hiệu quả công tác tín dụng
Trong cơ cấu dư nợ của NHNo&PTNT tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ cho vay qua tổ nhóm chiếm trên 25% tổng dư nợ của chi nhánh, chất lượng cho vay thông qua tổ nhóm đảm bảo tốt, cụ thể nợ quá hạn chỉ chiếm dưới 1% trên tổng dư nợ cho vay qua tổ nhóm. Việc đầu tư vốn theo mô hình này đã góp phần mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng, duy trì và phát triển thị phần ở khu vực nông thôn trên cơ sở tiết giảm chi phí nhân lực, vật lực và từng bước thực hiện công tác xã hội hoá hoạt động ngân hàng. Để hiệu quả hoạt động cho vay qua tổ nhóm nâng cao thì việc hết sức quan trọng là sự tạo điều kiện giúp đỡ từ chính quyền địa phương từ việc thành lập các tổ nhóm cho đến quan tâm chỉ đạo hoạt động của các hội, tổ nhóm như hội phụ nữ, hội nông dân, tổ vay vốn... khi chất lượng các tổ nhóm vay vốn nâng cao đồng nghĩa với việc đồng vốn ngân hàng được sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả kinh tế và thu hồi vốn. Hơn nữa trong điều kiện khuôn khổ pháp lý về đảm bảo tiền vay chưa hoàn chỉnh (khả năng chuyển nhượng thấp, quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận đầy đủ, thủ tục phát mại tài sản nhiều bất cập) phải thực sự coi trọng khâu thẩm định, kết hợp chặt chẽ với chín quyền, đoàn thể trong quá trình cho vay để nắm bắt thông tin khách hàng. Từ thực tế cho thấy, chính quyền, tổ chức đoàn thể có vai trò quan trọng trong việc giúp ngân hàng lựa chọn đối tượng cho vay, xác định tài sản thế chấp, cung cấp thông tin ngăn ngừa sử dụng vốn sai mục đích. Vì vậy trong trường hợp vay không có đảm bảo bằng tài sản cũng như xử lý phát mại tài sản để thu hồi nợ rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía đoàn thể, chính quyền địa phương.