Định hướng phát triển công nghiệp hóa ở Việt Nam diễn ra trong môi trường quốc tế thuận lợi, nền kinh tế thế giới đang trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống ngân hàng có tiềm lực vững mạnh, nhanh chóng đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua, Nhà nước đặc biệt quan tâm đối với hoạt động của NHTM bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chung của nền kinh tế. Hoạt động tín dụng ngân hàng nói chung và loại hình cho vay tiêu dùng của các NHTM nói riêng cũng không là một ngoại lệ. Tuy nhiên, để hoạt động cho vay tiêu dùng của các NHTM có thể phát triển thì không chỉ có cố gắng nỗ lực của riêng ngân hàng mà cần có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
Thứ nhất, việc duy trì sự ổn định về kinh tế, chính trị là một yếu tố đặc biệt quan trọng, nó tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống trong đó có hoạt động cho vay tiêu dùng của NHTM. Nhà nước cần thực hiện các biện pháp nhằm ổn định môi trường kinh tế, chính trị, xã hội thông qua việc xác định rõ chiến lược phát triển kinh tế, hướng đầu tư, tăng cường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách hợp lý để ổn định thị trường, ổn định giá cả, duy
trì tỷ lệ lạm phát ở mức có lợi cho nền kinh tế. Việc Nhà nước tạo ra môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ổn định sẽ tạo điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống của dân cư, thúc đẩy mạnh mẽ tăng cầu về tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự ổn định giúp cho các thành phần kinh tế yên tâm sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa, dịch vụ cho xã hội.
Thứ hai, Nhà nước cần sớm ban hành và hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển dịch vụ ngân hàng nói chung và hoạt động cho vay tiêu dùng nói riêng. Vì thế Nhà nước cần có một số biện pháp như: Tiếp tục phát huy vai trò điều tiết thị trường tiền tệ, tạo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh đồng thời mở rộng quy mô và tính linh hoạt của thị trường tiền tệ; Nghiên cứu, ban hành các luật, các văn bản điều chỉnh, phù hợp với tốc độ phát triển của các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới trên cơ sở tham khảo hệ thống pháp luật ở các nước phát triển và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Trước hết, cần có các văn bản quy định hoạt động cho vay tiêu dùng đặc biệt là việc công bố lãi suất thực của các hình thức cho vay nhằm cung cấp tín hiệu thị trường một cách công bằng đối với người vay.
Thứ ba, đưa ra những chính sách phù hợp cải thiện môi trường kinh tế xã hội, khoa học công nghệ cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Nhà nước cần có những cơ chế đầu tư thỏa đáng cho những nhà đầu tư vào việc phát triển các dịch vụ hiện đại như hệ thống bán hàng tự động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin có ý nghĩa xã hội, phân bố đồng đều.
Thứ tư, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước là rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đối với hoạt động cho vay tiêu dùng thì nền sản xuất trong nước phát triển vừa tạo hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng
của khách hàng vừa tạo thêm nhu cầu đi vay tiêu dùng trong dân cư khi thu nhập của người dân tăng lên, mức sống cao hơn.
Thứ năm, Nhà nước nên thực hiện chính sách kích cầu như giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập nhằm kích thích tiêu dùng. Khi người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá rẻ hơn và được ngân hàng cho vay sẽ tăng nhu cầu tiêu dùng trong hiện tại. Từ đó, hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển.
Thứ sáu, một vai trò quan trọng khác của Nhà nước là can thiệp vào hoạt động của ngân hàng thông qua các công cụ lãi suất, biện pháp giảm thiểu rủi ro trong cho vay tiêu dùng. Nhà nước nên đưa ra các quy định cụ thể về tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro riêng đối với cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên nếu sự can thiệp quá mức mang tính áp đặt của Chính phủ vào hoạt động ngân hàng sẽ trở nên bị gò bó, thiếu tính linh động, gây khó khăn cho ngân hàng trong quá trình phát triển. Ngày 23/01/2009, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư số 01/2009/TT-NHNN hướng dẫn về lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng nhưng chỉ áp dụng cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng chứ không phải áp dụng cho vay đối với mọi nhu cầu hợp pháp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các ngân hàng chưa mạnh dạn mở rộng cho vay tiêu dùng trong thời gian qua. Để tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng mở rộng và phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn và/hoặc sửa đổi quy định hiện hành có liên quan của pháp luật theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Bản thân các ngân hàng cũng cần đầu tư đúng mức cho công nghệ, cơ sở vật chất, đào tạo nhân sự và áp dụng chính sách cho vay linh hoạt, phù hợp để nhanh chóng thay đổi thói quen, nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm phục vụ tốt hơn dịch vụ
cho vay tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng