1.2.2.1. Các chỉ tiêu định lượng
❖ Tong dư nợ cho vay tiêu dùng
Dư nợ cho vay tiêu dùng là số tiền mà khách hàng còn nợ ngân hàng tại một thời điểm, nó phản ánh lượng tiền mà ngân hàng chưa thu hồi được từ các khoản cho vay tiêu dùng.
Xác định dư nợ cho vay tiêu dùng giúp ngân hàng nhìn nhận được tình trạng thu nợ từ khách hàng.
Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng luôn gắn liền với doanh số cho vay tiêu dùng. Doanh số cho vay tiêu dùng càng cao thì khả năng tổng dư nợ cho vay tiêu dùng cũng cao. Bởi lẽ, khách hàng vay tiêu dùng thông thường sẽ trả nợ theo định kỳ hàng tháng, hàng quý nên “ngay lập tức” khoản vay sẽ chưa được trả hết mà sẽ tồn tại đến kỳ tiếp theo.
Sự phát triển của dư nợ cho vay tiêu dùng có thể được phản ánh theo số tuyệt đối hoặc tương đối. Tốc độ tăng tuyệt đối là sự gia tăng của dư nợ cho vay theo thời gian, thường lấy chỉ tiêu dư nợ vào thời điểm cuối mỗi năm. Dư nợ cho vay càng tăng từ năm này qua năm khác, phản ánh sự phát triển về lượng của cho vay tiêu dùng.
❖ Tong dư nợ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ
Không chỉ đánh giá sự gia tăng dư nợ cho vay tiêu dùng theo thời gian mà còn phải xem xét nó trong mối tương quan với tổng dư nợ của cả ngân hàng tại thời điểm phân tích. Neu tốc độ tăng tổng dư nợ lớn hơn tốc độ tăng của dư nợ cho vay tiêu dùng chứng tỏ sự phát triển của hoạt động cho vay tiêu dùng chưa theo kịp sự phát triển của cả ngân hàng. Vì vậy khi đánh giá về tốc độ tăng của dư nợ phải đánh giá nó trong mối quan hệ với sự gia tăng của các hoạt động khác của ngân hàng.
❖ Tỷ lệ dư nợ có tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng
Tài sản đảm bảo là một phần không thể thiếu của khoản vay. Tỷ lệ dư nợ có tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng càng cao sẽ phản ánh được mức độ rủi ro của các khoản vay tiêu dùng càng thấp.
Xác định tỷ lệ dư nợ có tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giúp ngân hàng cơ cấu khoản vay nhằm hạn chế rủi ro.
❖ Sự an toàn trong cho vay tiêu dùng
Sự an toàn trong cho vay tiêu dùng được thể hiện qua các chỉ tiêu nợ quá hạn, nợ xấu. Nợ quá hạn là khoản nợ mà một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi đã quá thời điểm trả nợ của khách hàng.
Tỉ lệ nợ quá hạn = Dư nợ quá hạn / Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Nợ quá hạn cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu: rủi ro khách quan từ suy thoái kinh tế, thiên tai, mất mùa, thất nghiệp, dịch bệnh...; rủi ro chủ quan như tình trạng sức khoẻ, việc làm , ý thức trả nợ vay cũng như khả năng tài chính của khách hàng sụt giảm. Khi rủi ro phát sinh sẽ tạo nên những tổn thất, có thể dẫn đến mất vốn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và khả năng quay vòng vốn của ngân hàng.
Nợ quá hạn nhiều phản ánh chất lượng tín dụng của ngân hàng không tốt, chứa đựng nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh, ngược lại tỷ lệ nợ quá
hạn thấp chứng tỏ sự phát triển an toàn và ổn định của hoạt động tín dụng. Sự phát triển cho vay tiêu dùng không chỉ là sự gia tăng về số lượng mà còn phải đi cùng với chất lượng của các khoản vay nghĩa là các khoản vay tiêu dùng phải thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của người vay và ngân hàng thu được hết nợ gốc và lãi vào cuối thời hạn trả nợ. Vì thế các ngân hàng khi phát triển hoạt động tín dụng này luôn chú trọng tới việc đảm bảo an toàn cho các khoản cho vay tiêu dùng, để hạn chế tới mức thấp nhất có thể chấp nhận được tỷ lệ nợ quá hạn trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
❖ Lợi nhuận cho vay tiêu dùng
Lợi nhuận là chỉ tiêu tổng hợp nhất phản ánh sự phát triển cho vay tiêu dùng trong NHTM. Lợi nhuận của hoạt động tín dụng tiêu dùng được tính bằng cách lấy doanh thu trừ đi chi phí. Lợi nhuận này càng cao chứng tỏ hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên ngoài xem xét sự tăng trưởng theo thời gian của chỉ tiêu lợi nhuận, còn phải đánh giá tỉ trọng đóng góp từ hoạt động cho vay tiêu dùng vào lợi nhuận của cả ngân hàng. Từ đó có thể phân tích được vai trò quan trọng của việc phát triển cho vay tiêu dùng đối với NHTM.
Phát triển cho vay tiêu dùng có thể trong ngắn hạn không vì mục đích lợi nhuận như giữ thị trường, tăng cạnh tranh nhưng trong dài hạn nó phải mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, một lợi nhuận cao là minh chứng rõ ràng nhất để đánh giá sự mở rộng về số lượng cũng như chất lượng của hoạt động cho vay tiêu dùng trong NHTM.
1.2.2.2. Các chỉ tiêu định tính
❖ Sự đa dạng của sản phẩm cho vay tiêu dùng
Sự đa dạng của sản phẩm là số lượng sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Đa dạng hoá sản phẩm là một chiến lược marketing đúng đắn của bất kỳ doanh nghiệp nào trong nền kinh tế thị trường, nhằm tránh rủi ro và tối đa
hoá lợi nhuận. Các ngân hàng cũng vậy, luôn tìm cách tạo ra những sản phẩm mới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng gia tăng lợi nhuận.
Đo lường chỉ tiêu này thông qua danh mục sản phẩm cho vay tiêu dùng ngân hàng cung cấp cho thị trường. Một ngân hàng có hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển khi mà sản phẩm cho vay tiêu dùng phong phú và đa dạng. Càng nhiều sản phẩm có nghĩa là khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người vay từ ngân hàng là cao, bất cứ nhu cầu nào ngân hàng cũng có thể đáp ứng. Sự phát triển cho vay tiêu dùng bằng cách đa dạng hoá sản phẩm sẽ tạo uy tín và thu hút được khách hàng, làm gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Rõ ràng ngân hàng không thể phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng của mình nếu không có những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của người tiêu dùng.
❖ Chất lượng sản phẩm cho vay tiêu dùng
Chất lượng sản phẩm là tập hợp các chỉ tiêu, các đặc trưng của sản phẩm thể hiện mức thỏa mãn nhu cầu trong những điều kiện tiêu dùng nhất định.
Trên thực tế, nhu cầu có thể thay đổi theo thời gian, vì thế, cần xem xét định kỳ các yêu cầu chất lượng để có thể bảo đảm lúc nào sản phẩm làm ra cũng thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Với nhu cầu của một khối lượng lớn các khách hàng sẽ không tránh khỏi tình trạng mỗi khách hàng có một nhu cầu và điều kiện đáp ứng các thủ tục vay ngân hàng khác nhau. Khách hàng có rất nhiều đối tượng, công tác ở những ví trí, trong những cơ quan, đoàn thể và thói quen tiêu dùng, tập tính sinh hoạt khác nhau. Vì vậy, sự đa dạng của sản phẩm sẽ là một trong những công cụ để giải quyết tốt tất cả nhu cầu khác nhau của tất cả các đối tượng khách hàng. Sự hài lòng và mức tín nhiệm của khách hàng thể hiện chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn sẽ đẩy cao hơn doanh số cho vay và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho ngân hàng.
Đánh giá đúng chất lượng sản phẩm, ngân hàng sẽ đưa ra được những sản phẩm ngày một tốt hơn, thỏa mãn đầy đủ nhu cầu của khách hàng.
❖ Quy trình và chính sách tín dụng
Quy trình tín dụng là bảng tổng hợp mô tả công việc của ngân hàng từ khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của một khách hàng cho đến khi quyết định cho vay, giải ngân, thu nợ và thanh lý hợp đồng tín dụng.
Việc xác lập và không ngừng hoàn thiện một quy trình tín dụng đặc biệt quan trọng đối với một NHTM. Quy trình tín dụng được coi là phát triển khi đảm bảo về mặt hiệu quả và mặt quản lý.
Ve mặt hiệu quả, một quy trình tín dụng hợp lý sẽ giúp cho ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Về mặt quản lý, quy trình tín dụng là cơ sở cho việc phân định quyền, trách nhiệm cho các bộ phận trong hoạt động tín dụng; cơ sở để thiết lập các hồ sơ, thủ tục vay vốn.
Chính sách tín dụng là những quan điểm, chủ truơng của ngân hàng về quan hệ tín dụng hay về lĩnh vực tín dụng nói chung nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển của sản phẩm tín dụng.
Mục tiêu của chính sách tín dụng là nâng cao chất luợng, hiệu quả và độ an toàn trong hoạt động tín dụng.
Quy trình và chính sách tín dụng được đánh giá là tốt khi nó không làm mất nhiều thời gian của khách hàng mà vẫn mang lại được lợi ích cho họ. Đánh giá một đơn xin vay tiêu dùng không phải dễ dàng bởi vì khách hàng không muốn cung cấp tất cả các thông tin cho ngân hàng. Thêm vào đó, chứng minh được nguồn thu nhập ổn định dùng để trả nợ cho khoản vay cũng không đơn giản. Chính vì vậy, quy trình tín dụng chặt chẽ, nhanh gọn, chính sách tín dụng linh hoạt sẽ tránh được rủi ro và mang lại hiệu quả cao cho ngân hàng.
❖ Điểm tín dụng của khách hàng
Điểm tín dụng được dùng để phán đoán khả năng trả món nợ của từng cá nhân. Lợi ích hệ thống tính điểm mang lại là rất lớn, trong đó ưu điểm nổi bật có thể kể đến là giảm thiểu chi phí phân tích thông tin, giúp đưa ra các quyết định cho vay nhanh và chính xác, đảm bảo việc thu hồi vốn và từ đó giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Kỹ thuật tính điểm sử dụng thông tin về khách hàng có được qua hai nguồn quan trọng: các thông tin do chính khách hàng cung cấp và thông tin qua nguồn tham khảo trung gian. Những tiến bộ trong khoa học công nghệ cũng cho phép các kỹ thuật khác được sử dụng để xây dựng điểm tín dụng.
Điểm tín dụng đã thực sự trở thành bài toán xếp loại khi đầu ra của quá trình tính điểm chính là sự phân loại thành khách hàng “tốt” hay “xấu”.