Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Một phần của tài liệu 1398 tăng cường hoạt động bảo đảm tiền vay bằng tài sản tại NHTM CP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh sở giao dịch 1 luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 107 - 108)

Để triển khai có hiệu quả hoạt động bảo đảm tiền vay tại các TCTD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần quan tâm chỉ đạo và thực hiện một số nội dung sau đây:

NHNN cần kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện khi có những thay đổi, bổ sung pháp lý liên quan đến hoạt động bảo đảm tiền vay cho các TCTD. Trước mắt, cần phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn chi tiết về quy định thu giữ TSBĐ, về quyền của bên nhận bảo đảm đối với việc xử lý TSBĐ trong trường hợp bên bảo đảm không thiện chí hợp tác... Đồng thời, NHNN cần tổ chức triển khai có hiệu quả Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 03/01/2015 về việc phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, theo đó, định kỳ hai bên cần phối hợp tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, tổng hợp công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động ngân hàng, có các biện pháp cụ thể giải quyết khó khăn vướng mắc của TCTD phát sinh trong qua trình triển khai. Việc tuân thủ sát sao Quy chế này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ, nâng cao hiệu quả và xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

NHNN cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện triển khai đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Yêu cầu các TCTD tích cực chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu như: Đôn đốc thu hồi nợ; Bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm; Khởi kiện khách hàng vay; Sử dụng dự phòng rủi ro; Có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh; Xây dựng triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đặc biệt là sự phối hợp có hiệu quả với Công ty VAMC.

NHNN cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN Việt Nam với

94

các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, giám sát. Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành ngân hàng của các TCTD, trong đó có hoạt động bảo đảm tiền vay.

NHNN cần có những biện pháp tích cực để tăng cường hiệu quả hoạt động của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu cả về chiều rộng và chiều sâu. Đối với các dữ liệu về bảo đảm tiền vay, cần tích hợp tạo lập một kho dữ liệu tập trung, thống nhất về khách hàng vay của các TCTD trên phạm vi toàn quốc; Hoàn thiện quy trình xử lý tự động, xuyên suốt và kết nối liên hoàn giữa các nghiệp vụ từ khâu thu thập, xử lý, kiểm soát và cập nhật dữ liệu. nhằm giảm thiểu yếu tố con người giúp cho quá trình tác nghiệp nhanh chóng, chính xác và an toàn.

Một phần của tài liệu 1398 tăng cường hoạt động bảo đảm tiền vay bằng tài sản tại NHTM CP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh sở giao dịch 1 luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 107 - 108)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(121 trang)
w