Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng nói chung và xây dựng công trình giao thông nói riêng đã có một số công trình nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu của các đề tài là những tham khảo rất hữu ích đối với luận văn này. Sau đây là nội dung một số đề tài tiêu biểu:
- Đề tài “Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông đường bộ tại Ban Quản lý dự án công trình giao thông Nghệ An” của tác giả Vương Thị Thành Hưng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2015. Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về dự án công trình giao thông đường bộ và quản lý dự án công trình giao thông đường bộ. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng về công tác quản lý dự án công trình giao thông đường bộ tại Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Nghệ An, đề tài đã đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý dự án đối với các công trình giao thông. Mặc dù đề tài nghiên cứu việc quản lý các công trình giao thông dưới góc độ Ban quản lý dự án nhưng các nội dung nghiên cứu của đề tài về các dự án công trình giao thông vẫn có ý nghĩa khoa học đối với việc nghiên cứu việc quản lý xây dựng công trình giao thông dưới góc độ quản lý nhà nước [15].
- Đề tài “Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ tỉnh Bình Định” của tác giả Đặng Văn Ái, Đại học Đà Nẵng, năm 2012. Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về hệ thống giao thông đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trong đó có quản lý về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các công trình giao thông đường bộ. Đề tài đã đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng về công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ tại tỉnh Bình Định. Trong các giải pháp đề tài đề xuất, giải pháp “Tổ chức tốt quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” đã đề cập rất chi tiết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các công trình giao thông đường bộ [16].
- Đề tài “Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế” (2014) của tác giả Phan Thị
Nhật Phương, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học kinh tế, Đại học Huế. Đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hiệu quả sử dụng vốn NSNN đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đề tài đã phân tích thực trạng công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng công trình GTĐB từ nguồn vốn NSNN tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư; Nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, đào tạo cán bộ trong hoạt động đầu tư xây dựng GTĐB; Cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý; Tăng cường giám sát chất lượng, tiến độ xây dựng, kiểm tra tài chính với dự án; Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công trình đường bộ; Đầu tư xây dựng CSHT phù hợp với cơ cấu kinh tế và quy hoạch [17].
- Đề tài “Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ bằng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn Tp. Đông hà, Tỉnh Quảng Trị” của tác giả Trần Thị Thủy Như (2014), Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học kinh tế, Đại học Huế. Dưới góc độ quản lý dự án đầu tư, đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về quản lý dự án các công trình giao thông đường bộ bằng nguồn NSNN và phân tích thực trạng về quản lý dự án đầu tư các công trình xây dựng GTĐB trên địa bàn thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ bằng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn TP Đông hà, Tỉnh Quảng Trị. Các giải pháp bao gồm: Đảm bảo quy hoạch đầu tư; Các giải pháp về vốn; Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý vốn đầu tư; Giải pháp về đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng; Hoàn thiện cơ chế đầu thầu và tăng cường quản lý công tác đấu thầu; Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào công trình đường bộ [18].
Kết luận chương 1
Hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế, khai thác cũng như hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế của địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh… Vì thế, phát triển hạ tầng giao thông trong đó có xây dựng các công trình giao thông một cách đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cấp thiết được đặt ra với nước ta hiện nay.
Chương 1 của luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về đầu tư xây dựng, xây dựng công trình giao thông, quản lý nhà nước về xây dựng công trình giao thông trong đó tập trung chủ yếu vào khái niệm, đặc điểm của đầu tư xây dựng; khái niệm, đặc điểm của công trình xây dựng và các công trình giao thông, vai trò của xây dựng các công trình giao thông.
Các nội dung quản lý nhà nước về xây dựng công trình giao thông bao gồm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng công trình giao thông, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng công trình giao thông, tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông, công tác kiểm tra và giám sát xây dựng công trình giao thông.
Bên cạnh đó, chương 1 cũng nghiên cứu các chỉ tiêu đánh giá công tác quản lý nhà nước về xây dựng công trình giao thông, các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về xây dựng công trình giao thông bao gồm các nhân tố chủ quan và khách quan, các kinh nghiệm thực tiễn về quản lý nhà nước về xây dựng công trình giao thông tại một số địa phương. Các nội dung nghiên cứu trong chương 1 sẽ là cơ sở để nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về xây dựng công trình giao thông trên địa bàn huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn sẽ được trình bày ở chương 2 của luận văn.
CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TẠI HUYỆN NA RÌ TỈNH BẮC KẠN