trên địa bàn cấp huyện
Như đã trình bày ở trên, theo Luật xây dựng 2014, quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng bao gồm 11 nội dung. Đây là những nội dung quản lý tổng thể của nhà nước. Đối với cấp huyện chỉ thực hiện một số nội dung quản lý theo phân cấp. Trong phạm vi nghiên cứu, luận văn chỉ đề cập đến một sô nội dung quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ đối với cấp huyện.
1.1.3.1. Xây dựng và quản lý quy hoạch xây dựng công trình giao thông
Việc quy hoạch xây dựng công trình giao thông nằm trong quy hoạch xây dựng chung nên các nội dung về quy hoạch xây dựng công trình giao thông là các nội dung của quy hoạch xây dựng nói chung.
Quy hoạch xây dựng là công tác bố trí mặt bằng cụ thể để thi công xây dựng một công trình cụ thể, một dự án cụ thể khi dự án đó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã được cấp đất để xây dựng như: mặt bằng xây dựng, khu hành chính, khu sản xuất, khu kho tàng, khu bảo vệ… Trên cơ sở sơ đồ quy hoạch đó, các đơn vị thi công sẽ bố trí lực lượng xây dựng phù hợp để tiến hành thi công xây dựng theo yêu cầu của tiến độ xây dựng dự án đã được phê duyệt. Quy hoạch xây dựng càng cụ thể, chi tiết, quản lý mặt bằng xây dựng càng đảm bảo, chặt chẽ thì việc triển khai thực hiện dự án càng thuận lợi. Trong quá trình lập dự án, tùy từng loại dư án khác nhau mà mức độ quan tâm nghiên cứu đối với từng loại quy hoạch có thể khác nhau.
Quy hoạch các công trình giao thông thuộc quy hoạch giao thông đường bộ - là quy hoạch lĩnh vực chuyên ngành, gồm kết cấu hạ tầng, quy hoạch phương tiện giao thông và vận tải đường bộ. Quy hoạch giao thông đường bộ được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng bộ với quy hoạch ngành, lĩnh vực; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch các chuyên ngành giao thông vận tải khác. Quy hoạch giao thông đường bộ được lập cho ít nhất 10 năm và định hướng phát triển cho ít nhất 10 năm tiếp theo;
được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn của địa phương. Việc điều chỉnh quy hoạch phải bảo đảm tính kế thừa của các quy hoạch đã được phê duyệt. Quy hoạch giao thông đường bộ bao gồm mục tiêu, quan điểm, tính chất và quy mô phát triển; nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn, nguồn vốn, nguồn nhân lực; xác định danh mục các dự án, dự án ưu tiên; đánh giá tác động của quy hoạch; xác định cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch. Căn cứ quy hoạch chung của cả nước, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh tổ chức lập, trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp quyết định quy hoạch giao thông đường bộ do địa phương quản lý. Nguồn vốn cho quy hoạch giao thông đường bộ từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn khác.
1.1.3.2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng công trình giao thông
Pháp luật được ban hành tự thân nó không thể đi vào cuộc sống mà phải thông qua việc tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế đời sống xã hội. Hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng trong đó có các công trình giao thông là giai đoạn nối tiếp của hoạt động soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng. Tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng rất rộng và phức tạp, được tiến hành bởi nhiều chủ thể trong xã hội. Nội dung thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng bao gồm [5], [7], [8], [9]:
- Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch xây dựng. Việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng là vấn đề cốt lõi nhất của công tác quản lý quy hoạch xây dựng. Trong việc thực hiện nhiệm vụ này, Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp phải giữ vai trò chính. Chính phủ chỉ quyết định những quy hoạch chung của các đô thị lớn, quy hoạch tổng thể xây dựng các vùng trọng điểm có tính liên vùng và liên ngành, còn quy hoạch chung xây dựng các đô thị còn lại, quy hoạch chi tiết xây dựng phải do Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các địa phương xem xét quyết định.
Trên cơ sở quy hoạch xây dựng được duyệt, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải lập kế hoạch thực hiện tổ chức công bố quy hoạch xây dựng, đưa mốc giới, chỉ giới quy hoạch xây dựng ra ngoài thực địa, cấp chứng quy hoạch xây dựng, huy động các
nguồn đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và giám sát kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm việc xây dựng đô thị có kỷ cương trật tự.
- Thực hiện quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm: Lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình trong đó có công trình giao thông. Việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện dự án. Dự án đầu tư xây dựng có điểm đầu và kết thúc, việc triển khai thực hiện dự án thông qua các giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn đưa dự án vào khai thác sử dụng.
Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật trong giai đoạn chuẩn bị dự án bao gồm các nội dung: nghiên cứu, khảo sát, lập dự án; thẩm định dự án; phê duyệt dự án.
Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật trong giai đoạn thực hiện dự án bao gồm các nội dung: khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình; lựa chọn nhà thầu; tổ chức thi công xây dựng; quản lý dự án; nghiệm thu; bàn giao; quyết toán.
Tổ chức thực hiện quy định của pháp luật trong giai đoạn đưa dự án vào khai thác sử dụng bao gồm: bảo hành; bảo trì; khai thác, sử dụng; hoàn vốn (nếu có). Theo tinh thần của Luật Xây dựng là phân cấp tối đa quyền và trách nhiệm cho chủ đầu tư, người quyết định đầu tư nên nhà nước tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật thông qua việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; ban hành, công bố các định mức kinh tế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, thực hiện hậu kiểm...
1.1.3.3. Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình giao thông
a. Yêu cầu về quản lý, khai thác, bảo trì công trình giao thông (đường bộ) [10], [11]:
Bảo trì công trình đường bộ là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình đường bộ theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác, sử dụng. Nội dung bảo trì công trình đường bộ có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng,
bảo dưỡng và sửa chữa công trình nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình đường bộ.
Quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường bộ cần đảm bảo các yêu cầu sau đây: - Công trình đường bộ khi đưa vào khai thác, sử dụng phải được quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, pháp luật về giao thông đường bộ…
- Bảo trì công trình đường bộ phải thực hiện theo quy định của quy trình bảo trì, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì công trình đường bộ được cơ quan có thẩm quyền công bố áp dụng.
- Quy trình quản lý, vận hành khai thác, quy trình bảo trì công trình đường bộ được lập phù hợp với các bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình, loại công trình (đường, cầu, hầm, bến phà, cầu phao và công trình khác), cấp công trình và mục đích sử dụng công trình.
- Việc quản lý, vận hành khai thác, bảo trì công trình đường bộ phải đảm bảo duy trì tuổi thọ công trình, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt, an toàn cho người và tài sản, an toàn công trình, phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
b. Nội dung bảo trì công trình giao thông (đường bộ) [10], [11]:
- Kiểm tra công trình đường bộ: Kiểm tra công trình đường bộ bao gồm kiểm tra theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện các dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo trì công trình. Việc kiểm tra công trình đường bộ có thể bằng trực quan hoặc bằng thiết bị chuyên dụng;
- Quan trắc công trình đường bộ: Quan trắc công trình đường bộ là hoạt động theo dõi, đo đạc, ghi nhận sự biến đổi về hình học, biến dạng, chuyển vị và các thông số kỹ thuật khác của công trình và môi trường xung quanh theo thời gian. Quan trắc công trình đường bộ phục vụ công tác bảo trì bắt buộc phải được thực hiện trong các trường hợp: công trình đường bộ khi xảy ra sự cố có thể dẫn tới thảm họa theo quy định của
pháp luật; công trình, bộ phận công trình đường bộ có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng và các dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ, mất an toàn trong quá trình khai thác sử dụng hoặc theo yêu cầu của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình.
Các bộ phận công trình cần được quan trắc bao gồm các kết cấu chịu lực chính của công trình mà khi bị hư hỏng có thể dẫn đến sập đổ công trình (kết cấu nhịp cầu; mố và trụ cầu có chiều cao lớn; trụ tháp cầu treo; vỏ hầm).
- Kiểm định xây dựng công trình đường bộ: là hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hoặc nguyên nhân hư hỏng, giá trị, thời hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật khác của sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình đường bộ hoặc công trình đường bộ thông qua quan trắc, thí nghiệm kết hợp với việc tính toán, phân tích. Kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Kiểm định định kỳ theo quy trình bảo trì công trình đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
+ Khi phát hiện thấy chất lượng công trình có những hư hỏng của một số bộ phận công trình, công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng.
+ Khi có yêu cầu đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình phục vụ cho việc lập quy trình bảo trì đối với những công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì theo quy định.
+ Khi cần có cơ sở để quyết định việc kéo dài thời hạn sử dụng của công trình đối với các công trình đã hết tuổi thọ thiết kế hoặc làm cơ sở cho việc cải tạo, nâng cấp công trình theo quy định.
- Bảo dưỡng công trình đường bộ: được thực hiện theo kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì công trình được phê duyệt.
- Sửa chữa công trình đường bộ: là các hoạt động khắc phục hư hỏng của công trình được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm đảm bảo sự làm việc bình thường, an toàn của công trình đường bộ. Sửa chữa công trình đường bộ bao gồm:
+ Sửa chữa định kỳ công trình đường bộ bao gồm sửa chữa hư hỏng hoặc thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ theo quy định của quy trình bảo trì;
+ Sửa chữa đột xuất công trình đường bộ được thực hiện khi bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do chịu tác động đột xuất như gió, bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy và những tác động đột xuất khác hoặc khi bộ phận công trình, công trình có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành, khai thác công trình. Việc sửa chữa đột xuất do bão, lũ, lụt thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lũ, lụt trong ngành đường bộ.
c. Trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì công trình giao thông (đường bộ) [10], [11]:
Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường trên địa bàn theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể: Tổ chức thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; Thực hiện quyền, trách nhiệm khác đối với công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì công trình giao thông (đường bộ) của cơ quan quản lý nhà nước các cấp được quy định như sau:
- Tổ chức tuần kiểm đường bộ trên các tuyến đường được giao trực tiếp quản lý theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; - Tổ chức lập, trình kế hoạch bảo trì sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; tổ chức lập, trình duyệt thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án sửa chữa công trình đường bộ theo quy định của pháp luật; tổ chức lập, trình duyệt dự toán bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ, nhiệm vụ và dự toán kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng phục vụ công tác bảo trì công trình đường bộ được giao quản lý tổ chức đấu thầu, đặt hàng và ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện quản lý, bảo trì công trình, nhà thầu vận hành công trình; thực hiện các
nhiệm vụ đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong khai thác, sử dụng; xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng; xử lý đối với công trình hết thời hạn khai thác có nhu cầu sử dụng tiếp;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát các nhà thầu bảo dưỡng, các nhà thầu khác thực hiện hợp đồng đã ký;
- Kiểm tra, giám sát doanh nghiệp dự án trong việc quản lý, vận hành khai thác công trình dự án theo quy định của pháp luật.
1.1.3.4. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm
Hoạt động này nhằm ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng, xử lý nghiêm minh, công bằng các hành vi vi phạm, bảo đảm hiệu lực quản lý, bảo đảm trật tự, kỷ cương. Xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành bằng các biện pháp cưỡng chế đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại.
Việc kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng không những có tác dụng răn đe đối với những người vi phạm mà còn có tác dụng ngăn chặn, giáo