Giải pháp về nhân lực

Một phần của tài liệu Giải pháp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh hoàn kiếm,luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 115 - 117)

3.2.3.1. Nâng cao trình độ nghiệp vụ thanh toán quốc tế

TTQT là một nghiệp vụ rất phức tạp, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải nắm

rất vững nghiệp vụ. Thực trạng về rủi ro trong hoạt động TTQT tại NHCT Hoàn Kiếm cho thấy những rủi ro xuất phát từ lỗi tác nghiệp của nhân viên thanh toán là khá lớn. Do trình độ chuyên môn nghiệp vụ và hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, hoặc do ý thức trách nhiệm không cao, hoặc do thiếu đạo đức nghề nghiệp đã vi phạm các quy trình nghiệp vụ, cơ chế, chính sách, pháp luật dẫn đến những thất thoát tài sản của ngân hàng. Bởi vậy, nếu đội ngũ cán bộ công nhân viên đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động TTQT thì hoạt động TTQT của ngân hàng chắc chắn sẽ giảm thiểu phần lớn những tổn thất do

chủ quan gây ra. Giải pháp này hướng tới những vấn đề cụ thể bao gồm:

- Tích cực tìm kiếm cơ hội đào tạo kết hợp với việc chủ động mở các lớp đào tạo ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ và ý thức đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ công nhân viên. Trong các chương trình đào tạo, các lớp tập huấn, ngân hàng nên đưa ra các tình huống có thật ở các ngân hàng khác hay của các chi nhánh khác trong hệ thống NHCT để các nhân viên cùng nhau đưa ra một cách giải quyết hợp lý nhất, đồng thời đó cũng là cách học tập và để rút kinh nghiệm cho chính bản thân nhân viên TTQT.

- Phối hợp với các NHTM khác cũng như với NHNN để mở lớp tập huấn, đào tạo và nâng cao nghiệp vụ, cập nhật và phổ biến các kỹ thuật thanh toán mới, đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong TTQT; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong TTQT và rủi ro trong thanh TTQT. Có như vậy mới tạo điều kiện để các nhân viên TTQT hiểu rõ hơn về hoạt động TTQT tại Việt Nam, mặt khác còn tạo được mối quan hệ tốt hơn với các ngân hàng trong nước, từ đó nâng cao khả năng tác nghiệp giữa các ngân hàng.

- Sử dụng những chuyên gia giỏi chuyên nghiên cứu về rủi ro và quản trị rủi ro làm hạt nhân trong việc tham mưu cho lãnh đạo ngân hàng và trong việc phổ cập kiến thức và kinh nghiệm của cán bộ công nhân viên về rủi ro và quản trị rủi ro. Ban lãnh đạo ngân hàng cần thiết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, coi trọng những đề xuất khách quan và khoa học. Muốn có chuyên gia giỏi và nguồn nhân lực có chất lượng tốt, trước hết đầu tư kinh phí để cử một số cán bộ có năng lực đi học tập ngắn hạn ở các nước, các ngân hàng đi đầu trong quản trị rủi ro, hoặc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ do các chuyên gia giàu kinh nghiệm đảm nhiệm. Sau đó sử dụng chính những cán bộ đã được đào tạo vào việc giảng dạy nâng cao kiến thức về rủi ro và phòng ngừa rủi ro đối với đội ngũ nghiệp vụ trong ngân hàng. Thực hiện theo phương thức này hiệu quả sẽ rất cao và chỉ cần trong thời gian không dài, trình độ kỹ thuật nghiệp vụ và ý thức phòng chống rủi ro sẽ được nâng lên góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng.

3.2.3.2. Nâng cao năng lực cán bộ quản trị, điều hành và cán bộ chuyên trách về quản trị rủi ro trong thanh toán quốc tế

Cán bộ quản trị, điều hành và cán bộ chuyên trách về quản trị rủi ro trong ngân hàng chính là những người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động kinh doanh, chịu trách nhiệm trước cổ đông và toàn bộ ngân hàng về kết quả kinh doanh - thu nhập, chi phí và tình trạng rủi ro của ngân hàng, do vậy

những cán bộ này không thể không có kiến thức và năng lực quản trị rủi ro. Để nâng cao năng lực quản trị rủi ro của cán bộ quản trị điều hành và cán bộ chuyên trách, cách tốt nhất trong giai đoạn hiện nay vẫn là kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng tư vấn. Mở riêng các lớp bồi dưỡng ngắn hạn với trình độ nâng cao dần cho các cán bộ điều hành các cấp với phương pháp và học liệu riêng phù hợp. Mặt khác, cán bộ quản trị điều hành cần có các chuyên gia về quản trị rủi ro để tham mưu tư vấn mỗi khi cần quyết định những vấn đề liên quan. Về lâu dài, NHCT Việt Nam nên đưa yêu cầu về năng lực quản trị rủi ro như một kiến thức bắt buộc để được lựa chọn và bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong toàn hệ thống.

Đi đôi với việc nâng cao trình độ của cán bộ làm công tác TTQT cũng như cán bộ làm công tác quản trị điều hành thì NHCT Việt Nam nói chung và NHCT Hoàn Kiếm nói riêng nên có cơ chế khuyến khích những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, ngân hàng cũng phải có hình thức xử phạt những đơn vị, cá nhân đề xảy ra rủi ro do yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và uy tín của ngân hàng tùy theo mức độ vi phạm. Chỉ khi thưởng, phạt nghiêm minh mới thúc đẩy, nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ nhân viên, của từng đơn vị trong việc hạn chế rủi ro trong hoạt động TTQT của ngân hàng.

Một phần của tài liệu Giải pháp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh hoàn kiếm,luận văn thạc sĩ kinh tế (Trang 115 - 117)