Thuế TNCN là công cụ của Nhà nước góp phần thực hiện công bằng xã hội, qua đó làm giảm sự chênh lệch giữa những người có thu nhập cao và những người
có thu nhập thấp trong xã hội. Trong chính sách thuế, nhà nước đã tính toán các đối tượng điều tiết khác nhau với các mức thuế suất và chế độ ưu đãi khác nhau. Do vậy chính sách thuế TNCN có tác động mạnh mẽ, trực tiếp tham gia phân phối thu nhập xã hội từ người nộp thuế. Nhà nước áp dụng chính sách thuế TNCN phải thống nhất giữa các tầng lớp dân cư.
Là một công cụ đảm bảo nguồn thu quan trọng và ổn định cho Ngân sách nhà nước bởi thuế TNCN có diện thu thuế rộng, khả năng tạo nguồn thu cho NSNN cao, có độ co giãn theo thu nhập tương đối lớn nên cùng với sự phát triển của nền kinh tế thu nhập của các tầng lớp dân cư cũng không ngừng tăng lên, nếu có chính sách động viên tốt, hợp lí thì không cần phải thay đổi thường xuyên chính sách mà vẫn thu được thuế TNCN như mong muốn. Ở Việt Nam tỷ trọng thuế TNCN hiện nay khoảng 10% trên tổng số thuế.
Là công cụ được Nhà nước sử dụng để điều tiết thu nhập của các đối tượng chịu thuế TNCN. Khi nền kinh tế trong tình trạng suy thoái, Nhà nước có thể giảm thuế để chống lại sự suy thoái. Chính sách tài chính như thế gọi là chính sách tài khóa nới lỏng. Ngược lại, khi nền kinh tế ở tình trạng lạm phát cao, thì Nhà nước có thể tăng thuế để ngăn cho nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng đổ vỡ. Chính sách tài khóa như thế gọi là chính sách tài khóa thắt chặt.
Góp phần quản lý thu nhập dân cư. Thông qua việc kiểm tra, xác minh thu nhập tính thuế TNCN, cơ quan Nhà nước có thể phát hiện những khoản thu nhập hợp pháp, không hợp pháp để có những biện pháp xử lý phù hợp, giúp Chính phủ có thêm cơ sở để đánh giá khái quát về tình hình thu nhập xã hội, về cơ cấu thu nhập dân cư để đề ra các chính sách kinh tế xã hội phù hợp.