Hệ thống xếp hạng tín dụng: Mọi khách hàng đều phải được xếp hạng tín dụng theo hệ thống xếp hạng của HDBank; kết quả xếp hạng là định hướng quan trọng trong phát triền hệ tín dụng với khách hàng. Tuy nhiên, mặc dù đã tiến hành áp dụng phương pháp định lượng đối với việc phân loại và đánh giá khách hàng doanh nghiệp, song công tác đo lường rủi ro vẫn còn bộc lộ nhiều nhược điểm, thể hiện ở kết quả xếp hạng chưa kiểm định đúng thực trạng của KH do cơ sở tính toán dựa trên các báo cáo tài chính đôi khi đã bị DN chỉnh sửa, kết quả chấm điểm và xếp loại doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào đánh giá chủ quan của cán bộ tín dụng, từ đó cho thấy việc hạn chế RRTD ở khâu chấm điểm xếp hạng tín dụng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong công tác hạn chế rủi ro.
Phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro: HDBank thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các chỉ tiêu về tỷ lệ nợ xấu, số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro là những thước do quan trọng về chất lượng tín dụng. Việc phân loại nợ giúp ngân hàng dễ dàng quản lý danh mục cho vay,
xác định mức độ rủi ro để có biện pháp quản lý, phòng ngừa và xử lý thích hợp, còn dự phòng rủi ro là để bù đắp tổn thất trong trường hợp có nợ xấu xảy ra. Tuy nhiên các quy định này vẫn thiên về định lượng và hầu như rủi ro tín dụng chỉ được phát hiện khi nó đã xảy ra. Việc không có những tín hiệu cảnh báo sớm sẽ làm cho ngân hàng không điều chỉnh kịp thời các chính sách về đầu tư, về quản lý rủi ro tín dụng. Vì vậy trong thời gian tới ngân hàng cần phải xây dựng một hệ thống phân loại nợ có tính cảnh báo cao hơn, sử dụng kết hợp phương pháp định tính trong phân loại nợ, phân loại nợ dựa trên rủi ro tiềm tàng của khoản vay, tình hình của khách hàng.