về thu giữ, xử lý TSBĐ: Chính phủ và các bộ ngành liên quan liên quan cần nghiên cứu và ban hành các hướng dẫn cụ thể hơn nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho bên nhận bảo đảm đặc biệt trong trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác; giải quyết mối quan hệ giữa TCTD (chủ nợ có bảo đảm) với các chủ nợ khác...
Việc thống nhất, đồng bộ các quy định pháp luật về bảo đảm tiền vay và nếu những thay đổi nêu trên được triển khai trong thực tế sẽ kích thích, mở rộng hơn nữa hoạt động cho vay cũng như bảo đảm tiền vay của các TCTD.
(ii) Hoàn thành và ban hành “Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật dân sự về giao dịch bảo đảm”:
Chính phủ cần sớm hoàn thành và ban hành “Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật dân sự về giao dịch bảo đảm” để thay thế Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về “Giao dịch bảo đảm” nhằm đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với những quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015, tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm, cũng như nhằm triển khai thi hành có hiệu quả Bộ luật này. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2017, các văn bản quy định chi tiết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 như Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP cũng đồng thời hết hiệu lực thi hành. Vì vậy, việc ban hành Nghị định thay thế là hết sức cần thiết để đảm bảo có đầy đủ cơ sở pháp lý cho người dân và doanh nghiệp trong việc xác lập và thực hiện giao dịch bảo đảm.
Bộ luật dân sự năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, trong đó có phần nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như: bổ sung hai biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản; Có sự tách biệt giữa thời điểm có hiệu lực
91
của giao dịch bảo đảm và thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba... Do đó, để thực thi có hiệu quả Bộ luật dân sự, cần thiết phải có sự rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm để đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với quy định mới của Bộ luật dân sự năm 2015.
Trải qua 9 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục, cụ thể như sau:
(1) Chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về việc xác lập biện pháp cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác nên trên thực tế đã có cách hiểu cho rằng, các bên không được ký kết hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác. Trong trường hợp này, các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh. Điều này đã gây khó khăn và những rủi ro pháp lý cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác.
(2) Chưa quy định về cơ chế thanh toán số tiền thu được từ việc xử lý đồng thời quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nên trên thực tế đã có sự lúng túng trong quá trình áp dụng.
(3) Chưa có quy định cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận cầm cố thẻ tiết kiệm trong trường hợp nhận cầm cố thẻ tiết kiệm do tổ chức tín dụng khác phát hành (bên nhận cầm cố thẻ tiết kiệm và bên phát hành thẻ tiết kiệm là hai chủ thể khác nhau). Điều này dẫn đến tình trạng: ngân hàng phát hành thẻ tiết kiệm thường khấu trừ trước số tiền trong thẻ tiết kiệm để thực hiện nghĩa vụ của chủ thẻ tiết kiệm đối với mình, đồng thời không hỗ trợ bên nhận cầm cố thẻ tiết kiệm trong việc phong tỏa tài khoản tiền gửi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận cầm cố thẻ tiết kiệm.
Vì vậy, việc xây dựng hoàn thiện “Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật dân sự về giao dịch bảo đảm” trong bối cảnh hiện tại là hết sức cần thiết nhằm kịp thời khắc phục, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật về giao dịch bảo đảm, qua đó tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý
92
cho việc ký kết, thực hiện giao dịch bảo đảm, giúp thúc đẩy hoạt động cho vay có bảo đảm của các TCTD.
(iii) Hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm:
Từ đầu tháng 12/2017, hệ thống quản lý dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã được triển khai vận hành chính thức. Hệ thống có thể mở rộng và tích hợp được thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau; phát triển các sản phẩm và dịch vụ để tăng cường, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN và hoạt động kinh doanh của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay. Vì vậy, trên nền tảng cơ sở hệ thống hiện đại này, Chính phủ cần chỉ đạo (NHNN và Bộ Tư pháp) việc triển khai đề án tích hợp quản lý vận hành hệ thống lý dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm, giúp các TCTD dễ dàng tra cứu thông tin một cách thống nhất; Đồng thời, cần hoàn thiện các tính năng của phần mềm đăng ký và tra cứu biện pháp bảo đảm trực tuyến nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của các TCTD đối với các tài sản thế chấp là động sản, góp phần đẩy nhanh tốc độ phê duyệt, giải ngân các khoản vay tới khách hàng.
(iv) Một số kiến nghị khác:
Chính phủ cần quan tâm triển khai hơn nữa những biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm tiền vay bằng tài sản. Đồng thời, dành nhiều nguồn lực hơn để hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin ngành ngân hàng, đặc biệt về lĩnh vực bảo đảm tiền vay.
Chính phủ cần có các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Chỉ đạo VAMC tập trung triển khai rà soát, phân loại, đánh giá lại các khoản nợ đã mua và TSBĐ để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp; Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; Tăng cường phối hợp chặt chẽ với TCTD trong việc thu hồi nợ, bán và xử lý nợ, TSBĐ đối với các khoản nợ xấu đã mua; Tăng cường năng lực định giá, đánh giá tài sản; Thường xuyên, kịp thời công khai hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu...
Các bộ, ngành liên quan cần tạo điều kiện, hợp tác, giúp đỡ cho các TCTD và khách hàng triển khai hoạt động bảo đảm tiền vay bằng tài sản, đặc biệt là trong quá trình công chứng, đăng ký biện pháp bảo đảm, thu giữ và xử lý TSBĐ...
93