Những cơ hội, thuận lợi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường phát triển nông nghiệp huyện lộc bình, tỉnh lạng sơn (Trang 88 - 89)

Thứ nhất, xu thế hợp tác để phát triển vẫn là xu thế lớn của thế giới và khu vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tham gia các tổ chức thương mại quốc tế sẽ tạo cơ hội để phát triển sản xuất trong nước, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm; Tạo cơ hội để thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao hơn lợi thế của các ngành hàng; Tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Chính việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã tăng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông nghiệp Lạng Sơn với các mặt hàng chủ lực, có lợi thế so sánh nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan và rào cản phi thuế. Những ngành hàng nông sản chế biến trên cơ sở ứng dụng thành tựu KH&CN có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Thứ hai, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và một số lĩnh vực KH&CN then chốt khác tiếp tục phát triển theo chiều sâu và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đã tác động rộng lớn đến việc cơ cấu lại nền kinh tế, kéo theo đó là sự phân công lại lao động. Ngành nông nghiệp Lạng Sơn đang đứng trước cơ hội tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ số từ thế giới như thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing) và công nghệ viễn thám (Remote Sensing) để có thể đẩy mạnh quy mô sản xuất, tổ chức quản lý và vận hành hiệu quả, kiểm soát được tiêu chuẩn và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiếp cận thị trường nước ngoài. Công nghệ mới trong canh tác sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, trở nên phổ biến trong hoạt động sản xuất như: canh tác trong hệ thống nhà kính, nhà lưới gắn với các công nghệ thâm canh cao, khắc phục được những điều

kiện khó khăn về địa hình, đất đai. Công nghệ canh tác mới sẽ mang lại năng suất, phẩm chất sản phẩm cao đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cho phép tiết kiệm diện tích đất canh tác...

Thứ ba, về mức sống và thu nhập của người dân trong nước và trong khu vực ngày càng khá đã làm thay đổi nhiều về xu hướng tiêu dùng nông sản, cụ thể là sự gia tăng nhu cầu nông sản chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao, an toàn cho sức khỏe. Với lợi thế về vị trí địa lý gần thị trường lớn là Hà Nội và là cửa ngõ để tiếp cận thị trường Trung Quốc, Lạng Sơn có cơ hội lớn để trở thành một vùng cung cấp nông sản tươi và là trung tâm chế biến nông sản phục vụ cho các thị trường lớn nhiều tiềm năng này. Ở trong nước, những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đã làm cho thế và lực nước ta lớn mạnh lên rất nhiều, chính trị ổn định, KT- XH phát triển khá, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, đầu tư phát triển nói chung ngày càng tăng. Kinh tế vùng đã phát huy được các lợi thế so sánh, các vùng động lực đã từng bước phát huy vai trò trung tâm, tạo sự liên kết với các vùng khác và hỗ trợ các vùng khó khăn cùng phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, những kết quả tích cực đạt được trong tiến trình cải cách hành chính thời gian qua, nhất là những cải cách thể chế kinh tế, đổi mới bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ... đã có những tác động tích cực trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển KT- XH của cả nước và từng địa phương trong đó có Lạng Sơn. Hiện nay, đang có nhiều nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế quan tâm đến đầu tư vào nông nghiệp. Chính phủ cũng có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có chính sách thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây là điều kiện để Lạng Sơn triển khai các định hướng và chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường phát triển nông nghiệp huyện lộc bình, tỉnh lạng sơn (Trang 88 - 89)