3.3.1.1. Nâng cao hiệu quả và giải pháp thực thi của việc xử lý tài sản đảm bảo
Thực tế để xử lý các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các NHTM gặp nhiều khó khăn nhất là những tài sản đảm bảo không thực sự đầy đủ các loại giấy tờ. Nếu không được xử lý để thu hồi nợ nhanh chóng, với mức lãi suất hiện nay, giá trị tài sản có tăng nhưng tăng không nhiều, có chăng chỉ đủ bù đắp nợ gốc và một phần nợ lãi. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho NHTM.
Chính vì vậy, khi nhận tài sản thế chấp Ngân hàng cần tuân theo một số nguyên tắc nhất định:
- Đối với tài sản thế chấp không đảm bảo tính pháp lý, không nhận làm tài sản thế chấp.
- Đối với tài sản hao mòn mất giá không nhận làm tài sản thế chấp.
- Trong quá trình thương lượng định giá tài sản và ký hợp đồng tín dụng phải ghi rõ: nếu đến hạn mà bên vay không trả được nợ hoặc lãi thì chủ tài sản cam kết đồng ý cho Ngân hàng rao bán tài sản để thanh toán nợ cho Ngân hàng.
- Trong quá trình ký kết Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp, đồng thời, Chủ tài sản thế chấp ký văn bản ủy quyền công chứng cho Ngân hàng, theo đó nếu đến hạn Khách hàng vay hoặc Chủ tài sản thế chấp không thanh toán được nợ, Ngân hàng có quyền được
chuyển nhượng tài sản cho bên thứ ba theo Hợp đồng ủy quyền để thanh toán nợ.
- Chuyển các khoản nợ cần xử lý tài sản thế chấp sang Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản xử lý nợ.
3.3.1.2. Cương quyết xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu, hạn chế và từng bước loại hẳn giải pháp nuôi nợ
Đây là một lựa chọn rất khó khăn của Ngân hàng, hiện tại, đang có hai quan điểm trái ngược nhau:
Thứ nhất: đề nghị Ngân hàng thà chịu đau một lần, cương quyết chấm dứt quan hệ tín dụng, xử lý ngay các Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, không có khả năng trả nợ cho Ngân hàng.
Thứ hai: chủ trương “sống chung với lũ”, có nghĩa là Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ tín dụng để duy trì hoạt động của Doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp từng bước thu hồi nợ. Sau khi thu hồi nợ xong sẽ chấm dứt quan hệ tín dụng với Doanh nghiệp này.
Nếu thực hiện theo quan điểm thứ nhất, điều này gây ra ảnh hưởng tiêu cực nếu thực hiện đồng loạt và vấn đề lo sợ trách nhiệm của những người liên quan đến các khoản tín dụng, các Doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả bị đưa vào diện xử lý là điều không thể tránh khỏi.
Mặt khác, nếu thực hiện theo quan điểm hai, thì đây chỉ là vấn đề kéo dài thời gian tồn tại của các Doanh nghiệp yếu kém. Khi các khoản tín dụng mới phát sinh nếu Ngân hàng không kiểm soát chặt chẽ rất dễ trở thành nợ xấu. Như vậy, tổn thất còn lớn hơn rất nhiều điều này sẽ gây ra sự đánh đổi cho Ngân hàng.
Theo ý kiến cá nhân tôi, đề dung hòa vấn đề này và đạt mục tiêu như mong đợi, các Ngân hàng nên cương quyết chọn bước đi hợp lý từng bước (theo phương thức cuốn chiếu) từ nhóm Khách hàng kém nhất (số lượng Khách hàng, số lượng nợ phải xử lý từng đợt sẽ giảm đi). Đối với các Khách hàng đã được đưa vào “tầm ngắm” thì phải thực hiện các giải pháp xử lý một cách triệt để.