Quy hoạch và kế hoạch có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động đầu tư phát triển cấu hạ tầng giao thông. Về nguyên tắc thì công tác lập quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông là cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông hợp lý và thống, có quy mô phù hợp với từng địa phương, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có và phát triển năng lực của kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng và năng lực của ngành giao thông vận tải nói chung. Trong giai đoạn 2016 – 2020 huyện Na Rì cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 ÷ 2020 theo Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 19 tháng 2 năm 2016 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035. Trên có sở quyết định 2155, Huyện ủy Na Rì đã ban hành Chương trình số 14-CTr/HU, ngày 19/7/2016 về việc quy hoạch phát triển giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn giai đoạn 2016 – 2020. Quy hoạch đã căn cứ vào thực trạng giao thông của huyện, trên cơ sở đó khắc phục những yếu điểm, phát huy ưu điểm, thế mạnh, từ đó đề ra phương hướng, chủ trương, giải pháp nhằm phát triển toàn diện mạng lưới giao thông của huyện, chú trọng ưu tiên phát triển đường giao thông đến các xã, thôn, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Tuy nhiên, qua đánh giá, công tác quy hoạch phát triển giao thông trên địa bàn huyện Na Rì vẫn tồn tại một số bất cập như: Trong quy hoạch đường bộ, đa số các công trình giải quyết mang tính tình thế; hệ thống các đường giao thông chưa tính hết sự gắn kết trong việc khai thác kết cấu hạ tầng hiện có và khả năng huy động vốn, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm vốn đầu tư; Quy hoạch giữa các ngành (giao thông, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất) chưa có tính liên kết với nhau; Việc xây dựng công trình giao thông đôi khi chưa phù hợp với mục tiêu của chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện; chưa tạo điều kiện khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, di tích lịch sử, di sản văn hóa và nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện. Phần lớn các dự án đầu tư đường bộ tại huyện Na Rì chỉ dựa trên các con đường cũ nâng cấp hoặc đầu tư để giải quyết nhu cầu tức thời trước mắt. Chưa có dự án đầu tư mới nhiều vì hướng đầu tư nằm trong quy hoạch chưa được xác định rõ ràng.
Trong thời gian tới, huyện na Rì cần phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển giao thông theo các hướng sau đây:
- Quy hoạch cần xác định và xếp thứ tự ưu tiên các dự án, các công trình. Trong quá trình lập quy hoạch cần cân đối nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với khả năng cung ứng vốn. Việc lập quy hoạch cần phải bám sát với tình hình thực tiễn của các nguồn vốn tránh tình trạng đã lập xong quy hoạch nhưng không có vốn để thực hiện. Trong quá trình lập quy hoạch cần cân đối nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ với khả năng cung ứng vốn của NSNN. Lập quy hoạch cần bám sát với mục tiêu và tình hình phát triển của huyện, tránh tình trạng lập quy hoạch xong mà không có vốn để thực hiện. Vì vậy, quy hoạch, kế hoạch trước hết cần tập trung vào các dự án cấp bách trước.
Giai đoạn 2019 – 2022 cần ưu tiên các công trình mở mới các tuyến đường huyện như: + Xây dựng hoàn thành hệ thống các cầu trên tuyến ĐT.256 đạt tải trọng thiết kế HL93. + Nâng cấp, mở mới tuyến từ Xã Cường Lợi (huyện Na Rì) - Kết nối ĐT.231 (xã Hưng Đạo, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) đạt đường cấp V miền núi và chuyển thành đường tỉnh.
+ Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường: Thị trấn Yến Lạc (Na Rì) đến trung tâm các huyện Bình Gia, Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
+ Chuyển một số tuyến đường huyện đã hoàn thành nâng cấp, mới giai đoạn 2017 - 2025 thành đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi: Quang Phong - Đổng Xá - Xuân Dương (huyện Na Rì) kết nối với đường tránh 227 tỉnh Lạng Sơn (xã Thiện Long, huyện Bình Gia); tuyến đường xã Kim Hỷ (Na Rì) kết nối với xã Hương Nê (Ngân Sơn).
+ Sửa chữa, cải tạo khôi phục các tuyến đường địa phương (Dự án LRAMP): Cường Lợi - Vũ Loan; Kim Lư - Lương Thành; Vũ Loan - Lạng San (huyện Na Rì)
+ Đầu tư mở mới, kết nối các tuyến đường huyện: Kim Lư (huyện Na Rì) - Hoa Thám - Vĩnh Yên (huyện Tràng Định); Vũ Loan (huyện Na Rì) - Cao Minh (huyện Tràng Định). + Trong giai đoạn 2020 - 2025 quy hoạch đường cấp VI miền núi, định hướng 2035 nâng lên cấp V miền núi.
Nguồn lực để thực hiện các dự án trên được lấy từ nguồn Ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, Ngân sách tỉnh, huyện, nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới…
- Trong quá trình lập kế hoạch cần tính đến các yếu tố ảnh hưởng, rủi ro hay xảy ra như giá nguyên vật liêu, sắt, thép, xi măng, hoặc thay đổi tiền lương tối thiểu… ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của các công trình. Khi lập các dự án xây dựng mới phải tính toán chính xác nhu cầu, quy mô và tính hiệu quả của dự án, tuân thủ quy hoạch được phê duyệt.
- Dự án đầu tư xây dựng mới phải đáp được yêu cầu phục vụ mọi nhu cầu chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội và đặc biệt thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng và không được làm ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường nơi công trình được xây dựng. Trong thiết kế dự án cần lưu ý đến tạo hành lang an toàn cho các nhu cầu cảnh quan, cây xanh và các công trình phụ thuộc khác. Trong tương lai cả nước trở thành nước công nghiệp phát triển, nhu cầu về giao thông hiện đại là không thể thiếu, vì vậy ngay từ bây giờ phải có quy hoạch đất đai đủ rộng cho việc mở rộng
các tuyến đường, các công trình để thuận tiện, tiết kiệm đầu tư cho các giai đoạn phát triển về sau. Đặc biệt hệ thống đường bộ ở huyện, thôn, bản, xã hiện tại chỉ đảm bảo chiều rộng cho một làn xe, đã không còn phù hợp, vì vậy phải định hướng quy hoạch ngay từ hệ thống đường xã, thôn cũng phải đảm bảo đủ chiều rộng để từng bước xây dựng đường 2 làn xe trở lên.
- Chấn chỉnh công tác lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch ở tất cả các ngành, các cấp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, từng bước xây dựng các quy hoạch có tính đồng bộ, hệ thống và liên kết chặt chẽ trong cả nước. Trước hết, cần nâng cao hơn nữa tính kết nối giữa các loại quy hoạch trong từng ngành giao thông, giữa quy hoạch của ngành giao thông với quy hoạch của các ngành khác, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai và quy hoạch vùng.
- Cần rà soát và chấn chỉnh công tác quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất ven đường giao thông để tránh tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông. Bên cạnh đó, quy hoạch mạng lới giao thông vận tải phải đồng bộ với quy hoạch các vùng sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, nhằm bảo đảm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tăng dịch vụ trong mối quan hệ hài hoà với phát triển kinh tế vùng và bảo vệ môi trường tự nhiên. Các quy hoạch phát triển ngành, vùng, đất đai, xây dựng...phải được cập nhật, rà soát bổ xung thường xuyên theo hướng gắn với thực tế, bám sát nhu cầu thị trường, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng ngành để phục vụ cho yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng và nhu cầu chung của cả nước. Các công trình hạ tầng giao thông đường sá, cầu cống phải có mối liên kết hỗ trợ lẫn nhau và tạo thành một hệ thống đồng bộ trong toàn huyện.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch của huyện có đủ năng lực, tiêu chuẩn quy định. Nâng cao trình độ chuyên môn cũng như nghiệp vụ của đội lập quy hoạch bằng các biện pháp: mở lớp đào tạo, cử đi tu nghiệp ở các nước có trình độ cao. Giai đoạn 2019 – 2022 cần thiết cấp huyện phải cử 2 – 3 công chức và mỗi xã, thị trấn cử 01 công chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về quy hoạch để đáp ứng nhu cầu quản lý.
Đội ngũ tham gia vào công tác lập quy hoạch, kế hoạch phải có năng lực trình độ cao, có kinh nghiệm và tầm nhìn xa mới mang lại hiệu quả. Ngoài việc bồi dưỡng nâng cao
trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cấp trong việc tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai... Các quy hoạch tốt sẽ là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng định hướng phát triển kinh tế xã hội, làm căn cứ cho việc xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, bước đầu hình thành cơ cấu vốn đầu tu hợp lý.
- Đầu tư hợp lý cho hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ cho công tác lập quy hoạch. Tiến hành thu thập thông tin một cách chính xác để phục vụ có hiệu quả cho công tác quy hoạch.