Sơ đồ 1.2. Sơ đồ thực hiện quản trị rủi ro tín dụng
1.2.3.1. Giai đoạn nhận biết rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng luôn gắn liền với hoạt động tín dụng, rủi ro tín dụng nếu xảy ra có thể dẫn tới những thiệt hại lớn cho ngân hàng, làm ngân hàng tổn thất tài sản, làm giảm thu nhập và uy tín của ngân hàng, ngoài ra còn có thể dẫn tới các loại rủi ro khác. Vì vậy, hiểu và nhận biết tốt về rủi ro tín dụng là điều quan trọng, làm cơ sở cho hoạt động quản trị rủi ro tín dụng.
Tùy thuộc vào quy mô hoạt động, mô hình hoạt động, quy trình tín dụng và môi trường kinh doanh, các ngân hàng thương mại sẽ xây dựng hệ thống công cụ, chỉ số tính toán. với các tiêu chuẩn khác nhau để nhận diện rủi ro tín dụng. Quá trình nhận biết rủi ro tín dụng được thực hiện thông qua các dấu hiệu ban đầu của rủi ro tín dụng.
Nhận biết rủi ro tín dụng là quá trình liên tục và được thực hiện tại mọi cấp xét duyệt cho vay.
1.2.3.2. Bước đánh giá mức độ rủi ro tín dụng
Sau khi nhận diện được rủi ro tín dụng qua các dấu hiệu rủi ro tín dụng, ngân hàng phải đánh giá được về mức độ tổn thất và xác suất xảy ra. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật khác nhau, từ các công cụ và mô hình đơn giản đến các công cụ và mô hình phức tạp. Đánh giá mức độ rủi ro tín dụng chính xác và kịp thời là rất cần thiết đảm bảo cho hệ thống quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả.
> Các biện pháp đánh giá rủi ro tín dụng thường được áp dụng hiện nay
Phân tích định tính: Thông qua quá trình thu thập và đánh giá khách hàng về các vấn đề như: lịch sử hình thành, có cấu vốn điều lệ, các cổ đông góp vốn, mô hình tổ chức hoạt động, năng lực và kinh nghiệm của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, các chỉ số đánh giá tín nhiệm nội bộ, chỉ số tín nhiệm của tổ chức bên ngoài, cơ chế hoạt động của kế toán,...
Phân tích định lượng: Thông qua kết quả tính toán các chỉ số hoặc tỷ lệ cơ bản của các chỉ tiêu tài chính như tỷ lệ thu nhập từ hoạt động tín dụng, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn.
Phân tích ngành hàng, các đối thủ cạnh tranh: Thông qua sự cạnh tranh trong ngành, các điểm yếu, thế mạnh và thị phần trong ngành so với các đối thủ cạnh tranh.
Phân tích kết hợp các yếu tố khác: Mức độ tập trung trong phát triển một loại hình sản phẩm hay đầu tư đa dạng cho nhiều loại hình sản phẩm, điều này dẫn tới sự tập trung hay phân tán nguồn vốn do đó ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong kinh doanh,.
> Cơ chế, chính sách quản trị rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng gắn liền với hoạt động tín dụng của ngân hàng. Rủi ro tín dụng và lợi ích của ngân hàng luôn tồn tại thống nhất và đối nghịch nhau. Ngày nay, với sự phát triển đa dạng của nền kinh tế, các rủi ro tín dụng mới được phát
hiện càng nhiều và mức độ tinh vi của các rủi ro tín dụng ngày càng cao. Do đó, theo thời gian các ngân hàng không ngừng cập nhật, sửa đổi quy trình tín dụng, chính sách rủi ro tín dụng, khung quản trị rủi ro tín dụng, các giới hạn an toàn ... cho phù hợp với hoạt động đổi mới của ngân hàng và môi trường kinh tế.
Ngân hàng xác định mục tiêu, xây dựng chiến lược chính sách và quy trình quản trị rủi ro tín dụng phù hợp với mô hình hoạt động của ngân hàng và các thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro tín dụng đã được thừa nhận.
Nghiên cứu xác lập các giới hạn, hạn mức cho vay theo từng ngành nghề, từng loại khách hàng, loại tiền tệ, sản phẩm và khu vực địa lý. Việc xác định giới hạn tín dụng đảm bảo nâng cao chất lượng cho vay cũng như nếu rủi ro xảy ra vẫn nằm trong giới hạn chịu đựng an toàn của ngân hàng.
Các bộ phận trực tiếp thẩm định cho vay cũng như tái thẩm định đều phải tuân thủ chính sách, quy trình tín dụng một cách thận trọng. Tránh trường hợp vì nhiều lý do khác nhau mà cho vay không tuân thủ theo trình tự các bước trong quy trình tín dụng dẫn tới bỏ sót các khâu kiểm soát.
Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ trong hoạt động phân tích và thẩm định tín dụng, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư dự án. Hiện nay tại các chi nhánh ngân hàng thương mại hầu hết không có phòng tài trợ dự án độc lập mà cán bộ phòng tín dụng thực hiện kiêm cả cấp tín dụng ngắn hạn và cấp tín dụng đầu tư dự án trung dài hạn, trong đó hoạt động đầu tư dự án có giá trị vay lớn, thời gian cho vay dài, biên độ biến động của các biến số kinh doanh lo'n,...do đó đầu tư dự án thường có rủi ro ở mức cao, vì vậy tập trung đào tạo nâng cao trình độ cán bộ tín dụng hệ thống là nhiệm vụ quan trọng.
Xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng, hệ thống chấm điểm tín dụng nội bộ theo quy định của NHNN và theo các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo đánh giá tương đối chính xác mức độ rủi ro và uy tín hoạt động của khách hàng.
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng thông qua các báo cáo phân tích danh mục từng ngành hàng và xây dựng điều kiện trong phê duyệt cho vay cho cả ngân hàng.
Chia sẻ rủi ro thông qua thực hiện đồng tài trợ nhằm phân tán bớt rủi ro, thực hiện mua bán nợ hoặc hoán đổi các khoản nợ,...
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu về khách hàng và các khoản vay. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đối với tất cả các khách hàng nợ xấu, nợ có vấn đề và có khả năng chuyển nhóm nợ xấu. nhằm cung cấp và cảnh báo cho phòng ban tín dụng trong hệ thống ngân hàng.
1.2.3.3. Kiểm soát và xử lý rủi ro tín dụng
Ngân hàng phải xây dựng mô hình hoạt động phù hợp để kiểm soát rủi ro tín dụng (cần tách bạch giữa các giai đoạn: Đề xuất cho vay; Thẩm định rủi ro; Thẩm định tài sản đảm bảo và Tác nghiệp). Sự tách bạch giữa 3 giai đoạn trên sẽ tạo ra tính minh bạch và trách nhiệm trong các khoản cho vay, đồng thời thời gian xử lý các khoản vay sẽ chuyên nghiệp và nhanh hơn.
Kiểm soát theo quy trình cấp tín dụng: Trước, trong và sau khi cho vay đều có các bộ phận kiểm soát đi kèm nhằm chọn lọc bớt dần rủi ro có thể phát sinh trong khoản vay.
Nâng cao tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo: Hiện nay phần lớn các khoản vay được ngân hàng cho vay theo dòng tiền, tuy nhiên đối với các khách hàng có uy tín trung bình và thấp việc cho vay trên cơ sở tài sản đảm bảo là rất quan trọng trong việc khách hàng thể hiện tính trách nhiệm của mình trong việc sử dụng khoản vay đảm bảo hiệu quả sinh lời cao nhất từ khoản vay nợ đó.
Phân loại và xử lý nợ xấu (thành lập bộ phận chuyên trách): Hiện này các ngân hàng đều thành lập các bộ phận chuyên trách nhiệm xử lý nợ xấu, khi các khoản nợ xấu phát sinh, ngay sau đó sẽ được chuyển cho các bộ phận này thực hiện phân loại sàng lọc các khoản nợ nhằm đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể cho từng khoản nợ.
Trích dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng: Hàng qúy, hàng năm ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng và xử lý dự phòng rủi ro tín dụng đối với các khoản nợ xấu với tỷ lệ nhất định, tuy nhiên phải tuân thủ theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và NHNN.
Chuyển rủi ro: Các khoản cho vay phát sinh rủi ro có thể được thực hiện chuyển qua một bên thứ ba thông qua mua bảo hiểm hoặc các biện pháp phòng ngừa rủi ro vào các công cụ phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi.